Hôn mê do hiểu lầm chỉ số thiết bị đo đường huyết

25/06/2021 - 06:44

PNO - Hiện nay, có một thiết bị đo đường huyết liên tục, không cần chích máu mao mạch đầu ngón tay, đang được bệnh nhân đái tháo đường sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm dẫn tới sự cố đáng tiếc, khi gắn thiết bị này bệnh nhân nên được bác sĩ tư vấn, giám sát.

Thời gian qua, bác sĩ Mã Tùng Phát, Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đã ghi nhận các trường hợp phải nhập viện do hiểu lầm hoặc sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM) sai cách. 

Thiết bị đo đường huyết liên tục CGM nên được sử dụng dưới sự tư vấn và giám sát của bác sĩ
Thiết bị đo đường huyết liên tục CGM nên được sử dụng dưới sự tư vấn và giám sát của bác sĩ

Điển hình là trường hợp bệnh nhân P.V.B., 59 tuổi, ngụ tại TP.Thủ Đức, TPHCM. Ông B. bị đái tháo đường type 2 mười năm nay và đang điều trị bằng thuốc. Là doanh nhân bận rộn nên ông ít đi khám bệnh, mà dùng toa thuốc được cấp từ một năm trước. Ở nhà, ông tuân thủ ăn ít tinh bột, có thói quen thử đường huyết qua mao mạch đầu ngón tay mỗi sáng sớm ngủ dậy.

Cách đây sáu tháng, ông được người thân ở nước ngoài gửi cho thiết bị CGM để tiện theo dõi đường huyết liên tục mà không phải chích máu đầu ngón tay. Ông B. thấy chỉ số đường huyết theo dõi qua CGM khá ổn nên trong ba tháng qua đã nới lỏng chế độ ăn giảm tinh bột và ăn thêm cả trái cây lẫn bánh ngọt.

Sau khi ăn, ông thấy đường huyết qua CGM không thay đổi đáng kể, buổi sáng chỉ dao động trong khoảng 100 - 130mg/dl trước ăn, sau ăn 160 - 200mg/dl. Bỗng một tuần qua, ông đi tiểu nhiều, sụt cân, mệt mỏi nên đi khám bác sĩ. Kết quả xét nghiệm ghi nhận đường huyết lúc đói của ông B. vọt lên 235mg/dl. Bác sĩ kiểm tra và phát hiện thiết bị CGM bệnh nhân đang dùng đã hết hạn sử dụng từ cách đây ba tháng.

Một trường hợp khác suýt mất mạng vì hiểu sai khi dùng thiết bị CGM là bệnh nhân N.T.M., 72 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, TPHCM.

Bà M. được chẩn đoán đái tháo đường type 2 từ 20 năm nay, ngoài ra bà còn bị bệnh thận mạn giai đoạn 4. Hay bị hạ đường huyết nên người nhà thường phải thử đường huyết nhiều lần trong ngày cho bà. Để giảm số lần phải chích máu mao mạch đầu ngón tay, bà đã chọn cách gắn thiết bị CGM. Nhờ cách này, khi thấy đường huyết có xu hướng hơi thấp thì người nhà sẽ cho bà ăn hoặc uống thêm thức uống có đường.

Từ khi đeo CGM, bà M. ít bị hạ đường huyết hơn nên rất tin tưởng. Vài ngày trước, bà bị tiêu chảy. Gia đình thấy bà mệt, run, kiểm tra chỉ số đường theo dõi từ CGM lúc đó là 110mg/dl, đường huyết trước đó 30 phút là 180mg/dl và đã tiêm insulin trước ăn. Thấy đường huyết chưa thấp lắm nên người nhà đã không xử trí. Sau đó 5 - 10 phút, bà M. rơi vào hôn mê, phải đưa đi cấp cứu. 

Tại bệnh viện, đường huyết mao mạch của bệnh nhân M. là 30mg/dl nhưng trên CGM hiển thị là 70mg/dl. Bệnh nhân được kết luận bị hạ đường huyết nặng, phải nhập viện. Theo bác sĩ Mã Tùng Phát, không phải chỉ số hiển thị trên CGM sai mà do gia đình bệnh nhân hiểu chưa đúng. Kết quả trên CGM thường thay đổi chậm hơn kết quả đường huyết trong máu khoảng 5 - 10 phút, thậm chí chậm hơn 30 phút nếu đường huyết tăng hoặc giảm quá nhanh. Trong máy đo CGM có mũi tên cảnh báo về sự thay đổi nhanh này, bệnh nhân và người thân cần được hướng dẫn và tư vấn bởi bác sĩ thì sẽ tránh gặp các sự cố nêu trên. 

Ở góc độ điều trị, bác sĩ Từ Kim Thanh, Phó khoa Nội tiết Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), ủng hộ việc sử dụng thiết bị CGM để theo dõi chỉ số đường huyết. Tuy nhiên, khi gắn thiết bị này, bệnh nhân nên được bác sĩ tư vấn, giám sát. Hiện rất nhiều bệnh nhân tự gắn thiết bị CGM để theo dõi đường huyết như: người bị tiểu đường thai kỳ, người già hay bị hạ đường huyết vào ban đêm hoặc có độ dao động đường huyết quá lớn, người đang phải tiêm insulin theo phác đồ 4 - 5 mũi/ngày. Những trường hợp này nếu không có CGM mà vẫn thử đường huyết theo cách chích máu mao mạch ngón tay thì phải làm nhiều lần, đau đớn và bất tiện. 

Trên thế giới, việc theo dõi đường huyết bằng CGM đã có từ chục năm nay. Thiết bị này được gắn vào cánh tay hoặc bụng, cơ chế hoạt động là thông qua cảm biến kết nối với một đầu kim nhỏ cắm vào mô dưới da để đo glucose trong dịch kẽ (dịch nằm ngoài tế bào trong mô kẽ). Thiết bị CGM kết nối được với điện thoại thông minh nên có thể chia sẻ cho người thân hoặc bác sĩ qua internet, thuận lợi cho việc đánh giá và hiệu chỉnh điều trị bệnh. 

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI