Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ lữ hành của Tổng công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng về loại hình du lịch mạo hiểm tại Việt Nam.
Một trong những tour mà du khách tham gia DLMH đều muốn được trải nghiệm là trượt thác (Canyoning).
Một du khách người Pháp háo hức mặc áo phao, đeo đai hông, khóa cường lực… chuẩn bị đu dây vượt thác cho biết: “Tôi rất sảng khoái vì mới đi bộ qua những con suối, tán rừng nguyên sinh ở thác Datanla. Đặc biệt nhất là tôi còn chơi trò đu dây qua những vách núi cao 12m rồi có pha thả mình rơi tự do từ độ cao 11m xuống thác nước đang chảy xiết.
Không khí trong lành, địa hình nhiều thử thách và lợi thế giá tour rẻ chỉ bằng khoảng 1/2 so với mức giá của các nước trong khu vực đã khiến tôi và bạn bè ưa DLMH muốn đến Việt Nam. Những trò mạo hiểm này đòi hỏi sức khỏe, kỹ năng cao nhưng đem đến cảm giác rất tuyệt, khiến tôi như không còn sợ hãi bất cứ điều gì”.
Tiềm năng lớn nhưng hoạt động tự phát
Khảo sát tại các điểm du lịch nổi tiếng nói trên, loại hình DLMH diễn ra nhộn nhịp nhất là ở tỉnh Lâm Đồng - địa phương tiên phong loại hình này với gần 10 đơn vị chuyên khai thác các tour mạo hiểm đang hoạt động.
Nhiều công ty tại đây cho biết, lượng khách mua tour DLMH nửa đầu năm 2017 đã tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, Công ty CP Du lịch Lâm Đồng đã đón 2.500-2.700 khách quốc tế tham gia tour vượt thác.
Đặc biệt, thị trường tour DLMH đã bắt đầu thu hút nhiều hơn du khách trong nước. Lượng khách nước ngoài vẫn tăng nhưng đối tượng du khách Việt tăng nhanh hơn. Nếu bảy năm trước đây, lượng khách Việt tham gia tour rất hiếm hoi thì hiện nay số khách này đã ở mức 90% tổng lượng khách, tập trung chủ yếu ở đối tượng thanh niên, giới văn phòng muốn xả stress.
Trước thực tế này, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đánh giá: “Tiềm năng phát triển loại hình DLMH ở nước ta còn rất lớn. Với 3/4 địa hình là đồi núi, hệ thống sông ngòi chằng chịt, các dãy núi đá vôi hình thành nhiều hang động đẹp, rừng nguyên sinh nhiệt đới, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia rộng lớn…
Việt Nam thuận lợi phát triển DLMH”. Không riêng Lâm Đồng mà các tỉnh khác như Quảng Bình, Lào Cai, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận… đều có thể phát triển DLMH.
Loại hình này được doanh nghiệp (DN) khai thác từ hơn 10 năm trước và cũng được Nhà nước nhìn rõ tiềm năng phát triển. Song ông Nguyễn Văn Quang cho rằng “các cơ quan liên quan vẫn chưa quan tâm đúng mức loại hình này. Ở Lâm Đồng, các DN phải hoạt động tạm trên tiêu chí của UBND tỉnh, tức vẫn chưa có cơ sở pháp lý chuẩn để DN dựa vào đó hoạt động”.
Bởi thế nên “DN không yên tâm hoạt động và còn có nhiều đơn vị hoạt động lùm xùm, làm ảnh hưởng đến các công ty lữ hành uy tín” - ông Lê Văn Duẩn - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thử Thách Việt nói.
Dè chừng vì ngóng luật
Dù đã có mặt trên thị trường hơn 10 năm nhưng xét tổng thể từ sản phẩm, cách thức tổ chức, quản lý nhà nước thì loại hình này vẫn còn rất sơ khai. DN phải tự vận động: thiết kế tour, hướng dẫn viên do các chuyên viên, huấn luyện viên nước ngoài đảm trách, dụng cụ hỗ trợ trò chơi cũng nhập từ các nước.
Do đó, DN nào mạnh, đủ tài lực mới có khả năng theo đuổi những tour mạo hiểm này. Trong khi đó ở Singapore, Thái Lan… hoạt động DLMH được hiệp hội chuyên ngành như liên đoàn hoặc hiệp hội thể thao bộ môn đó giám sát, cấp phép và cấp thẻ huấn luyện viên, ngành du lịch chỉ quản lý chuyên môn, hai bên sẽ phối hợp kiểm tra, xử lý khi phát hiện vi phạm. Do đó, các DN đỡ vất vả mà yên tâm chăm sóc du khách theo hành lang an toàn được cơ quan quản lý vạch sẵn.
“Vừa qua, Luật Du lịch sửa đổi, bổ sung cũng không nhắc đến loại hình này, chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có quy định rõ ràng hơn. Từ đó, DN mới mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, đào tạo hướng dẫn viên” - đại diện một DN chuyên tổ chức lướt ván diều ở Mũi Né (Bình Thuận) nói.
Ông còn cho rằng: “Vì chưa có khung pháp lý rõ ràng nên nhiều đơn vị không mạnh dạn đứng ra làm tour, chỉ nhận khách quen khi có nhu cầu. Trong khi đó, nếu khai thác tốt, loại hình DLMH này sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương”.
Đại diện Tổng công ty Saigontourist chia sẻ thêm, để DLMH phát triển bền vững, khi xây dựng các quy định, chế tài để quản lý, cơ quan chức năng cần liệt kê các loại hình du lịch cụ thể và quan trọng là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối và có trách nhiệm đối với khách.
Mười năm vẫn ngóng luật DLMH, nhưng muộn vẫn còn hơn không, đặc biệt là khi hiện nay nhiều nước trên thế giới xem DLMH là một phần quan trọng trong miếng bánh du lịch khổng lồ. Vì vậy cần lắm một hành lang pháp lý rõ ràng để DN DLMH vẫy vùng, tạo sức bật cho ngành du lịch phát triển. Và quan trọng hơn, luật cũng là hành lang pháp lý để đảm bảo an toàn cho du khách tham gia tour.
|
Hơn mười năm, du lịch mạo hiểm vẫn… ngóng luật |
Hoạt động DLMH gồm: lái ca nô, lái ca nô kéo dù bay, chèo thuyền kayak, cưỡi ngựa, đi xe đạp địa hình núi, đi trên dây, đu dây vượt thác, săn bắn, lái bè, lặn biển, leo núi, thám hiểm hang động, trượt cát, trượt cỏ, trượt băng nhân tạo, thám hiểm rừng rậm, trượt máng nước, đi mô tô nước, lướt ván…
Đầu năm 2017, dự thảo thông tư về hoạt động du lịch mạo hiểm được Tổng cục Du lịch soạn thảo, lấy ý kiến các địa phương và doanh nghiệp lữ hành, dự kiến ban hành cuối năm 2017.
Song, mới đây trao đổi bên lề với chúng tôi, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: khi chưa có Luật Du lịch sửa đổi, bổ sung thì Cục soạn thảo thông tư nhằm dễ quản lý loại hình DLMH, do đó nhiều nội dung còn chồng chéo, chưa cụ thể. Sắp tới khi Luật Du lịch sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, Cục sẽ đề xuất có nghị định hướng dẫn riêng cho loại hình DLMH và hủy bỏ dự thảo thông tư trên.
Theo đó, các quy định về quản lý, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức cũng như việc kiểm tra chất lượng trang thiết bị hay chế tài, xử lý các đơn vị sai phạm sẽ cụ thể hơn.
Thu Hồng