Diễn đàn: Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát?

Hôn nhân không có “sóng gió” to tát

10/09/2024 - 18:21

PNO - Tôi cần đối diện với chính mình trước, xem chúng tôi đã rẽ 2 hướng khác nhau từ thời điểm nào, hay mâu thuẫn gì?

Hôn nhân bế tắc là thực trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Hay nói cách khác, nhiều cặp vợ chồng đang “mắc kẹt” trong hôn nhân ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái.

Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát? nhằm chia sẻ đến bạn đọc những bài viết của người trong cuộc, qua trải nghiệm, mỗi người có cái nhìn, cách xử lý để tìm lối ra cho hôn nhân, cho cuộc đời mình.

Bài viết cho diễn đàn xin bạn đọc gửi đến email: toasoan@baophunu.org.vn.

Khi đặt bút ký vào tờ giấy kết hôn với Minh, tôi cũng có sự lưỡng lự, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn lấy nhau. Khi đó, niềm tin mạnh mẽ nhất với tôi về cuộc hôn nhân này là ở câu nói của mẹ: “Mẹ thấy Minh là chàng trai tốt bụng”. Ở tuổi ngoài 30 của tôi, hẳn là với chàng trai nào trong mắt mẹ cũng đều tốt đẹp cả. Vì mẹ muốn tôi có một gia đình nhỏ để sớm ổn định.

Những khúc mắc nhỏ nhưng cả hai không giải quyết được đã dẫn đến ly hôn (ảnh minh họa)
Những khúc mắc nhỏ nhưng cả hai không giải quyết được đã dẫn đến ly hôn (ảnh minh họa)

Về sống chung, chúng tôi không chung đụng tiền nong. Mỗi người có công việc riêng, thu nhập tương đối tốt. Hàng tháng, chồng chuyển khoản cho tôi số tiền đủ trang trải sinh hoạt phí như điện, nước, ăn uống. Nhưng càng về sau, chồng càng ít ăn cơm nhà. Lý do là anh ấy không hợp khẩu vị với món ăn của tôi. Chồng tôi thích loại thức ăn nhanh, chế biến chiên, xào, nhiều bơ, đường, chất béo; trong khi tôi nấu ăn ít gia vị nhất có thể. Bữa sáng của tôi bao năm nay chỉ đơn giản là các loại khoai, bắp, đậu phộng luộc.

Ngày yêu nhau, anh ấy dùng lý trí nên không tiếc lời ngợi khen, nào là tôi ăn uống như vậy rất tốt cho sức khỏe, không cầu kỳ ăn uống càng đỡ mất thời gian nấu nướng… Về sống chung vài tháng, anh ấy không không thể gắng hơn nữa. Đến bữa, tôi nấu nướng và ăn một mình. Ngày cuối tuần, chồng rủ tôi ra ngoài ăn uống. Anh ấy là người thoải mái trong cách tiêu xài nên thường chọn vào những nơi sang trọng, có khi cũng chỉ là những món thông thường như bún, phở, bánh mì, nhưng ở những vị trí đắc địa, nó có giá cao gấp 10 lần. Đi vài lần, tôi không đi nữa vì chẳng có bất cứ sự hào hứng nào, lại thấy lãng phí không đáng.

Anh cũng thuận theo ý tôi, không rủ ra ngoài ăn nữa. Những lúc rảnh rỗi, anh chủ động vào bếp chế biến bữa ăn theo sở thích. Một lần, anh bảo ăn mì gói, nhưng trong nồi nước dùng có cả cái chân giò heo. Tự dưng nhìn vào nồi nước đang sôi ùng ục, cả cái chân giò còn nguyên chưa cắt nhỏ khiến tôi rờn rợn không lý giải được. Đúng lúc chồng xuống canh bếp, anh ấy cho rằng tôi có tính kỳ thị, những món mình không thích thì mặc nhiên người khác cũng không nên ăn…

Những khúc mắc nho nhỏ cứ thế chất chồng trong cuộc hôn nhân của chúng tôi. Kế đến những chuyến du lịch chung, hay việc nên đi cùng nhau như về thăm cha mẹ đôi bên cũng dần trở nên rời rạc. Tuy chẳng có “sóng gió hôn nhân” to tát, nhưng sự nguội lạnh trong mái ấm gia đình như một luồng không khí cứ thế lan ra, thấm dần vào da thịt.

Tôi hỏi thăm những cặp vợ chồng mới kết hôn khác, để xem có chung sự nhạt nhẽo hay vấn đề nào khác. Hẳn là có, nhưng không đến nỗi nguội lạnh như vợ chồng tôi.

Một lần tôi cố ý tạo bất ngờ cho chồng bằng việc đến trước công ty đón anh, để 2 đứa cùng đi ăn trong dịp sinh nhật anh, tôi đứng sát vào lề đường có tán cây nên anh không thấy tôi. Nhưng tôi nhìn rất rõ nụ cười thật tươi của anh ấy với người đồng nghiệp. Nụ cười tươi tắn ấy tôi chưa từng thấy trong căn nhà mình.

Tôi lặng lẽ trở về, lòng ngổn ngang những ý nghĩ đan xen. Tôi cần đối diện với chính mình trước, xem chúng tôi đã rẽ 2 hướng khác nhau từ thời điểm nào, hay mâu thuẫn gì? Việc ấy, tôi nghĩ là trách nhiệm của cả 2 nên hẹn anh một buổi nói chuyện thẳng thắn.

Nhưng anh buông một câu hời hợt: "Chẳng có chuyện gì cả". Nếu tôi muốn anh thay đổi như thế nào cứ nói ra. Quá nhiều thứ ngổn ngang khiến tôi chẳng biết bắt đầu như thế nào, tôi hỏi anh xem, anh có vui với cuộc sống hôn nhân của chúng mình không, thì anh im lặng.

Sự im lặng của anh kéo dài đến khi tôi chìa ra tờ đơn ly hôn, anh mới nhỏ nhẹ nói rằng: “Giữa chúng ta quá khác biệt. Anh xin lỗi vì đã chẳng thể mang lại hạnh phúc cho em”.

Tôi nghẹn trong lòng, nhưng vẫn mỉm cười. Chẳng lẽ lại đi trách rằng anh đã cố gắng điều gì cho tôi, đã nỗ lực ra sao để xây dựng mái ấm hạnh phúc, hay chỉ là chiều chuộng cái “tôi” của bản thân, để mọi thứ tự nhiên cho đến khi nó trên bờ vực thẳm? Trong khi, bất cứ mối quan hệ nào cũng cần sự tưới tắm, vun đắp của 2 người.

Như Quỳnh (Quận 3, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI