Hôn mê vì... tự làm bác sĩ

30/08/2017 - 17:30

PNO - Tự uống thuốc tiểu đường để “phòng ngừa”, hoặc tìm mua thuốc gia truyền, thảo dược vì “cảm thấy” mỡ máu tăng cao... không ít người phải nhập viện cấp cứu.

Vợ tiểu đường, chồng uống thuốc phòng ngừa!

Vợ anh D. bị bệnh tiểu đường từ lâu. Cho rằng mình “bị lây”, sẵn máy đo đường huyết nhanh, anh P.V.D. (45 tuổi, Q.3, TP.HCM) kiểm tra thử và thấy kết quả là 130 mg/dl. Nghĩ mình cũng bị tiểu đường, anh lấy thuốc của vợ uống, thử lại thấy đường huyết giảm.

Tuy nhiên, dùng thuốc khoảng hai tháng, anh D. cảm thấy người uể oải. Tại Bệnh viện (BV) đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ (BS) Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết, chỉ định bệnh nhân D. ngưng dùng thuốc một tuần. Sau đó, anh D. được xét nghiệm máu hai lần, đều cho kết quả đường huyết bình thường. 

Anh D. chỉ là một trong số ít người tự ý uống thuốc điều trị tiểu đường. Theo BS Nam, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng và thông tin về điều trị căn bệnh này thu hút nhiều người quan tâm. Một số người tiếp nhận thông tin không chọn lọc và thiếu sáng suốt, tự ý dùng thuốc, rất nguy hại sức khỏe.

Hon me vi...  tu lam bac si
Tự mua thuốc chống tiểu đường uống, bệnh nhân hôn mê - Ảnh: Thanh Huyền


BS Từ Kim Thanh - Trưởng phân khoa Nội tiết thận BV Quận 2 TP.HCM - thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân sử dụng thuốc tiểu đường bừa bãi. Một số người chỉ mới rối loạn đường huyết đã vội vàng dùng thuốc… “chặn”, có bệnh nhân còn tự đổi thuốc, mượn thuốc của nhau.

Mới đây, bà Q.N. (57 tuổi, Q.10, TP.HCM), bị tiểu đường phải nhập viện cấp cứu vì dùng không đúng thuốc. Bệnh nhân đang chích thuốc theo chỉ định của BS mỗi ngày một liều insulin 20 đơn vị. Hết thuốc chưa kịp mua, bà Q.N. sang nhà hàng xóm mượn thuốc dùng tạm.

Trong khi người hàng xóm lại đang được BS kê toa chích insulin trộn liều sáng 20 đơn vị, chiều 15 đơn vị. Hai loại insulin khác nhau nên sau khi chích, bà bị tụt đường huyết đột ngột dẫn tới hôn mê. Mỗi tháng, BV đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận khoảng 20 ca hôn mê vì tụt đường huyết do dùng thuốc tiểu đường chưa đúng.

Men gan tăng 10 lần vì thảo dược 

Các BV vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng viêm gan cấp, tăng men gan nhiều lần do lạm dụng các loại thảo dược, thuốc gia truyền để điều trị mỡ máu cao. Mới đây, bệnh nhân N.Đ.T. (45 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đến BV khám vì bị vàng mắt, vàng da. Kết quả xét nghiệm men gan của bệnh nhân cao gấp 10 lần mức bình thường.

Ông T. cho biết, thường ăn nhậu, thể trạng to béo nên “có vẻ như máu bị nhiễm mỡ” và tự mua thuốc Bắc, thuốc Nam, thực phẩm chức năng để giải độc cơ thể, điều trị bệnh mỡ máu. Bệnh nhân được cho thuốc điều trị viêm gan cấp và yêu cầu ngưng sử dụng các thảo dược. Mười ngày sau men gan giảm rõ rệt. 

Hon me vi...  tu lam bac si
 

Thực tế cho thấy, do lo ngại thực phẩm không an toàn, nhiều người sử dụng thuốc bổ gan, giải độc. Nếu dùng không đúng, dùng bừa bãi hoặc dùng quá nhiều loại thuốc bổ gan cùng lúc, vô tình khiến gan làm việc nhiều hơn. Như vậy dễ khiến gan bị tổn thương, chức năng gan suy giảm.

Theo các BS, không có bệnh thì không dùng thuốc. Việc dùng thuốc như “con dao hai lưỡi”. Dùng thuốc tức là đưa dược chất vào cơ thể, ngoài tác dụng chính để trị bệnh, thuốc có thể gây nên những tương tác bất lợi. Dùng thuốc tùy tiện chẳng những ảnh hưởng tới chức năng của gan, thận, mà còn gây hại tới nhiều bộ phận khác. 

BS Từ Kim Thanh cảnh báo, với những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm (tiểu đường kèm cao huyết áp, tim mạch), việc uống thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của thầy thuốc và khám định kỳ để điều chỉnh kịp thời. Đường huyết giảm quá mạnh (xuống mức 40 mg/dl) sẽ tác động nghiêm trọng đến não, gây hôn mê, co giật, thậm chí tử vong. 

Không nên tự dùng máy chẩn đoán tiểu đường 
 

BS Trần Quang Nam cho biết, theo thống kê nhiều năm qua, số người cấp cứu vì tăng đường huyết ngày càng giảm, nhưng hôn mê vì hạ đường huyết lại gia tăng. Chỉ số đường huyết bình thường ở ngưỡng 70-100 mg/dl. Nếu chỉ số đường huyết ở mức 125mg/dl được coi là rối loạn đường huyết, từ 127 mg/dl trở lên là tiểu đường.

Với các trường hợp ở ngưỡng rối loạn đường huyết, cần thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng phù hợp để chỉ số đường huyết tự ổn định trở lại. Tuyệt đối không chẩn đoán tiểu đường bằng máy đo đường huyết tại nhà. Để có kết quả chính xác, bệnh nhân phải nhịn ăn tám giờ, lấy máu tĩnh mạch tại phòng xét nghiệm của BV và phải thử máu hai lần. 


Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI