Hơn một nửa giới trẻ châu Á gắng sức làm thêm việc

17/06/2023 - 10:06

PNO - Theo một cuộc khảo sát, có tới 59% người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

Hôm 12/6, Công ty Deloitte công bố kết quả một cuộc khảo sát thực hiện trong năm 2022 tại Philippines cho thấy: có đến khoảng 70% người trẻ của nước này đã nhận việc làm thêm, tăng gần 15% so với năm trước. 

Khoảng 70% người trẻ ở Philippines làm thêm một công việc phụ  để tăng thu nhập - ẢNH: BLOOMBERG
Khoảng 70% người trẻ ở Philippines làm thêm một công việc phụ để tăng thu nhập - ẢNH: BLOOMBERG

Khi được hỏi lý do phải làm thêm, hơn 60% cho biết họ cần một nguồn thu nhập phụ, trong khi khoảng 40% tin rằng công việc làm thêm giúp họ phát triển các kỹ năng quan trọng và xây dựng các mối quan hệ.

Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy hơn một nửa số người trẻ Philippines kiệt sức và lo lắng rằng họ sẽ không thể trang trải các chi phí của mình. Ông Eric Landicho - Giám đốc điều hành của Deloitte Philippines - cho biết: “Kết quả này phản ánh sự bất ổn về kinh tế của thế hệ trẻ khi thế giới tiếp tục phục hồi sau đại dịch toàn cầu”.

Tel Montalbo - nữ kiến ​​trúc sư 27 tuổi tại Manila - cho biết: ngoài làm việc cho một công ty chuyên về thiết kế nội thất, cô vẫn nhận công việc bán thời gian. “Lý do tôi nhận thêm việc là tài chính. Thu nhập của tôi chỉ đủ cho nhu cầu cá nhân. Để có thể phụ giúp gia đình và tiết kiệm chút tiền cho tương lai, tôi làm thêm các công việc liên quan đến kiến ​​trúc như thiết kế các dự án nhà ở được thuê ngoài từ các quốc gia khác. Công việc phụ vất vả nhưng được trả lương cao hơn và giúp tôi đạt được các mục tiêu tài chính của mình” - Montalbo nói. Cô cho biết thêm do làm nhiều công việc, đôi khi sức khỏe cô giảm sút, cảm thấy không có động lực và thậm chí là làm việc kém hiệu quả.

Cô Rose Tanedo (30 tuổi) cũng than thở rằng chi phí sinh hoạt hiện tại khiến cô gặp khó khăn khi nhận được 1 đầu lương duy nhất: “Ngoài công việc chính, tôi đã phải nhận dạy kèm tiếng Anh. Nguồn thu nhập thêm giúp trang trải chi phí ở nhà, đặc biệt là khi cả ba mẹ tôi đều đã nghỉ hưu”.

Câu chuyện ở Philippines cũng tương tự như kết quả từ cuộc khảo sát công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu Herbalife công bố hồi giữa tháng Năm. Theo kết quả khảo sát này, có tới 59% người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

Nguyên nhân chính cũng là do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và không muốn phụ thuộc vào nguồn thu nhập duy nhất.

Khảo sát được thực hiện ở Úc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và cả Việt Nam cho thấy, trung bình, mục tiêu của những người phải làm thêm việc là kiếm được từ đó 300-700 USD/tháng để có cuộc sống thoải mái hơn.

Ông Stephen Conchie - Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc của Herbalife - cho rằng chi phí thực phẩm, nhà ở và giá tài nguyên tăng cao đã ảnh hưởng đến các cộng đồng trên toàn cầu, khiến mọi người phải tìm nguồn thu nhập bổ sung. Điều này cũng được thể hiện rõ trong cuộc khảo sát khi có hơn một nửa (56%) số người trả lời cho biết họ gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí nhu yếu phẩm và thuốc men; 72% có lo lắng về vấn đề tài chính.

“Những người lao động trẻ này đang dựa vào sức trẻ, sự năng động, tháo vát của mình để duy trì công việc chính thức và làm thêm. Theo tôi các tổ chức có thể đóng vai trò quan trọng khác trong việc đảm bảo phúc lợi tài chính cho nhân viên của họ. Đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát cao này, các tổ chức có thể xem xét cung cấp các phúc lợi linh hoạt, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe hoặc chi phí đi lại để giảm bớt tác động của giá cả tăng cao đối với người lao động” - ông Landicho nói.

Thu Thanh (theo Straits Times, Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI