Hơn ngàn bé trai ở Hà Nội bất thường bộ phận sinh dục hay số liệu có vấn đề?

10/07/2018 - 19:56

PNO - Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm vừa công bố 45,2% bé trai trong tổng số 3.189 trẻ từ 3 - 5 tuổi trên địa bàn quận bị bất thường bộ phận sinh dục, khiến nhiều gia đình hoang mang.

Số liệu bất thường đã giảm theo từng năm?

Thông tin 1.441 bé trai có vấn đề bất thường ở bộ phận sinh dục sau khi khám sàng lọc được Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm công bố khiến không ít phụ huynh hoang mang.

Càng lo ngại hơn khi bà Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm cho rằng, thói quen mặc tã quá lâu, mặc quần sịp quá sớm cho con là thủ phạm hàng đầu khiến bộ phận sinh dục của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không ít người đặt ra câu hỏi, vấn đề bất thường ở đây nằm ở tình trạng sức khỏe của trẻ, hay chính ở con số mà Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm báo cáo?

Hon ngan be trai o Ha Noi bat thuong bo phan sinh duc hay so lieu co van de?

Bà Hoa cho rằng dù 1.441 trẻ có vấn đề về bộ phận sinh dục nhưng không phải tất cả trẻ phải đến bệnh viện điều trị mà có thể xử lý tại nhà, như vệ sinh bộ phận sinh dục cho trẻ, hẹp bao quy đầu, bán dính, viêm đường tiết niệu…

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Trương Thị Kim Hoa khẳng định, các số liệu này hoàn toàn có thực, được lưu hồ sơ kết quả đối với từng trẻ tới khám. Chương trình sàng lọc này miễn phí, có sự phối hợp với các bác sĩ Trung tâm Nam học của Bệnh viện Việt - Đức và được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội. 

Liên quan tới con số cao bất thường với 1.441 trẻ có vấn đề ở bộ phận sinh dục, bà Trương Thị Kim Hoa chia sẻ: “Con số này đã giảm rất nhiều so với chương trình khám sàng lọc mà chúng tôi đã thực hiện năm 2016 và 2017". Năm 2017, tỷ lệ này được công bố lên tới 63%.

Trả lời phóng viên về việc, vì sao nhiều trường hợp bố mẹ có thể tự xử lý, tuy nhiên, thông tin trên báo chí cho biết, có tới 77% trẻ cần can thiệp chuyên sâu, tức cần đi tới các cơ sở y tế thăm khám? Bà Trương Thị Kim Hoa khẳng định, con số trên không chính xác.

Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ chỉ phát hiện tổng cộng 75 ca cần can thiệp chuyên sâu phải tới bệnh viện ngay lập tức. Đây là các ca bệnh liên quan tới tinh hoàn lạc chỗ, thoát vị bẹn, dị dạng dương vật, lún dương vật, lỗ tiểu lệch, hình thái dương vật bất thường.

Phủ nhận thông tin đóng bỉm khiến bộ phận sinh dục bị ảnh hưởng

Cũng tại cuộc trao đổi với báo Phụ Nữ, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm phủ nhận thông tin mặc bỉm, quần sịp sớm gây bệnh cho bộ phận sinh dục. Theo bà, Trung tâm chỉ khuyến cáo việc trẻ đã 4 - 5 tuổi còn lạm dụng bỉm hoặc trẻ mặc quần sịp bằng vải cotton nên các sợi cotton đã cuốn lại trong bộ phận sinh dục của trẻ. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo không cho trẻ mặc các dạng quần sợi bông này mà có thể mặc bằng quần đùi.

Hon ngan be trai o Ha Noi bat thuong bo phan sinh duc hay so lieu co van de?

Năm 2016, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm cũng gặp nhiều phản ứng trái chiều của dư luận khi thực hiện và công bố kết quả từ chương trình khám sàng lọc bộ phận sinh dục cho trẻ em trên địa bàn quận. Tuy nhiên, bà Hoa cho rằng, đây là việc làm mang ý nghĩa, giá trị thiết thực mà Trung tâm hướng tới.

“Phản ứng của dư luận trong vụ việc này, theo quan điểm của tôi không phải bị ném gạch đá mà nhìn ở góc độ tích cực, điều này đã tạo được quan tâm nhiều hơn của các bậc cha mẹ. Khi lướt qua rất nhiều người giật mình nhưng họ sẽ nhận thức tốt hơn. Thế là đủ rồi!” - bà Hoa khẳng định.

Bà Hoa chia sẻ, từng có gia đình hoang mang vì cho rằng, con mình bình thường không cần kiểm tra vùng kín nhưng nhờ đó bé được phát hiện tinh hoàn lạc chỗ. “Nếu vì tính toán, hay sợ ném đá sẽ không bao giờ có thể thực hiện được chương trình sàng lọc”. 

Hon ngan be trai o Ha Noi bat thuong bo phan sinh duc hay so lieu co van de?
Khoa Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận rất nhiều bé trai đến khám

Không thể gọi là bất thường

Thạc sĩ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - chuyên về Ngoại Nhi - Tiết niệu khẳng định: Hẹp bao quy đầu ở bé trai có 2 dạng là hẹp sinh lý và hẹp bệnh lý. Và 96% bé trai mới sinh đều hẹp bao quy đầu sinh lý, đến 5 tuổi chỉ còn 50% trẻ bị hẹp và còn 1% khi trẻ dậy thì. Đây là triệu chứng bình thường, chứ không phải bệnh lý nên số liệu báo cáo này rất cao.

Cách nhận biết hẹp bao quy đầu ở trẻ em do bệnh lý:

Trẻ bị hẹp bao da quy đầu thường có những biểu hiện tiểu khó, phải rặn làm phồng bao quy đầu, tia tiểu bắn xa. Những bé nhỏ thường quấy khóc và đỏ mặt vì rặn mỗi khi đi tiểu. Do phần do chít hẹp làm lỗ tiểu của bé nhỏ cản trở bài xuất nước tiểu nên bao quy đầu của trẻ thường xuyên tấy đỏ và ngứa ngáy. Thậm chí tiểu ra nước tiểu rất đục và hôi, khiến trẻ có thói quen hay vọc bộ phận sinh dục của mình.

Đồng tình quan điểm này, PGS.TS.BS Lê Tấn Sơn, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Niệu Bệnh viện Nhi đồng 2 phân tích: Việc đánh giá trẻ bị hẹp bao quy đầu khi mới 3- 5 tuổi là chưa chuẩn xác. Trẻ nhỏ hẹp bao quy đầu là hiện tượng sinh lý bình thường.

Bản thân bao quy đầu che khít để bảo vệ quy đầu. Khi trẻ lớn dần thì bao quy đầu tự tụt ra. Nếu để tự nhiên đến khi 16 tuổi, chỉ có 1% trẻ bị hẹp bao quy đầu. Do đó, cha mẹ không nên cho cắt bao quy đầu cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, dễ khiến biến chứng hẹp miệng sáo, thậm chí có thể gây thương tổn “cậu nhỏ” nếu phẫu thuật không được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.

Nếu cha mẹ thấy trẻ bị hẹp bao quy đầu thực sự do bệnh lý với biểu hiện sẹo xơ có thể đến bác sĩ chuyên khoa để tư vấn. Có một số trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu có chất bã trắng bẩn bên dưới bao quy đầu cần được lấy ra bởi bác sĩ chuyên khoa mà cũng không cần phẫu thuật. Chỉ vài trường hợp buộc cắt bao quy đầu khi không thể tụt ra được.

Cũng theo PGS Lê Tấn Sơn, nếu quy cho việc mặc tã khiến trẻ mắc bệnh bao quy đầu là sai hoàn toàn. Mang tã nhiều giờ và liên tục nhiều ngày sẽ khiến trẻ bị hăm kẽ. Hoặc do tã chứa nước tiểu (vốn nóng) kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển tinh hoàn về sau; chứ trẻ mặc tã, quần sịp sớm, vệ sinh kém không ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục. Vì vậy bé trai không nên mặc tã suốt đêm vì tã giữ nước tiểu lại.

PGS Lê Tấn Sơn: Những bệnh bẩm sinh như tinh hoàn di động, tinh hoàn ẩn, vùi dương vật (lún dương vật), lỗ tiểu thấp… thì bản thân trẻ sinh ra mắc phải chứ không phải do mặc tã, vệ sinh kém.

Nếu trẻ xuất hiện tinh hoàn di động thì đây là hiện tượng vô hại. Cha mẹ sẽ thấy tinh hoàn của bé chạy lên trên khi thức và xuống bìu khi ngủ. Với bệnh này, phụ huynh chỉ cần theo dõi tình trạng này đến tuổi dậy thì vì thời điểm này, tinh hoàn sẽ “an cư”.

Với trẻ bị vùi dương vật, chỉ mổ khi không thể tuột được bao quy đầu. Nếu để nguyên hình dạng mà tuột được bao quy đầu sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng hoặc khả năng sinh sản về sau. Việc phẫu thuật chỉ mang tính thẩm mỹ.

Với tinh hoàn ẩn, tràng dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn phải được điều trị ngay từ lúc 6 tháng – 2 tuổi, tránh để lâu. Tóm lại, các dị tật sinh dục của trẻ nên can thiệp sớm để tránh trẻ bị ám ảnh tâm lý về sau.

Huyền Anh - Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI