Hôn nhân nhiều sắc màu của 'vợ chồng già hát karaoke' khiến cộng đồng bolero xốn xang

19/09/2018 - 09:00

PNO - Biết tha thứ cho chồng những phút xao lòng là điều không dễ. Ấy vậy mà, ở trời tây, có người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ đã biết vun vén để hạnh phúc gia đình ngày càng hạnh phúc.

Mới đây, một đoạn clip về cụ ông 82 tuổi và cụ bà 80 tuổi tình tứ hát karaoke khiến những ai yêu dòng nhạc quê hương phải truyền nhau xem. Chỉ sau một đêm đã có tới hơn 6.300 lượt like và 11.744 lượt chia sẻ, 1.800 bình luận. Giọng hát hai cụ ngọt ngào và đặc biệt biểu cảm rất “tình” là lý do khiến nhiều người yêu mến, song ít ai biết rằng, hôn nhân của họ là sự tổng hòa nhiều màu sắc thăng trầm để cuối đời lại thấy yêu nhau nhiều hơn.

 

Bảy người con (4 nam, 3 nữ), 18 người cháu và 4 đứa chắt chính là gia tài lớn nhất của vợ chồng bác Nguyễn Văn Khương và Lê Thị Nói – nhân vật chính trong đoạn clip nói trên. Rời mảnh đất miền tây – Vĩnh Long, đại gia đình họ đã qua Mỹ định cư 23 năm nay. Thời son trẻ, khi anh 18, em 16 thì hai cụ đưa nhau về chung một nhà. Cuộc hôn nhân kéo dài suốt 65 năm qua đã đi qua nhiều cung bậc buồn vui, nhưng chữ “tình” chữ “nghĩa” mới là sợi dây vĩnh cửu gắn kết họ.

Hon nhan nhieu sac mau cua 'vo chong gia hat karaoke' khien cong dong bolero xon xang
Càng về già, họ càng thương nhau.

Theo lời kể của anh Nguyễn Xuân Nam – tác giả của đoạn clip và là người con út của gia đình, điều đặc biệt của ba mẹ anh là ông bà "khắc khẩu" nhưng lại không thể rời nhau. Ngồi với nhau, không chuyện này thì chuyện nọ, hết chuyện gia đình lại chuyện xã hội, cứ cụ ông có ý kiến này thì cụ bà lại có ý kiến khác. Bản tính cụ bà vốn thật thà chất phác, trong khi cụ ông lại tiếu lâm, khôi hài nên những chuyện ông đùa, bà tưởng thật, lại tin và lại giận. “Với ba mẹ anh, xung đột lại chính là niềm vui”, anh Nam chia sẻ. Và niềm vui ấy lan sang con cháu khi thấy ông bà giận nhau như cơm bữa nhưng chỉ cần một lát sau đã hết giận, lại vui cười.

Hon nhan nhieu sac mau cua 'vo chong gia hat karaoke' khien cong dong bolero xon xang
Gia đình gắn kết bởi những bữa cơm đoàn viên.

Xa quê hương nhưng dòng máu Việt với những nếp sinh hoạt truyền thống vẫn được 2 cụ duy trì và nhắc nhở cháu con. Sự tận tụy, chu toàn, rộng lượng của người vợ, người mẹ là tấm gương để dâu con noi theo. Khi nói về mẹ của mình, anh Nam rất đỗi tự hào: “mẹ anh là mẫu phụ nữ chuẩn miền Tây”. Mỗi khi gia đình đoàn viên mẹ anh luôn vào bếp để nấu những bữa cơm Việt. Sáng nào, bác gái cũng dậy sớm tự tay pha cà phê cho chồng, rồi ra vườn, tưới cây, trồng rau. Khoảng sân nhỏ bên nhà là nơi cụ bà chăm chút từng gốc cây để các con có rau sạch ăn và cũng để “vơi đi nỗi nhớ quê nhà”. Sóng gió đã từng đứng bên hiên nhà, nhưng chính những luống rau, ly nước, bản tính nhu mì và thủy chung của cụ bà đã đẩy nó đi xa.

Ấy là khi còn trẻ, cụ ông vốn phong độ, hào hoa, có nhiều tài lẻ, nên được nhiều bóng hồng để ý. “Mẹ anh biết nhưng vẫn im lặng. Cái im lặng như một quyền uy để ba anh cảm thấy chột dạ”. Giận chồng nhưng cơm nước vẫn chu toàn, xưng hô tử tế, hiếu đạo với gia tộc đàng hoàng, chăm sóc con cái không một phút lơ là, đó chính là liều thuốc “giải cảm” để đưa cụ ông thoát khỏi cơn “say nắng”. Không những vậy, nó còn có tác dụng phụ tốt hơn đó là thay đổi bản tính vốn có trước đây của chồng.

Hon nhan nhieu sac mau cua 'vo chong gia hat karaoke' khien cong dong bolero xon xang
 
Hon nhan nhieu sac mau cua 'vo chong gia hat karaoke' khien cong dong bolero xon xang
 
Hon nhan nhieu sac mau cua 'vo chong gia hat karaoke' khien cong dong bolero xon xang
 Khi rảnh rỗi ông và bà đi chơi, hâm nóng tình yêu.

Anh Nam tâm sự: “Ba anh trước đây gia trưởng, nhưng sau chuyện đó, trở nên chiều chuộng và nhẹ nhàng, chăm sóc mẹ anh nhiều hơn. Hễ đi đâu về, câu đầu tiên khi ông bước vào nhà là “mẹ chúng mày đâu”. Dù biết bà đang ở nhà, nhưng ông phải nhìn thấy”.

Điều đặc biệt là ông bà chưa bao giờ đi đâu xa mà lại không có nhau. Niềm vui của ông lúc về già là sáng, chiều chở cháu nội, cháu ngoại đi học, rồi ông dẫn tay bà vào nhà tắm vì sợ tuổi già dễ ngã. Rảnh rang, ông chở bà đi mua sắm và ngẫu hứng lại hát karaoke. Những bài hát quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, thấm qua các con, cháu và hễ có dịp, đại gia đình lại cùng nhau hát cho nhau nghe, để được thấy ông bà “người đòi hát bài này, người đòi hát bài kia, cuối cùng ông nhường và rủ bà hát song ca”.

Hon nhan nhieu sac mau cua 'vo chong gia hat karaoke' khien cong dong bolero xon xang
Bức tranh đẹp cho những gam màu gia đình.

Một bức tranh đẹp không thể chỉ một mảng màu, mà là sự hài hòa sáng tối, hay sự tương phản đậm nhạt. Gia đình chưa hẳn đã hạnh phúc nếu không có những khúc mắc nhỏ to. Hôn nhân có nhiều góc khuất, lối đi, nhưng có lẽ hơn thua là xử sự của người đàn bà và nhìn nhận của đàn ông. Biết tha thứ cho chồng những phút xao lòng để đón nhận được nhiều hơn là điều không dễ và không phải ai nói và làm được. Ấy vậy mà, ở một nơi trời Tây, có người phụ nữ Viêt Nam bé nhỏ đã biết vun vén để hạnh phúc gia đình ngày càng đơm hoa thơm quả ngọt.

Giờ đây, trong căn nhà ấy, hàng ngày du dương những ca khúc quê hương da diết. Và phía sau “hậu trường”, “bài hát này của ông” “bài kia của tôi” và cuối cùng là “bài hát của chúng ta”.                                                                                                                   

Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI