Phía sau mỗi cuộc hôn nhân tan vỡ luôn là những bài học đắt giá mà nếu biết trước để tránh, hẳn nhiều mối quan hệ đã được cứu vãn. Đặc biệt khi đó là những lời dốc hết tâm can từ người trong cuộc, như cách mà chị A.N. (hiện đang sống tại Hải Phòng) chia sẻ cùng các chị em khác. Chị từng bước vào một cuộc hôn nhân đẹp như mơ với người chồng môn đăng hộ đối, gia đình hai bên hết lòng ủng hộ, nhưng cuối cùng lại ly hôn chỉ sau 4 năm, khi đã có 2 đứa con. Hiện chị nuôi bé gái thứ 2, còn con trai lớn ở với bố.
Những bài học chị A.N. rút ra sau đổ vỡ khi kể lại trong một hội nhóm khiến hàng ngàn chị em tâm đắc (thu hút hơn 4.500 lượt like chỉ sau vài ngày đăng tải). Trong số hàng trăm bình luận để lại, dường như ai cũng thấy bóng dáng của mình trong đó và góp nhặt được chút gì làm vốn riêng để quay về giữ gìn hạnh phúc đang có.
Chị A.N có đôi mắt rất đẹp, nhưng đượm buồn. (Ảnh NVCC).
|
|
Tìm hiểu thật kỹ trước khi kết hôn
Chị A.N. nhận ra câu chuyện hôn nhân của mình là tìm mà chưa có hiểu, bởi thời gian yêu đương quá ngắn và cũng không đặt nặng vấn đề bản chất con người: “Hồi trẻ mình cứ nghe môn đăng hộ đối, hai gia đình gia cảnh như nhau, hai vợ chồng đều có công ăn việc làm tươm tất (có bằng kỹ sư, bác sĩ) và cảm thấy hợp nhau là đủ để làm nên hạnh phúc”.
Nhưng thực tế hôn nhân là một chuỗi những thử thách mà nếu không vượt qua được, tất cả những nền tảng trước đó dù tốt đến thế nào cũng không có nghĩa gì cả. Vợ chồng chị quen nhau do mối lái và yêu nhau, tìm hiểu nhau không quá 6 tháng. Vì vậy khi lấy nhau về thì sốc toàn tập. Khác nhau về thái độ sống, thế giới quan, nhân sinh quan, khác nhau về nết ăn ở, nếp sống giữa hai nhà và đó là những cái khác biệt không hề đơn giản.
“Mình thì gái ngoan lấy chồng chỉ mong vun vén gia đình, nhưng chồng mình thì ngược lại. Anh lấy vợ để rộng đường ngao du với bạn bè bên ngoài, tránh việc phải nghe bố mẹ giục giã chuyện vợ con. Thế là anh tối ngày vẫn hết giờ làm đi thể thao, bia bọt, tăng 2-3, cứ sinh nhật, tiệc tùng các kiểu như thời son rỗi. Mình thì là cô vợ chỉ biết mỗi cái bầu trời to bằng cái khuôn mặt của anh. Vậy nên ngay từ những ngày đầu chung sống, vợ chồng đã hoàn toàn mất kết nối và nhìn về 2 hướng hoàn toàn khác nhau”.
|
Ảnh minh họa. |
Không ỷ lại vào bố mẹ đẻ
Sau khi sinh con trai đầu lòng, chị A.N gặp vấn đề về sức khỏe nên phải nằm viện cả tháng, con còn bé quá nên ông bà ngoại mang về chăm. Ông bà nội không để ý gì, cứ phó mặc hết cho nhà ngoại. Cũng từ đó về sau, lúc ra viện, chị cũng mặc định quay về nhà mẹ đẻ.
Chị cho rằng việc mình ỷ lại vào bố mẹ đẻ quá nhiều sau khi đã lập gia đình chẳng khác gì chị đóng mọi lối về nhà chồng của mình, biến người chồng thành kẻ bất tài vô dụng. Lẽ ra anh phải gánh vác trách nhiệm làm cha, làm chồng… “Vậy nên chị em nhớ rằng có đẻ xong thì cứ nhà chồng mà về. Cố gắng khôn khéo, biết điều và ứng xử với bố mẹ chồng thật tốt thì nhất định sẽ có cuộc sống thoải mái. Mình sống ở nhà chồng, chắc chắn chồng sẽ không thể “vớ vẩn” được, mà nếu có thiếu trách nhiệm thì bố mẹ chồng sẽ tự khắc dạy con”, chị chia sẻ.
|
Ảnh minh họa. |
Tình dục an toàn
3 năm 2 đứa cũng là lý do khiến chị bị đổ vỡ mọi kế hoạch trong cuộc sống của mình và kéo theo một loạt những phản ứng dây chuyền sau đó. Thế nên chị khuyên kể cả những chị em chưa lập gia đình hay đã kết hôn nhiều năm vẫn cứ phải tuân thủ “tình dục an toàn”. Bởi ngoài tránh bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục (dù là chồng cũng không được coi là bạn tình an toàn tuyệt đối) thì còn để tránh thai... Chị tự nhận mình mặc dù học hành nhiều chữ nhưng cái tối thiểu đó cứ ngu ngơ, mù mờ.
Sau khi sinh bé thứ 2, mối quan hệ vợ chồng chị cũng rơi vào khủng hoảng và mâu thuẫn hơn. Nhiều lần vợ chồng còn đụng chân đụng tay với nhau, lý do nhiều nhất là vì tiền, vì con ốm con đau. Thế nên chị A.N. kiên quyết khuyên các chị em: “Không đẻ dày đẻ mỏng gì hết, chỉ cần có một đứa chống lụt. Gác lại lo sự nghiệp, kinh tế. Khi nào đủ về cả nhận thức và vật chất thì đẻ. Tìm hiểu các biện pháp tránh thai an toàn để việc kế hoạch hóa trở nên đơn giản”.
Là đàn bà hãy mềm mỏng ngọt ngào
Cơn bão cuối cùng xô đổ hôn nhân của vợ chồng chị A.N. là khi chồng chị ngã vào vòng tay người đàn bà khác. Ngày ăn vận đài các cao sang đi gặp nhân tình của chồng, chị ngạc nhiên khi thấy nhân tình của chồng cũng là một bà mẹ bỉm sữa chứ không phải cô nàng nóng bỏng, quyến rũ nào cả.
Và chị rút ra rằng, đàn ông nói chung và chồng chị nói riêng, không nhất thiết phải coi trọng tình dục hơn tình cảm. Họ ngoại tình chỉ là tìm lại mình, muốn được công nhận và chia sẻ. Như cái cách chồng chị trong lúc khó khăn với vợ thì gặp được người biết chiều lòng anh ấy, dạ vâng thưa gửi, dù thông minh nhưng trước mặt vẫn dại khờ mềm yếu, cần được chở che nên đàn ông rất dễ sa ngã. Ở bên cạnh sự nữ tính mềm mại của người đàn bà ấy, chồng chị cảm thấy được tôn trọng và được thể hiện bản lĩnh của một gã đàn ông đích thực.
|
Ảnh minh họa. |
Trong giai đoạn nước rút, chị vội vàng cố gắng gồng mình lên để cứu vãn mối quan hệ thì đã quá muộn. Chị cố gắng nhẫn nhịn để quay lại xây dựng một nếp sống trong gia đình nhưng vốn rời rạc từ lâu nên việc đó khó trăm bề. Những cãi vã, xô xát triền miên diễn ra, bởi vậy mà sự tôn trọng, tin tưởng hai bên dành cho nhau mất dần. Rồi mỗi người ngoảnh mặt một nơi. Bữa ăn cả nhà thì ít dần, kể cả việc vợ chồng gần gũi cũng tính bằng năm, bằng tháng.
“Có những đêm chỉ mong con quấy để chồng vào phòng, nằm cạnh, để quàng tay ôm hắn thôi. Mà còn bị hất ra thẳng thừng. Cái thái độ lạnh nhạt ghê rợn. Mình sống trong 2 năm bị bỏ đói về tình dục, bị chồng coi thường vì phụ thuộc kinh tế. Dù bên ngoài mình vẫn cố gắng hết sức, nhưng cái tâm thì không thể theo nổi nữa. Mình chán chường và nghĩ, thôi thế nào cũng chịu”.
Khi phát hiện chồng ngoại tình, chị thức đêm suy nghĩ 2 ngày và biết rằng sớm muộn điều này cũng xảy ra. Lúc đó chị quyết ly hôn ngay lập tức, vì cảm thấy thể diện bị vùi dập đến bầm dập từ lúc nào không hay.
Ly hôn không phải là tốt cho tất cả
Sau khi vội vàng làm thủ tục ly hôn, chị và chồng cũ cũng không nhìn mặt nhau kha khá thời gian rồi mới bình thường hóa lại quan hệ. Bởi thực ra hết duyên còn nợ, đặc biệt giữa họ còn là 2 đứa con đang lớn lên mỗi ngày. Nên cuối cùng, chồng cũ – vợ cũ quyết định xây dựng lại sự tôn trọng để làm bạn trong hòa bình và các con có được không gian giữa cha mẹ, con cái thật vui vẻ, thoải mái.
|
Ảnh minh họa. |
“Ngày ấy, giá như, mình chỉ cần cái níu tay của chồng. Giá như anh ấy nhận lỗi, giá như anh ấy xin mình làm lại, giá như anh ấy muốn níu giữ gia đình, chắc là mình cũng ừ luôn ngay tắp lự. Nhưng cũng lại giá như, mình chọn đúng người từ đầu thì biến cố chỉ là tạm thời thôi, sẽ vượt qua được hết. Để cuối cùng không phải ngồi xót xa khi đôi lúc con hỏi: “Sao mẹ bỏ bố, bỏ con?”, “Mẹ không yêu con nữa à?", “Con muốn cả bố và mẹ đưa đến lớp giống các bạn!”. Mình nghĩ, ly hôn không phải là tốt cho tất cả như nhiều người vẫn nói”.
“Không hề đâu, các bạn đừng huyễn hoặc nhau rằng ly hôn là phủi hết, nhẹ tênh, bởi những hệ lụy sau đó rất dài về sau. Mình chỉ ước ngày đó không vội vã kết hôn, hoặc ngày đó không vội vã ly hôn, tìm cách nào đó dễ thở hơn để con đối diện với việc bố mẹ chúng hết yêu nhau một cách dễ dàng, từ từ và khi chúng nó đủ nhận thức, đủ lớn thì mới lìa xa. Con trai lớn vì việc ly hôn của bố mẹ đã chịu khá nhiều sang chấn tinh thần, mặc dù bé khi ấy mới gần 3 tuổi. Phải xa mẹ, đó là thiệt thòi vô cùng lớn. Cả đời không cách nào mình bù đắp được. Tuổi thơ mà, ai cũng chỉ đi qua một lần. Tuổi thơ ấy của con trai thiếu mình”, chị A.N. tâm sự.
Qua câu chuyện của mình, chị A.N. muốn nhấn mạnh rằng, người đàn bà dù trong hoàn cảnh nào cũng hãy sáng suốt nhìn nhận vấn đề, suy nghĩ thấu đáo trước sau và đừng hành động theo cảm tính hoặc xuôi theo dòng thúc đẩy từ người khác. Hãy có chính kiến để lựa chọn một nửa đúng ngay từ đầu. Trong trường hợp lựa chọn sai, hãy cố gắng sửa chữa bằng tất cả sự hiểu biết và nỗ lực của mình, để cuối cùng dù kết quả như thế nào cũng không phải nói những lời "giá như" muộn màng.
Cát Tường