Hôn nhân hay “bắt nạt” người trẻ

16/01/2023 - 18:53

PNO - Thời kỳ mật ngọt trôi qua, khi tiền thiếu, con bệnh... nhiều chuyện không được như ý, Thủy dần mất niềm tin vào hôn nhân...

Ngày Thủy còn trẻ, hôn nhân “đãi” Thủy những năm đầu hạnh phúc ngập tràn, gương mặt lúc nào cũng tươi tắn, nụ cười trên môi. Rồi thời mật ngọt trôi qua, khi tiền thiếu, con bệnh... nhiều chuyện không được như ý, Thủy dần mất niềm tin vào hôn nhân nên đã có những thái độ không đẹp. Chồng Thủy khi ấy thiếu tỉnh táo nên cũng có những hành động không hay.

Nếu chuyện xảy ra vào lúc này, Thủy đã bật dậy lau nhà. Thủy sẽ đi nhà sách, siêu thị, cà phê với bạn bè. Hôn nhân chỉ thử thách người trẻ, chứ Thủy bây giờ thừa sức lấy lại cân bằng.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Khu dân cư nơi Thủy ở, thỉnh thoảng vẫn còn nghe tiếng vợ chồng cãi nhau, đánh nhau. Thủy nhớ vợ chồng cô cũng từng to tiếng, xúc phạm nhau. Ngẫm lại tự thấy xấu hổ, cô an ủi mình: tại ngày đó còn trẻ quá, giờ trưởng thành hơn rồi, đừng hòng để hôn nhân... bắt nạt.

Còn Hằng, vết sẹo khá to trên trán, với cô, là một thương tích lớn. Vợ chồng lời qua tiếng lại, cô mau chóng rời khỏi phòng, định thay quần áo rồi dắt xe chạy một vòng. Trong lúc vội vã, Hằng vô ý va vào góc tường, trán chảy máu lai láng.

Từ dạo ấy, cô để tóc mái ngố, vết thẹo không phải do chồng gây nên, nhưng nhắc nhở cô phải thật bình tĩnh khi đối thoại với chồng. Hằng thỉnh thoảng nhắc lại những ngày “thương tích lớn” ấy, để dặn mình giữ gìn hạnh phúc trong sự thoải mái. Khi “chiến sự” nổ ra, cần biết cách dằn lòng. Còn nếu dùng lời nói thì phải chân thành, thiện chí; không giữ được bình tĩnh thì tốt nhất cứ im lặng, bởi vì, một người im lặng, người kia không có đối thủ để thể hiện. 

Tôi chưa hề trách những người trẻ ưa cãi nhau, thậm chí còn thấy thương, vì có người mới “va” vào hôn nhân, có người đang trong quá trình hoàn thiện hôn nhân của mình, gọi vui là hôn nhân đang trong giai đoạn... tiến hóa. Điều gì thành công mà không trải qua khó khăn?

Có cặp vợ chồng nào sống tới đầu bạc răng long mà chưa từng mâu thuẫn? Chẳng biết ai đúng sai thế nào, nhưng khi chứng kiến cảnh vợ chồng cãi nhau, cụ Hiền - 70 tuổi ở xóm tôi - thường bảo: “Vợ chồng trẻ, cứ nói ra cho giải tỏa, cho hiểu nhau thêm. Chén trong chạn còn khua mà”. Xóm lao động, nhiều cặp vợ chồng trẻ, không lớn tiếng vài ba câu là ăn cơm không ngon.

Ảnh mang tính minh họa - Stefamerpik
Ảnh mang tính minh họa - Stefamerpik

May mà họ gọi đó là khắc khẩu - một lý do đơn giản, dễ hiểu, để rồi dễ dàng bỏ qua, nhanh chóng làm huề.

Những cặp vợ chồng lâu năm, đã có kinh nghiệm trong giải quyết mâu thuẫn, sẽ biết cách tiết chế, chuyện khắc khẩu sẽ giảm, như Thủy, như Hằng và cả tôi. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi, sao lâu rồi vợ chồng tôi không lời qua tiếng lại, bởi có thể sau giận hờn, tình cảm có thể sẽ được hâm nóng.

Có phải chúng tôi đã rã rời, chán ngán chuyện đấu khẩu, hay vì chung sống dài lâu đã khiến chúng tôi trở nên hoàn hảo hơn? 

Nóng nảy, cãi vã, xô xát... dẫn đường đến đổ vỡ. Tôi có con gái sắp tốt nghiệp đại học. Hồi con còn nhỏ, tôi dạy con lễ phép hiền ngoan, bây giờ tôi dạy những kiến thức hôn nhân, từ kinh nghiệm của chính mình. Cha mẹ nào cũng muốn con cái có cuộc sống hôn nhân bền vững, hạnh phúc.

Con cái có thể một mình “bơi” trong bể hôn nhân mà con tự chọn, nhưng cha mẹ có thể dự phần vào hạnh phúc của con, bằng những câu chuyện, những cách giải quyết tích cực. Bởi vì, hôn nhân thích thử thách người trẻ. 

Thái Phương

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI