edf40wrjww2tblPage:Content
Hữu xạ tự nhiên hương?
“Khô như ngói!” là đúc kết của Thảo Vân (P.9, Q.Tân Bình, TP.HCM) về Thanh Toàn, chồng mình. Vân nhớ, ngày thành hôn, mẹ cô cứ chốc chốc lại chạy đến nắm tay hai đứa, rồi mỉm cười mãn nguyện như chính bà cũng đã thấy trước hình ảnh một người chồng đầy trách nhiệm nơi Toàn. Dự cảm ấy không sai, thậm chí lại đúng đến trớ trêu, ngang trái.
Toàn là một người chồng tốt. Hai cô con gái của Vân có thể ở với bố suốt ngày mà không hề đòi mẹ. Ngày thường, chỉ cần một cú điện thoại báo tin, Vân có thể yên tâm giải quyết việc công ty tới… sáng mai, để chồng một tay lo liệu con cái, nhà cửa. Lấy chồng 12 năm, Vân chưa hề biết đến khái niệm “chia sẻ việc nhà”, bởi mọi thứ cần chia sẻ, đỡ đần, Toàn đều lẳng lặng làm hết. Đã thế, Vân lắm lúc còn ngỡ ngàng vì những “kế hoạch 5 năm” với bao nhiêu tham vọng trong công việc, và thành quả ngoạn mục của chồng. Mỗi lần được khen lấy chồng “hai giỏi”, cô chỉ biết ngậm ngùi thừa nhận: “Nhưng chỉ đến vậy thôi!”.
Tự nhận mình không thích màu mè, mọi lời yêu thương Toàn gửi hết lại những ngày son rỗi. Những cảnh tình tứ vợ chồng vô tình nhìn thấy trên phim đều bị anh cho là “sáo rỗng”, “chỉ có trong phim”. Thèm được nghe lời yêu, nhưng phải kỳ kèo mãi, Vân mới được chồng “chiếu cố”, nhưng lại bằng lời tỏ tình kiểu đánh đố: “Em không tự cảm nhận thấy sao?” rồi để mặc vợ “tự cảm nhận”. Toàn không thể hiểu nổi sao vợ mình lại “trẻ con”, “chuộng hình thức” thế. Đáp trả những đòi hỏi thể hiện của Vân, Toàn luôn miệng nhắc đến món quà “nhà cửa tiện nghi, con cái mạnh khỏe” mà anh dâng tặng cô mỗi ngày. Những ngày đau ốm, nhu cầu được nựng nịu, ngọt ngào tăng cao; Vân càng buồn bực trước vẻ ngờ nghệch, máy móc của chồng.
Hễ tra cứu được trên mạng thông tin gì, Toàn “thông tin lại” cho người ốm, rồi thôi. Cả một ngày dài không một lời hỏi han, đến khi vợ hờn, vợ giận, anh lại tròn mắt ngạc nhiên: “Bệnh tình có bấy nhiêu anh biết hết rồi, còn bắt hỏi làm chi?”. Hồi Vân chuyển dạ sinh đứa con thứ hai, Toàn đang công tác Vũng Tàu. Từ lúc chuyển dạ đến lúc sinh con hơn một ngày trời mà Toàn không về kịp. Chuyện ấy, sau này anh giải thích: “Trên này đã có ba mẹ hai bên, lại có bác sĩ quen, có anh cũng thừa; còn sự quan tâm lo lắng của anh thì em còn lạ gì?”. Sau lần ấy, như có một khoảng cách vô hình ngăn Vân đến gần, thậm chí nhìn thẳng vào mắt hay nói chuyện bình thường với chồng. Vẫn cảm động vì những nỗ lực của chồng cho cuộc sống gia đình, nhưng cuộc hôn nhân cứ tẻ nhạt dần đi, chẳng còn gì khiến Vân mong ngóng, đợi chờ.
Làm một người bạn đời chân thật, hết lòng đã là một lựa chọn đáng trân trọng giữa đời sống này. Nhưng trớ trêu, những nỗ lực bao hàm cả sự hy sinh ấy đôi khi lại không bù đắp nổi khoảng trống của một vài lời nói, ánh nhìn. |
Vòng tròn tự vẽ
Khi đứng trước bao nhiêu trách nhiệm buộc người ta phải hoàn thành, tình cảm vợ chồng dễ trở thành một phản xạ cơ học. Những hương hoa tình yêu vốn làm người ta chết mệt mà hiến dâng cuộc đời cho nhau trở thành “màu mè phô diễn”. Từ một người tình sang một người vợ/chồng có biết bao nét đáng yêu rơi rụng mà có khi thấy đấy, người ta cũng chẳng buồn “nhặt” lại; bởi “đã là vợ chồng rồi, hơi đâu!”. Nhưng, “chết” vì chểnh mảng, lơ là đã đành; nguy hiểm hơn, nhiều cuộc hôn nhân rơi vào buồn tẻ chính bởi sự điều độ, mực thước đã triệt tiêu những thăng hoa, ngẫu hứng, mài mòn cảm xúc của bạn đời.
Tìm đến chúng tôi, chị Hồng Liên liên tục chặc lưỡi, lắc đầu, vẻ không cam tâm. Là giáo viên của một trường tiểu học ở H.Nhà Bè, bao nhiêu thời gian rỗi, chị dành hết cho gia đình. Anh Tấn Đạt - chồng chị Liên là thầu xây dựng, công việc dù bận rộn nhưng anh chưa bao giờ vắng nhà lâu ngày. Chị Liên khẳng định, cuộc hôn nhân của mình quá hoàn hảo, tiền bạc rủng rỉnh, vợ chồng thuận hòa, cả chuyện xa mặt cách lòng cũng không có. Vậy mà anh sa ngã lúc nào không hay. Đến lúc chị phát hiện, anh đã nghiêng hẳn về phía người tình, nhất quyết đòi chia tài sản.
Lớn lên trong một gia đình gia giáo, lúc kết hôn, chị mặc định việc giữ cửa nhà êm ấm, chăm lo sức khỏe chồng con là nhiệm vụ của mình. Mặc kệ lối sống buông thả, ăn uống thất thường thời thanh niên của anh, chị cố điều chỉnh mọi thứ cho thật khoa học. Tối mấy giờ ngủ, sáng mấy giờ thức. Anh quen ăn mặn, chị từng bước “cải thiện” để khẩu vị anh vừa vặn với những tiêu chí vì sức khỏe. Tất tần tật mọi thứ liên quan đến nhà cửa, bếp núc, chị đều cẩn thận chăm chút. Cưới nhau tám năm, chị Liên chưa một lần nặng lời, to tiếng với chồng; cũng không chấp nhận một hành động quá khích nào của anh, mọi thứ phải thật hài hòa, có trên có dưới.
Quan niệm chuyện vợ chồng phải tuyệt đối riêng tư, chị ít khi thể hiện hoặc hưởng ứng những biểu hiện tình tứ của chồng trước con cái, họ hàng. Cũng có khi, trong cơn cao hứng, anh Đạt choàng vai bá cổ, chòng ghẹo vợ mấy câu trước mặt mọi người, chị đều nhăn nhó, gạt đi. Chị bảo, “trừ những chuyện bậy bạ, còn chồng muốn gì, tôi cũng ráng chiều”. “Bậy bạ” là những lúc con cái vắng nhà, anh mượn cớ nhờ lấy giúp khăn tắm rồi níu tay vợ lại. Chị vừa ngượng vừa giận, thẳng thừng quay đi, mấy hôm sau lại khéo léo nhắn nhủ “yêu đương phải đúng giờ, đúng chỗ”. “Bậy bạ” là những ngày kỷ niệm tình yêu, anh đề nghị gửi con cho ông bà để vợ chồng đi du lịch, chị trợn mắt: “bố mẹ kiểu gì mà chơi bời bỏ con”, rồi vĩnh viễn dẹp bỏ những “sáng kiến” tương tự của chồng. Chị thừa nhận, cả trong chi tiêu lẫn sinh hoạt hằng ngày, chị chưa bao giờ cho phép mình làm theo hứng, bởi “chỉ cần một lần như thế, mái nhà sẽ tới lúc… loạn lên”.
Đương nhiên, nhà chị không… “loạn”. Mái nhà lúc nào cũng tinh tươm, cơm canh nóng sốt, chồng con khỏe mạnh. Tài khoản gia đình tăng lên đều đều. Nhưng chồng chị thì… “nổi loạn”, ra ngoài “bậy bạ” rồi quay sang chê vợ “cũ rích”. Vậy mà, thật lạ, đến lúc chỉ còn một mình trong cái vòng tròn tự vẽ bằng bao nhiêu quy củ, phép tắc; chị vẫn không hiểu “sơ hở” nào khiến chị thất bại trong cuộc hôn nhân này.
***
Làm một người bạn đời chân thật, hết lòng đã là một lựa chọn đáng trân trọng giữa đời sống này. Nhưng trớ trêu, những nỗ lực bao hàm cả sự hy sinh ấy đôi khi lại không bù đắp nổi khoảng trống của một vài lời nói, ánh nhìn. Anh dồn hết tâm sức chăm lo cuộc sống chung, nhưng lại chẳng bằng một cái cầm tay trong khoảnh khắc bạn đời anh đang cần đúng chút hơi ấm ấy. Chị tất bật đêm ngày để giữ mọi thứ sạch sẽ, thơm tho; nhưng không sao khỏa lấp được sự lỗi nhịp cùng chồng. Nếu người trong cuộc chỉ ung dung tin tưởng “tự nhiên hương”, hoặc ngủ quên trong cái vòng tròn tự vẽ, rồi tự huyễn hoặc rằng mình đã vẹn toàn thì e rằng sẽ đến lúc mỗi người nhìn về một hướng khác nhau...
Ai bảo chỉ cần no đủ, thuận hòa? Hôn nhân cũng… nhiễu sự lắm chứ!
Thiên Di