Hôn nhân dặt dẹo

10/07/2017 - 16:00

PNO - Em và ông xã lấy nhau được sáu năm, em chưa có con vì chồng em đau ốm dặt dẹo hoài. Em 33 tuổi, cũng chẳng còn nhiều thời gian cho việc sinh nở.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em và ông xã lấy nhau được sáu năm, em chưa có con vì chồng em đau ốm dặt dẹo hoài. Em 33 tuổi, cũng chẳng còn nhiều thời gian cho việc sinh nở. Trước lúc cưới nhau, anh thuộc tạng người ốm, cao, sức khỏe không vấn đề gì. Lấy nhau hơn nửa năm thì phát hiện anh có bệnh tim, phải uống thuốc thường xuyên, sau đó là thêm đau bao tử, cao huyết áp… Cứ hơn tháng là anh kêu mệt, vô ra bệnh viện hoài. 

Hon nhan dat deo
Cứ vải ba bữa chồng lại kêu mệt đi bệnh viện. Ảnh: minh họa

Chồng em rất rành rẽ về bệnh tình, kiêng cữ chuyện này, không ăn thứ kia, lắng nghe cơ thể mình lúc này lúc nọ đang ở tình trạng nào, khiến em rất mệt mỏi. Em có cảm giác anh sống hơi ích kỷ. Hai vợ chồng đi làm, công việc của em cũng mệt mỏi, thỉnh thoảng chồng lại gọi em qua công ty chở anh vô bệnh viện vì anh mệt. Bàn chuyện có con, anh nói sợ em vất vả, vừa lo chồng đau ốm, vừa lo chăm nuôi con. 

Chị ơi, sau mấy năm chung sống em thấy tình cảm hai vợ chồng không còn mặn nồng, cũng “đau ốm” theo chủ nó. Em cảm giác anh ấy ỷ lại vào vợ, cứ như lấy vợ về để chăm bệnh. Thực ra, anh đâu phải bệnh tật đến mức trầm trọng hiểm nghèo, mà đụng đâu cũng than vãn. Em ngán bệnh viện và chăm bệnh lắm rồi. Lúc này mà nghĩ đến chuyện chia tay, lý do chính là vì sức khỏe của anh thì không phải lẽ. Nhưng sống như vậy, rồi em thành bà nữ hộ lý chăm người bệnh suốt đời sao? 

Tú Phi (Bình Chánh, TP.HCM)

Em Tú Phi thân mến,

Hạnh Dung đồng ý với em, nếu cứ như thế này, hạnh phúc gia đình cũng sẽ dần ốm đau, èo uột. Phụ nữ không thể tách rời thiên chức làm mẹ. Khi có niềm vui làm mẹ, dù khó khăn nào mình cũng sẽ vượt qua được hết. Còn nếu không, đôi khi, hai người lớn sống với nhau thật tẻ nhạt. Nhất là khi thêm khó khăn, bệnh tật, cuộc sống chung trở thành gánh nặng mà không có niềm vui nào để cân bằng. 

Hon nhan dat deo
Riết rồi em đâm ra chán chồng. Ảnh minh họa

Em nên nói chuyện với chồng về mong muốn có con để cân bằng cuộc sống gia đình, để có mối dây gắn kết vợ chồng. Hạnh Dung nghĩ chồng em yêu vợ, lo lắng sợ mất vợ, sẽ quan tâm đến mong ước này. Em cũng nên thu xếp gặp riêng bác sĩ của chồng, hỏi xem với tình trạng sức khỏe chồng em như vậy thì có thể có con được không? Những nguy cơ nào cần phải chú ý, phải tránh? Thời điểm nào phù hợp? Khi có đầy đủ thông tin, và việc có con không ảnh hưởng nghiêm trọng, em có thể xúc tiến kế hoạch.

Đừng đặt vấn đề như một nghĩa vụ, mà như một mong muốn để gia đình được bền vững, hạnh phúc hơn. Hãy chọn thời điểm mà sức ám ảnh của bệnh tật xuống thấp nhất. Hãy tạo cơ hội để vợ chồng có những phút gần gũi, hạnh phúc, không lo lắng. Đứa con nên được hoài thai trong mong chờ của cả cha và mẹ, trong không khí ấm áp hạnh phúc.

Riêng việc chồng em hay than thở kể lể về bệnh tật, mình cũng nên thông cảm. Thường những người có bệnh mạn tính hay đọc kỹ, tìm hiểu kỹ về bệnh tật. Em đừng gạt ngang, không thèm nghe, mà cần tạo những chủ đề nói chuyện khác. Em cũng nên nói thẳng với chồng về việc nhiều khi em không đủ sức khỏe để chăm lo “trên từng cây số”, và cả hai phải thống nhất một số quy tắc nào đó, ví dụ thấy hơi mệt, anh cứ bắt xe đi bệnh viện, nếu không có gì nghiêm trọng, em thu xếp từ từ sẽ đến, tránh việc gọi giật giọng, hốt hoảng, làm em căng thẳng mà rồi cuối cùng thì cũng không quá nghiêm trọng.

Chúc em tìm được cách phù hợp để chung sống với người “bệnh”. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gởi theo địa chỉ:

hanhdungonline@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI