Tại khoản 2 điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về điều kiện kết hôn có quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Cộng đồng LGBT đã và đang gác lại giấc mơ được kết tóc se duyên với người mình yêu một cách hợp pháp. Trước thềm Luật Hôn nhân và Gia đình được góp ý, sửa đổi, cộng đồng LGBT và những người đồng hành lại mong mỏi một sự điều chỉnh tích cực.
Rắc rối, bị động vì chỉ là "bạn cùng phòng"
Trong chương trình “Hôn nhân không khuôn mẫu” diễn ra vào tháng 8/2022, tái khởi động chiến dịch ủng hộ hôn nhân cùng giới “Tôi đồng ý” tháng 8-12/2022, nhiều người tham dự đã cảm động khi nghe thạc sĩ Lương Thế Huy - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường - iSEE, Hà Nội - ví von việc sửa đổi luật này giống như một chuyến tàu. “Chuyến tàu ấy đã rời bến rồi, vấn đề là những người lái tàu có đưa mọi người lên như điều họ mong mỏi, khát khao hay không. Mỗi lần sửa đổi luật mất hơn 10 năm và từng ấy năm cộng đồng LGBT trông đợi, hy vọng…” - ông Huy chia sẻ.
Từng “góp gạo thổi cơm chung” với người yêu đồng tính nam đã 13 năm, anh Nguyễn H.M. (45 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TPHCM) dí dỏm nói: “Nếu được phép kết hôn đồng giới, có lẽ tôi và anh yêu của tôi sẽ là cặp đôi đầu tiên nhào tới cổng UBND phường để đăng ký lúc sáng sớm”.
Với anh H.M., mười mấy năm không hẳn quá dài với một quy định pháp luật, nhưng quá dài, quá mòn mỏi với thanh xuân và tình yêu của một đời người. Vì không được kết hôn hợp pháp nên cuộc sống chung của anh và người bạn đời có nhiều áp lực, phiền toái, thiệt thòi.
Thử cận cảnh vào sự cố y tế khẩn cấp của anh, có thể thấy được phần nào sự thiệt thòi, thậm chí nguy hiểm đó. Là lần anh H.M. đứng trước một căn bệnh và bác sĩ chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. Bạn đời là người duy nhất hiện đang chung sống với anh và cũng chính là người đưa anh đi khám lại không có tư cách ký vào giấy cam kết đồng ý phẫu thuật.
Khi bác sĩ hỏi “anh là gì của bệnh nhân?” - người bạn đời ấy ấp a ấp úng, không biết trả lời như thế nào vì không có giấy tờ gì thể hiện mối quan hệ, ngoài là bạn chung phòng với cùng địa chỉ cư ngụ. Ngập ngừng vài giây, anh đáp: “Tôi với bệnh nhân là bạn thân”.
Bác sĩ yêu cầu vợ/chồng, cha/mẹ, anh/chị, con cái đã trưởng thành… của bệnh nhân ký tên và cuối cùng anh bạn phải gọi mẹ của anh H.M. cấp tốc vào bệnh viện. Người mẹ lớn tuổi, cao huyết áp lại quá bất ngờ trước chuyện anh H.M. sắp vào ca mổ, đâm suy sụp tinh thần, đổ bệnh. Người bạn đời phải chăm sóc cả anh H.M. lẫn người mẹ. May mà cả hai người đã mau chóng bình phục.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Cũng mất thế chủ động như thế đối với các vấn đề khác, cụ thể như quan hệ tài sản. Là người song tính nữ, Trần O.L. lấy chồng năm 25 tuổi và ly hôn chỉ sau hai năm vì chồng có tính vũ phu. Rời Hà Nội, vào TP.HCM lập nghiệp, chị là mẹ đơn thân nuôi con gái một tuổi. Nơi đất khách quê người, chị may mắn kết thân với một cô bạn bán quán cơm tốt bụng gần chỗ làm. Tình cảm nảy sinh theo tháng ngày và hai người đã về chung một mái nhà.
Dịch COVID-19 ập đến, quán cơm cô bạn đóng cửa. Theo cân nhắc, sắp xếp của hai người, cô bạn sẽ ở nhà nội trợ, trông giữ em bé còn chị O.L. sẽ đi làm kiếm tiền nuôi cả nhà. Với tất cả tài sản tích lũy được (xe, sổ tiết kiệm, vàng…), chị O.L. là chủ sở hữu duy nhất.
Dù không trực tiếp làm ra tiền nhưng cô bạn với vai trò “người mẹ thứ hai” cũng đóng góp công sức rất nhiều cho gia đình nhỏ này. Tuy vậy, quyền lợi của cô bạn chỉ “may nhờ rủi chịu”, phụ thuộc vào sự ghi nhận hay phớt lờ của chị O.L. Trong khi những người vợ/chồng hợp pháp, ngay cả họ ở nhà nội trợ, không trực tiếp tạo ra của cải, vẫn được pháp luật bảo vệ quyền lợi đối với khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Trường hợp xấu nhất là phải ly hôn thì về nguyên tắc, tài sản chung sẽ chia đôi cho vợ và chồng.
Cần công nhận hôn nhân đồng giới
Theo báo cáo của iSEE năm 2019, có đến 41,2% số người thuộc cộng đồng LGBT được khảo sát cho biết họ đã và đang sống chung với người yêu, bạn đời. Người ở nhóm tuổi cao hơn có trải nghiệm với việc sống chung dài hơn. Khó khăn phổ biến nhất mà các cặp đôi sống chung hiện nay gặp phải là sự không ủng hộ của gia đình với mối quan hệ của họ (47,3%). Đồng thời, sự kỳ thị, phân biệt đối xử của chủ nhà thuê hay hàng xóm, dân cư nơi họ sống cũng gây áp lực, bức bối khiến các cặp đôi có lần phải rời đi.
Việc đóng góp và chia sẻ kinh tế được các cặp đôi cùng giới thực hiện một cách linh hoạt. Có đến 55% các cặp đôi trong nhóm tuổi 35-49 hiện sở hữu chung các tài sản có giá trị lớn, 50% hiện góp vốn đầu tư kinh doanh chung, 57,9% chung nhà đất (nhưng giấy tờ đăng ký chỉ đứng tên một người). Nhiều cặp đôi chọn mô hình kinh tế bình đẳng hoặc độc lập hoàn toàn với nhau.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Hiện nay, trên thế giới có hơn 30 quốc gia - vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên toàn bộ lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ: Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Bỉ, Anh, Đài Loan, Áo…
Ngày 3/8/2022, Bộ Y tế Việt Nam có văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh thực trạng ép buộc khám bệnh, chữa bệnh đối với người LGBT. Trong đó, có nội dung không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh. Không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện…
Cũng trong năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) đã phối hợp cùng iSEE thực hiện nghiên cứu Đánh giá tác động kinh tế của chính sách về hôn nhân cùng giới tại Việt Nam. Dù có hội nhập nhưng họ vẫn luôn phải đối mặt với nguy cơ phân biệt đối xử trong tương tác xã hội, giáo dục, việc làm. Bên cạnh đó, nhiều quyền cơ bản của họ chưa được công nhận, cụ thể là quyền kết hôn cùng giới và các quyền khác thuộc chế định hôn nhân như quyền giám hộ, thừa kế, đại diện theo pháp luật, cho nhận con nuôi, công nhận con chung, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo…
Tác động của việc công nhận hôn nhân đồng giới tại Việt Nam được nhìn nhận là đáng kể, đa chiều và được thụ hưởng bởi toàn xã hội chứ không riêng nhóm người LGBT. Tác động giúp gia tăng quyền cho người LGBT; giảm căng thẳng thiểu số; giảm tình trạng hôn nhân giả tạo, cưỡng ép do không phù hợp xu hướng tính dục, bản dạng giới; góp phần giải quyết các vấn đề về dân số (có thể sử dụng các kỹ thuật sinh sản để có con hoặc nhận nuôi con chung, giúp giảm tốc độ lão hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số); tăng năng suất lao động cho người LGBT; cải thiện năng suất lao động cho toàn xã hội…
Cũng theo báo cáo này, việc hợp thức hóa hôn nhân cùng giới có thể mang lại cho Việt Nam từ 1,65 - 4,36% gia tăng trong GDP (tổng sản phẩm quốc nội) mỗi năm so với không công nhận.
Hoa hậu Khánh Vân: Bản thân Vân có lần dùng sai từ ngữ khi nói về LGBT. Có những lời nói gắn kết và có những lời nói đôi khi chỉ do vô tình nhưng có thể gây tổn thương. Vì vậy, tiếp cận các khóa học, tài liệu chính thống về LGBT là vô cùng cần thiết cho mọi người, cho phụ huynh, để có góc nhìn rộng, kiến thức đúng, thấu hiểu người thân là LGBT và dùng ngôn ngữ chuẩn xác, tôn trọng khi giao tiếp, tương tác với nhau. Vân cảm nhận được rằng tình yêu là không phân biệt bất cứ thứ gì, kể cả tuổi tác, màu da, giới tính, khoảng cách địa lý… quan trọng là con tim chúng ta đang hướng về ai. Dù khác biệt thế nào, chỉ cần bạn hạnh phúc thì Vân sẽ luôn luôn ủng hộ. NSND Kim Xuân: Có người đặt vấn đề tình yêu đồng tính liệu có bền, hôn nhân cùng giới có lâu? Thật ra, tình yêu thì không phân biệt giới tính. Đã là hạnh phúc thực sự thì không tính ngắn dài. Hạnh phúc bền lâu hay không là do cặp đôi tự quyết định. Ca sĩ Phương Vy: Tôi nghĩ mục đích chính của hôn nhân là mưu cầu hạnh phúc và tính chính danh. Danh xưng vợ chồng đồng nghĩa với việc hai bạn đồng ý cùng nhau đồng hành, cùng nắm tay nhau vượt qua sóng gió, giúp cho tình yêu của các bạn bền vững và lâu dài hơn. Diễn viên, người mẫu Võ Điền Gia Huy: Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại không công nhận quyền được kết hôn của các bạn thuộc cộng đồng LGBT. Họ cũng lao động và cống hiến như những người khác, họ xứng đáng được hưởng quyền bình đẳng như chúng ta. Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Tô Diệu Hiền