Hôn nhân không giá thú nơi biên giới

09/05/2016 - 13:52

PNO - Trai gái hai bản Pà Khốm, Tri Lễ, H.Quế Phong và bản Đen Đín, Phăn Thong, H.Mường Quắn thích là cứ lấy nhau, làm vợ chồng chứ không đăng ký kết hôn...

Hon nhan khong gia thu noi bien gioi
Bộ đội biên phòng Tri Lễ đến từng hộ gia đình người Mông để vận động, tuyên truyền về việc kết hôn phải đăng ký

Trai gái hai bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, H.Quế Phong (Nghệ An) và bản Đen Đín, xã Phăn Thong, H.Mường Quắn (Lào) thích là cứ lấy nhau, làm vợ chồng chứ không đăng ký kết hôn, nhập quốc tịch. Tình trạng đáng lo ngại này lại đang có chiều hướng gia tăng.

Đến bản Pà Khốm, không khó nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ Lào địu con làm việc. Một cán bộ địa phương cho biết: “Những người vợ mang quốc tịch Lào ở bản Pà Khốm đang tăng dần. Gọi là vợ nhưng theo cách nói của người Mông nơi đây là “gặp nhau, thích nhau là lấy thôi”. Người dân của hai bản nằm hai bên biên giới là bản Đen Đín (Lào) và bản Pà Khốm (Nghệ An) thường xuyên qua lại và có quan hệ khăng khít với nhau”.

Ông Thò Giống Mùa (SN 1967, bản Pà Khốm) kể: “Vợ ta là người nước Lào, tên là Thò Y Dênh. Hai chúng ta lấy nhau từ năm 1982, được 13 đứa con. Con trai đầu của ta cũng có vợ bên đó. Khi chúng nó cưới nhau, ta cũng không nghĩ đến việc phải kết hôn đâu”. Người dân địa phương cho biết thêm, từ bản Pà Khốm sang bản Đen Đín (Lào) mất hai giờ đồng hồ đi bộ đường rừng, nhưng cứ mỗi dịp lễ tết thì thanh niên bản này lại sang bản kia giao lưu, trai gái thấy thích nhau thì sống chung, nên hai bản qua lại rất thân thiết đã hàng trăm năm nay.

Thò Bá Nênh (SN 1991, bản Pà Khốm) lấy vợ là Vừ Y Mại (SN 1993, bản Đen Đín) từ năm 2012, được hai con nhưng chưa đăng ký kết hôn. Nênh nói như năn nỉ: “Từ khi cưới nhau chưa đăng ký kết hôn vì không rõ pháp luật, lần này được sự vận động của bộ đội biên phòng Tri Lễ nên biết rồi. Mong các cơ quan cho vợ tôi được nhập quốc tịch Việt Nam”. Ở xã Tri Lễ có rất nhiều trường hợp như Thò Bá Nênh. Theo thống kê, tại 10 bản người Mông ở xã Tri Lễ có tới 35 cặp vợ chồng kết hôn ngoại biên không giá thú. Đây chính là một trong những nguyên nhân của tình trạng di cư trái phép trong đồng bào Mông.

Thượng tá Bùi Thanh Tần (chính trị viên Đồn biên phòng Tri Lễ) cho biết: “Bộ đội biên phòng đã nắm bắt được thông tin từ lâu và đã cử cán bộ đến tận từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn, làm hộ tịch, hộ khẩu, cố gắng sớm chấm dứt tình trạng này”.

Mới đây, Quế Phong đã được Bộ Tư pháp chọn thực hiện thí điểm Đề án khảo sát thực trạng về hôn nhân không giá thú. Qua khảo sát, Quế Phong hiện có 41 cặp vợ chồng kết hôn không giá thú, chủ yếu tập trung tại hai xã biên giới Tri Lễ và Thông Thụ. Bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó chủ tịch UBND H.Quế Phong cho biết, dù các cặp vợ chồng này chưa có giấy kết hôn, nhưng chính quyền địa phương vẫn phải cấp đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết như hộ tịch, hộ khẩu, thẻ BHYT, giấy khai sinh... cho họ.

Vô hình trung, điều này đã dẫn đến một quy trình ngược. Vì vậy, ngành chức năng cần sớm có các giải pháp, tạo thuận lợi cho các đối tượng được nhập quốc tịch Việt Nam theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhằm giúp họ ổn định nơi ở, yên tâm sinh sống, từ đó hạn chế tình trạng di cư tự do.

An Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI