Hôn nhân hời hợt

15/12/2022 - 11:30

PNO - Trong hôn nhân, cả Lam và Nhàn đều chín chắn, nhẫn nại, nhưng chồng của họ thì không. Đó là những ông chồng hời hợt, thiếu trách nhiệm rất... điển hình.

1. Với chiều cao khiêm tốn, chục năm nay, Nhàn trung thành với mỗi một kiểu xe máy thấp lè tè, chiếc Mio Classico đời đầu. Cô cũng chỉ tự tin khi đi một mình, nên việc đón con, cô khoán trắng cho chồng.

Và, đón con cũng là công việc duy nhất Khánh không nề hà với vợ. Hai đứa lớn học cấp I, đứa nhỏ học trường mầm non cùng một trục đường, nên trừ thứ Bảy, Chủ nhật, chiều nào Khánh cũng sắp xếp công việc để về sớm đón cả 3 con.

Đón con về, Khánh coi như xong nhiệm vụ, giao lại tất cả việc nhà cho vợ ( Ảnh minh họa)
Đón con về, Khánh coi như xong nhiệm vụ, giao lại tất cả việc nhà cho vợ ( Ảnh minh họa)

Bạn bè nhiều người nhìn vào cảnh ấy đều trầm trồ khen Nhàn “thấp bé nhẹ cân” nhưng giỏi giang, may mắn trong việc chọn chồng. Tuy nhiên, ở lâu trong chăn mới biết chăn có rận. Mỗi ngày, sau khi đưa con về đến nhà, Khánh chỉ cởi nón bảo hiểm, vẫn để nguyên giày leo lên sôpha... cày game. Mọi việc trong nhà từ quét tước, lau dọn, cơm nước, tắm rửa, giặt giũ, hướng dẫn con học đều một mình Nhàn.

Bao năm qua đều như vậy, đón con về Khánh xem như xong nhiệm vụ, anh không mó tay vào bất cứ việc gì nữa. Đến giờ cơm, con gọi, Khánh phản xạ như cái máy, ngồi vào bàn ăn. Ăn xong, anh lại tót ra quán cà phê đầu ngõ tụ tập cùng bạn bè.

Có lần tôi khuyên Nhàn nên nghiêm khắc với Khánh. Vợ là bạn đời, chứ đâu phải là mẹ, càng không phải là osin mà phục vụ, đáp ứng nhau vô điều kiện như vậy. Nhàn trả lời: “Khánh là do mình chọn.  Biết trước hoàn cảnh anh là con một, được mẹ cưng chiều từ bé, nhưng mình vẫn theo đuổi anh, thì bây giờ hư hay nên gì mình cũng phải thong thả, điều chỉnh từ từ”.

Tuy nói vậy nhưng sự kiên định của Nhàn chỉ bền bỉ trong vài năm đầu hôn nhân, sau này, nhiều lần ngồi chung nghe bạn thở dài, tôi biết Nhàn cũng mệt mỏi, thất vọng, muốn ly hôn.

2. “Mình có nằm mơ cũng không nghĩ đến nước cờ này của Tiến”, tin nhắn úp mở của Lam khiến tôi phải lập tức gọi điện hỏi rõ sự tình. Thì ra, biệt danh “Tiến đù” bấy lâu nay chúng tôi đặt cho chồng Lam là hoàn toàn sai.

Là thợ nhôm kính lành nghề, nhưng bao nhiêu năm đi làm, Tiến vẫn không tích cóp được đồng nào phụ vợ. Tiền chợ, tiền học của con hàng tháng cùng bao nhiêu chi phí khác một mình Lam gánh. May là công việc của Lam cũng ổn, bạn lại biết đường thu vén, nên vẫn đắp đổi tròm trèm.

“Vậy tiền công mỗi ngày Tiến làm gì mà hết?”, tôi hỏi. Lam trả lời: “Tiến không biết quản lý tiền bạc, nên làm bao nhiêu xài hết bấy nhiêu. Anh hay mua mấy thứ máy móc, điện tử giá rẻ, dùng ba bữa là hỏng rồi đem biếu bên nhà chồng, rồi tiền đem cho bạn bè mượn. Vợ con hiếm khi sờ được tờ polymer của ảnh”.

Khi con càng ngày càng lớn, mọi chi phí tăng lên, Lam nghiêm túc bàn bạc với Tiến chuyện mở công ty riêng. Không những có kiến thức tài chính, quản trị kinh doanh, Lam còn nhiều mối quan hệ có thể đem về nhiều hợp đồng giá trị cao cho Tiến. Tiến đồng ý. Lam vay ngân hàng mấy trăm triệu đồng để thuê mặt bằng, bắt đầu nhập vật tư.

Lam tức giận, nói không với ý định của chồng ( Ảnh minh họa)
Lam tức giận, nói "không" với ý định của chồng (Ảnh minh họa)

Đúng như Lam dự liệu, mấy tháng đầu, việc làm ăn diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên đến tháng thứ tư, Tiến bắt đầu “bẻ lái”. Anh muốn đăng thông báo tuyển kế toán riêng, tách ra làm ăn độc lập chứ không đồng hành cùng vợ nữa.

“Mặc dù em rất giỏi, luôn tính toán các khoản thu chi một cách tròn trịa, nhưng anh vẫn không khoái. Anh muốn tiền mình làm ra thì mình tự chi tiêu một cách thật thoải mái”, Tiến nói.

Thật ra, khi lập công ty, một phần Lam muốn cải thiện kinh tế của gia đình, phần lớn hơn, cô muốn chồng mình thay đổi, trưởng thành hơn. Cô nghĩ Tiến sẽ biết cách sắp xếp, biết sống có trách nhiệm hơn nếu anh có cơ hội hợp tác, mở rộng quan hệ làm ăn. Khi phải “đứng mũi chịu sào”, anh sẽ trở thành người đàn ông cứng cáp, bản lĩnh, biết quan tâm, lo lắng, chứ không xuề xòa, hời hợt, được chăng hay chớ như thuở còn là người thợ chân tay. Khi làm chủ, Tiến sẽ hiểu để vận hành một tập thể là không hề đơn giản, từ đó, anh sẽ chia sẻ, hỗ trợ vợ nhiều hơn. Mấy năm qua, Lam đã thay anh gồng gánh gia đình, cô đã vất vả biết bao nhiêu.

Tuy nhiên, sau tất cả, Lam nhận ra Tiến vẫn mãi là một đứa trẻ. Nếu Tiến tuyển kế toán ngoài để thay Lam kiểm soát thu chi, sắp xếp việc làm ăn thì khác, Lam sẽ đặt niềm tin vào chồng để động viên anh tiến bộ. Đằng này, anh nói muốn tách khỏi vợ để tự tung tự tác chi xài, thì sớm muộn gì việc kinh doanh cũng đổ bể, tình hình kinh tế gia đình sẽ quay về vạch xuất phát ban đầu, thậm chí cô phải còng lưng gánh thêm khoản nợ giúp chồng mở công ty. Lam tức giận, thẳng thắn phản đối ý định của chồng.

3. Đời sống hôn nhân sẽ bền vững khi gia đình trở thành môi trường giúp cả vợ và chồng đều trưởng thành, thay đổi nền nếp, nhân cách theo hướng hài hòa với những thành viên khác. Khi một người ích kỷ, chỉ muốn cố chấp giữ lại những thói quen phục vụ cho cảm xúc, nhu cầu của riêng bản thân thì chắc chắn người còn lại phải gánh nốt trách nhiệm chăm lo cho gia đình.

Với thiên tính phụ nữ, trong hôn nhân, suốt một thời gian dài, cả Lam và Nhàn đều chín chắn, nhẫn nại, gắn bó, thế nhưng những người chồng lại khác. Dù đã làm cha nhưng họ vẫn là những đứa trẻ to xác, chỉ muốn tìm sự thoải mái, hưởng thụ cho bản thân.

Nếu Tiến và Khánh không nhận ra và thay đổi thì sớm muộn, thời gian sẽ bổ sung thêm cho các chị vợ một đức tính nữa, tính thực tế. Chị em sẽ đủ mạnh mẽ, sáng suốt để biết mình cần phải làm gì nhằm điều chỉnh một cuộc hôn nhân hời hợt, rỗng, thiếu an toàn.

Minh Thi

                                                                           

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI