Lựa chọn không sinh con không phải là chuyện của những cặp đôi “mới lớn, bồng bột”. Thực tế, vẫn có nhiều cặp vợ chồng chủ động sống trong cuộc hôn nhân không con cái đã hàng chục năm. Câu chuyện của họ có lẽ là những “mẫu khảo sát” có giá trị cho những nhà quản trị, hoặc những nhà xã hội học đang muốn phân tích về tâm lý hôn nhân đằng sau xu hướng này.
10 năm không bị “số đông” làm lung lay
Tôi biết vợ chồng Nguyễn Ngọc Hiền và Trần Hải Hưng qua một người quen. Họ cởi mở và thẳng thắn trao đổi về chủ đề mà tôi đề cập.
Chồng sinh năm 1986, còn vợ 1987. Chồng làm chuyên gia cho một công ty nước ngoài. Vợ làm giảng viên một trường đại học danh tiếng. Họ quen nhau khi đang du học Thụy Điển, kết hôn sau ba năm, và thống nhất sẽ không sinh con.
Nói về đề tài con cái sau mười năm hôn nhân, chị Hiền cho rằng: “Tôi biết có con là một niềm hạnh phúc lớn, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc hy sinh nhiều thứ khác. Cuộc sống còn rất nhiều điều tuyệt vời mà không nhất thiết phải là con cái. Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều người không sinh con mà vẫn hạnh phúc. Đối với họ, về già không con cái là chuyện bình thường. Nhà dưỡng lão là sự lựa chọn rất văn minh”.
Còn anh chồng thì thẳng thắn: “Có người từng nói vợ chồng tôi sẽ hối hận khi không sinh con”. Tôi chỉ cười, họ có quyền nói, còn làm gì là quyền của tôi. Chúng tôi có nhiều thời gian dành cho nhau, du lịch vòng quanh thế giới, khám phá những điều nhiều người chưa chắc đã biết”.
|
Không sinh con cũng là một cách tận hưởng cuộc sống. Ảnh minh họa |
31 năm không con cái
Anh Lê Dương (nghệ sĩ) và Hồ Thy Mai (nhà thiết kế) đã sống 31 năm “khác người” vì quyết định không sinh con.
Sáng đi làm, chiều tối vợ chồng cùng nhau vào bếp. Thi thoảng đi ăn ngoài, du lịch năm châu bốn bể. Hôn nhân qua ba thập niên của họ không hề giảm đi lãng mạn thuở ban đầu.
Anh Dương kể: “Bố mẹ mình tôn trọng quyền tự do cá nhân và không nặng nề chuyện nối dõi tông đường. Bọn mình không muốn vướng bận con cái, bởi hiểu rằng, sinh con là vô vàn trách nhiệm. Sẽ có nhiều khó khăn và thách thức trong khi cả hai muốn dành thời gian cho nhiều việc khác.
Nếu sinh con mà để chúng thiếu thốn (về tinh thần hay vật chất) thì rất có lỗi với con. Mình yêu con trẻ, nhưng cũng yêu sự tự do không vướng bận. Cái cảm giác đi đâu, làm gì cũng có nhau thật tuyệt”.
Trường hợp của hai bạn trẻ Ngô Ý Minh và Nguyễn Lê Hoa còn thú vị hơn. Họ lấy nhau được 5 năm, cách đây một năm, cả hai đã chuyển vào TP.HCM sinh sống. Họ quyết định không sinh con và kiên quyết phản đối những áp đặt mà gia đình, họ hàng gán lên họ.
Mẹ Minh ngày ngày giục giã, có lúc còn nặng lời: “Lấy nhau mà không sinh con thì sao có hạnh phúc? Con mà như thế thì sau này về già sống ra sao? Nếu không thay đổi thì mẹ khó chấp nhận con dâu mà không sinh cháu cho mẹ”.
Minh từ tốn đáp: “Chẳng phải mẹ cũng mong con hạnh phúc sao? Sinh con sao tránh khỏi mệt mỏi, nuôi con còn khó hơn. Lúc bé thì gánh nặng tiền bạc, khi lớn có hàng núi âu lo khác. Nhà bác Lan sinh ba đứa con mà về già có được nhờ đứa nào đâu? Khi bác ấy già, con cái lại đổ đốn, để cha già vẫn phải tiếp tế con trong tù. Có con đâu hẳn hạnh phúc, không có con đâu hẳn bất hạnh. Chúng con thường xuyên đi xem phim, cà phê, ăn uống, cùng nhau như đôi uyên ương. Bọn con thuộc về nhau và con không muốn mất đi cảm giác này”.
Minh nhiều lần trấn an mẹ, nhưng mẹ vẫn cứ thúc ép. Trước tình hình đó, Minh và Hoa đã chuyển vào TP.HCM, làm việc, mua nhà, và chỉ về thăm mẹ vào những dịp đặc biệt. Hai vợ chồng vẫn thường xuyên gọi điện, gửi quà cho mẹ, nhưng cứ nhắc đến chuyện sinh con cả hai đều lảng tránh. Được ba năm thì mẹ Minh thấm thía, đành gọi con về: “Thôi thì mẹ chịu các con. Về Hà Nội mà sống đi, mẹ không làm khó các con nữa”.
Trường và Thơm là cặp vợ chồng khá nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh. Khi được hỏi vì sao hai vợ chồng chọn giải pháp kết hôn mà không sinh con, Thơm nói: “Tôi không phản đối việc sinh con vì mỗi người một quan điểm, nhưng tôi biết rất nhiều phụ nữ sinh con, nuôi con, phải làm rất nhiều việc mình không mong muốn. Tại sao phải làm vậy khi ta chỉ có một cuộc đời, thì phải sống sao cho khỏi nuối tiếc. Mấy cô bạn tôi rất giỏi chuyên môn và xinh đẹp, nhưng khi sinh con thì khổ cực đủ điều. Đứa con đầu lòng không may mắc bệnh tự kỷ, đứa thứ hai thì tim bẩm sinh. Thế là bao nhiêu tiền đều dồn vào con mà không đủ. Hồi xưa như công chúa mà giờ như mẹ mướp. Nhìn những tấm gương đó mà sợ”.
Dừng một lát, Thơm tiếp: “Đi làm về chúng tôi ăn uống cùng nhau, rồi ôm nhau xem phim, tối thì quấn quýt nhau ngủ. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc dù đã có 5 năm hôn nhân. Chẳng có áp lực nào nên chúng tôi tự thương nhau, cùng nhau già đi một cách ý nghĩa. Tôi quan niệm, sau này về già, chỉ sợ không có tiền chứ chẳng sợ không có người chăm. Đừng vội quy kết chúng tôi sống ích kỷ. Bởi nếu sinh ra một đứa trẻ mà không hề mong ước, chỉ đáp ứng khát khao của ông bà, bố mẹ, thì việc đón chào đứa trẻ ấy trong tâm thế miễn cưỡng, sinh chúng ra rồi bỏ bê, để chạy theo đam mê sở thích riêng thì còn ích kỷ hơn. Chúng tôi vẫn thường xuyên tham gia thiện nguyện và giúp hàng trăm trẻ em tật nguyền. Chúng tôi gọi đó là những đứa con. Vậy thì cần gì phải sinh con nữa?”.
Khánh Phương
Diễn viên hài Kiều Linh: “Hãy nương tựa chính mình!”
Dù không sinh em bé nhưng tôi vẫn có hạnh phúc của người mẹ - đó là những bệnh nhi mà vợ chồng tôi cưu mang ở Bệnh viện Ung Bướu. Mỗi lần thấy tôi, các con lại gọi: “Mẹ Linh, mẹ Linh”. Tôi thủ thỉ tâm sự, tạo điều kiện cho các con làm việc, tích lũy, đầu tư để gầy dựng cuộc sống… Những cảm giác đó, bà mẹ nào cũng mong có được…
|
Vợ chồng Kiều Linh cùng “những đứa con” trong Bệnh viện Ung Bướu |
Khi kết hôn, mang thai, hư thai và bị mất con, nhiều trải nghiệm trong cuộc sống đã khiến tôi ngộ ra một điều đơn giản: hãy nương tựa chính mình. Có lần nằm mê man trong phòng hậu phẫu, chân tay tê liệt, không thể cất lời nhờ y tá kéo chăn cho đỡ lạnh… lúc đó tôi mới biết, chồng và mẹ dù yêu thương mình đến đâu - cũng không thể làm gì cho mình bên trong cánh cửa cấp cứu. Nên tôi nghĩ, đừng phó thác cuộc đời hay tuổi già vào ai. Hãy nương tựa chính mình bằng cách tích lũy tài chính, chăm sóc sức khỏe, tìm hạnh phúc ở những điều giản dị hằng ngày.
Châu Mỹ (ghi)
|