Hôn nhân thực sự là câu chuyện của riêng hai người trong cuộc, chẳng có một công thức, một định nghĩa chung nào đúng nhất cho tất cả. Nhưng, nhìn người sửa mình lại là điều mà tất cả chúng ta cần làm, điều đúng thì tránh, điều hay thì học; từ những nhỏ nhặt đó, hôn nhân mới mong vững bền.
Hôn nhân vẫn luôn là một hành trình thật dài. Hãy cùng Báo Phụ Nữ bàn về một câu chuyện… không có gì mới của hôn nhân qua cuộc trò chuyện với cặp vợ chồng chị Trương Ngọc Minh Đăng - nhà sáng lập Doanh nghiệp xã hội Love your body (giúp các bà mẹ học cách yêu lấy cơ thể mình) và anh Nguyễn Hồng Sang (Giám đốc Phòng giao dịch Trung Sơn, Ngân hàng Bắc Á) - câu chuyện về “khoảng thở” trong chuyện hôn nhân của chính người trong cuộc.
|
“Khi đi xa, tôi thường nhớ mùi hương của gia đình, của con và mỗi lần như thế lại muốn quay về thật nhanh” - anh Nguyễn Hồng Sang - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
SỰ CÂN BẰNG PHẢI DỰA TRÊN TINH THẦN TỰ NGUYỆN
Phóng viên: Anh chị định nghĩa như thế nào về sự cân bằng trong đời sống hôn nhân?
Chị Trương Ngọc Minh Đăng: Cân bằng là khi gia đình đó có sự gắn kết và luôn hài lòng với hạnh phúc đang có. Sự cân bằng này phải dựa trên tinh thần tự nguyện và xây dựng cùng nhau. Từ chính nhà chúng tôi mà ra định nghĩa này thôi. Tôi ít khi quan sát người khác sống như thế nào. Sự nhịp nhàng trong nhà tôi chính là cân bằng, không cần chi xa xôi cả.
Anh Nguyễn Hồng Sang: Cuộc sống vốn dĩ chứa đủ hỷ - nộ - ái - ố. Cân bằng trong hôn nhân chính là cùng nhau bước qua những điều ấy mà vẫn tươi cười và bình thản. Là cãi nhau, là tranh luận, là vui cười, là ăn cùng với nhau… tất cả phải có và cùng nhau đi qua hết mọi cung bậc ấy.
* Có người nói rằng: “Vợ chồng càng gần nhau càng dễ ly tán”. Điều này phải được hiểu ra sao?
Chị Trương Ngọc Minh Đăng: Có thể gần nhau càng nhiều thì người ta càng có xu hướng tự nhiên hóa và dễ dãi thể hiện bản chất thật của cá nhân mà đôi khi trái ngược hoàn toàn với những gì đã thể hiện trong thời kỳ yêu đương say đắm, nên gây ra tâm lý thất vọng với đối phương.
Ví dụ một chuyện nhỏ, đàn ông khi cưa cẩm phụ nữ sẽ luôn ga-lăng, chăm sóc, nhưng khi đã cưới, với tâm lý không còn sợ mất thì họ trở nên thờ ơ, mặc kệ người phụ nữ của mình, không còn những ngọt ngào, lãng mạn.
Trong khi đó, người phụ nữ lại có xu hướng “hồng hóa” đời sống sau hôn nhân, tức là họ mong muốn cưới xong sẽ được nhiều hơn lúc yêu nhau. Vậy là từ thất vọng đến mâu thuẫn và dẫn tới ly tán. Những cuộc hôn nhân lâu bền thường cần phải vượt qua thời gian thích ứng, bổ sung cho nhau, thậm chí là chịu đựng lẫn nhau.
Anh Nguyễn Hồng Sang: Theo tôi, khi ở xa nhau, nếu tình yêu không đủ lớn thì càng dễ tan vỡ hơn so với ở gần. Với tôi, “chồng đâu, vợ đó”, cùng nhau vượt qua những khúc mắc của cuộc sống. Ở bên nhau, yêu thương, thấu hiểu, chia sẻ là phương thức của một cuộc hôn nhân bền vững.
Tình yêu có thể lụi tàn rất mau nếu sau những thăng hoa của cảm xúc, cả hai không cùng chí hướng, không hợp sức nắm tay nhau đi tới tương lai. Khi đó, chuyện ly tán rất dễ xảy ra.
Có thể cuộc sống hôn nhân không phải ngập trong màu hồng như thuở còn tán tỉnh nhau, nhưng cung bậc cảm xúc sẽ đi theo chiều hướng sâu hơn và nặng tình nghĩa hơn. Chính tình nghĩa mới giúp giữ nhau và xây dựng hôn nhân còn tình yêu ban đầu chính là tiền đề vững chắc.
* Anh chị từng nói, gia đình được vận hành theo phương thức cộng hưởng. Sự cộng hưởng đó nên hiểu như thế nào cho chính xác?
Chị Trương Ngọc Minh Đăng: Tôi nghĩ không có công thức chung cho các gia đình. Riêng ở gia đình chúng tôi, mọi thứ được vận hành theo phương thức cộng hưởng. Sự cộng hưởng dựa trên khả năng: mỗi người sẽ phát huy sở trường của mình và bọc lót cho nhau.
Cộng hưởng dựa trên tính hợp lý: thực tế có những việc cần phải phân chia cho nhau, vợ chồng chúng tôi tương đồng nhau về nhiều mặt nên ví dụ một trong hai có việc vắng nhà thì người kia vẫn có thể chu toàn việc nhà, yên tâm là con cái được chăm sóc tốt và nhà cửa được trông coi.
Cộng hưởng dựa trên điều kiện sức khỏe: riêng việc này thì chồng tôi nhỉnh hơn vợ. Cộng hưởng về kinh tế: do hai vợ chồng làm công việc khác nhau nên cũng ít va chạm, ít tranh cãi về chuyên môn. Mỗi người góp phần chi phí vào cuộc sống gia đình theo khả năng, những thứ cần chi tiêu lớn thì đa phần chồng tôi sẽ lo.
ĐÔI KHI XA NHAU CŨNG LÀ CƠ HỘI
* Nghĩa là vẫn còn một “khe hở” để thở nhỉ? Vậy khoảng thở trong đời sống hôn nhân là điều chắc chắn có, đúng không? Anh chị… thở tự do trong cuộc hôn nhân của mình thế nào?
Chị Trương Ngọc Minh Đăng: Phải có khe hở để thở chứ, nếu không thì hụt hơi ngất xỉu mất. Tôi vẫn có sự tự do trong việc đi chơi với bạn bè hoặc đi chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, dành thời gian cho những hoạt động xã hội mà tôi yêu thích.
Bạn bè vẫn hay nói tôi sao thong dong quá, không có vẻ gì là người bận rộn, lại đang có con nhỏ. Tôi vẫn nghĩ mọi thứ vận hành trơn tru là do mình sắp xếp thôi.
Thời gian tôi tự dành cho mình chính là khoảng thở cần thiết cho mối quan hệ vợ chồng của chúng tôi. Không nhất thiết lúc nào cũng phải xuất hiện kè kè bên nhau.
Nếu ai đã từng biết tôi chắc cũng biết tôi có rất nhiều dự án xã hội dành cho phụ nữ. Tôi quay cuồng với những việc này. Rồi con nhỏ… Nếu phải chịu sự giám sát của chồng nữa chắc ngạt thở thật.
Anh Nguyễn Hồng Sang: Tôi thường đi câu cá giải trí vào cuối tuần để giải tỏa những căng thẳng của công việc. Thiết nghĩ 1-2 ngày xa nhau cũng là cơ hội để cả vợ lẫn chồng được “xả vai” và “giữ gìn sự nhớ nhung”.
Đặc biệt mỗi khi đi vào lúc rất sớm, nhìn vợ con vẫn đang say giấc, tôi thấy quyến luyến và thương nhiều. Khi đi xa, tôi thường nhớ mùi hương của gia đình, của con và mỗi lần như thế lại muốn quay về thật nhanh.
* Theo anh chị, khoảng thở trong đời sống hôn nhân bao nhiêu là đủ? Khoảng thở ấy có cần giới hạn không? Anh chị có những giới hạn nào cho mình?
Chị Trương Ngọc Minh Đăng: Khoảng thở đủ hay không tùy thuộc bạn có còn muốn ở lại với cuộc hôn nhân hay không. Chắc chắn nếu ngột ngạt đến mức không thể chịu đựng được nữa thì sẽ vỡ. Làm thế nào để có đủ “khe hở” cho mỗi người mới là quan trọng.
Cá nhân tôi cho phép mình sử dụng khoảng 15% quỹ thời gian để cho riêng mình. Tôi có thể đi mua sắm một mình, đi chơi một mình để cân bằng những áp lực cuộc sống. Trong 85% còn lại, sẽ có những khoảng thở mà đôi khi tôi “lượm lặt và tranh thủ” trong khi làm việc khác.
Tôi quan niệm rằng, mình có thể không cần làm việc mà mình không thích, còn khi đã làm việc thì hãy làm bằng tất cả đam mê, điều này vừa mang lại hiệu quả công việc vừa tránh áp lực cho bản thân.
Anh Nguyễn Hồng Sang: Là người trụ cột trong gia đình, việc đặt ra cho bản thân những mục tiêu về tài chính, về hình ảnh cá nhân trong sự nhìn nhận của xã hội là một trong những áp lực hầu hết đàn ông đều phải mang. Khoảng hở của tôi mang tính cá nhân hóa.
Hầu hết các bà vợ đều lo lắng về việc “đàn ông năm thê bảy thiếp” nên luôn có xu hướng “bắt nhốt - cấm vận” mỗi khi chồng mình ra đường. Tuy nhiên, các chị em cần hiểu rằng, người đàn ông cũng luôn có sự so sánh và cân nhắc.
Đôi khi sự mới mẻ khiến người đàn ông hoa mắt nhưng hầu hết những cuộc tình bền vững là do sự thân thuộc khiến cho dù ở đâu họ cũng muốn về nhà. Cũng vì sự thân thuộc này, người đàn ông không dễ dàng đánh đổi. Khoảng thở hôn nhân ai cũng cần nhưng giới hạn là điều phải có, đặc biệt là vấn đề đạo đức cá nhân.
* Cảm ơn anh chị đã chia sẻ.
TẠ TÂM (thực hiện)