Hồn đô thị trong dáng hình hiện đại

07/11/2022 - 06:30

PNO - Chở tôi ngang qua đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TPHCM, anh Nguyễn Ngọc Phước - tài xế xe ôm “công nghệ” - nói: “Hồi đó, trên đường này với đường Lê Lợi, có nhiều quầy bán băng cát-xét, giờ lâu lâu đi ngang lại nhớ”.

“Hồi đó” của anh là những năm 1980. Thuở ấy, trong ký ức của những người “Sài Gòn xưa” như anh, còn có hình ảnh những bảng hiệu quảng cáo nhấp nháy đèn khiến những trục đường ở trung tâm thành phố lung linh về đêm… 

Trung tâm TPHCM hôm nay vẫn là những con đường của ngày cũ nhưng đã bừng lên một sức sống khác. Đường Lê Lợi hiện có nhà ga tàu điện (metro), nơi ngã tư giao với đường Nguyễn Huệ có trạm xe đạp công cộng mà du khách chỉ cần quét mã QR, thanh toán qua ví điện tử là có thể thuê xe. 

Những ngày này, đạp xe dọc phố đi bộ về phía đường Tôn Đức Thắng, vòng lại Nhà hát TPHCM rồi bon bon trên con đường Lê Lợi về hướng chợ Bến Thành, trong tôi bừng lên một cảm giác lạ lẫm, tươi mới và tràn đầy năng lượng yêu thương. 

Khu vực trung tâm thành phố bây giờ rộng, thoáng và đẹp. Nhiều bạn trẻ hào hứng đến trước lối xuống ga tàu điện ngầm để chụp hình, chia sẻ lên mạng xã hội (check-in). Những hiệu buôn nay được trang hoàng đẹp đẽ, khai trương trở lại sau nhiều năm phải đóng cửa để nhường chỗ cho công trình metro.

Đi trên vỉa hè thênh thang của đường Lê Lợi hôm nay, đã có thể hình dung một ngày không xa, dưới lòng đất, người người nhộn nhịp ra vào ga tàu điện ngầm còn phía trên, du khách tấp nập tham quan. Không chỉ là một phương tiện công cộng hiện đại, ga tàu điện ngầm còn là điểm nhấn mới cho bộ mặt văn hóa, du lịch của TPHCM. 

Một khu vực trung tâm rộng lớn với những tuyến đường, di tích, di sản sẽ được kết nối thành không gian phát triển du lịch đô thị hấp dẫn, đậm dấu ấn. Ở đó có Nhà hát TPHCM với những chương trình biểu diễn âm nhạc cuối tuần, phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn thu hút khách thập phương, bến Bạch Đằng nhìn về phía cầu Thủ Thiêm 2, cùng ga tàu thủy du lịch đường sông, rồi cầu Mống, chợ Bến Thành, công viên Quách Thị Trang, tượng đài Trần Nguyên Hãn…

Diện mạo đô thị hiện đại giao hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa những giá trị xưa và sự năng động, phát triển, hiện đại đang dần hoàn thiện ở khu trung tâm, làm đẹp thêm bức tranh chung cả thành phố. 

Qua bao thế hệ, thành phố đón thêm biết bao người tứ xứ đến sinh sống, lập nghiệp và góp phần dựng xây, kiến tạo. Vùng đất lành này luôn tiếp nhận và dung hòa mọi tính cách văn hóa, để ai đến nơi này rồi cũng trở thành những “người Sài Gòn - TPHCM” sống nghĩa tình, khoan dung, phóng khoáng, hào sảng, trượng nghĩa, biết sẻ chia…

Thành phố với lịch sử hơn 300 năm đã hình thành và giữ lại hồn đô thị cùng những giá trị văn hóa rất riêng trong lòng phố. Phố xá hôm nay đông đúc, nhộn nhịp với rất nhiều tòa nhà cao tầng, những khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại hiện đại nhưng những giá trị cũ vẫn không mất đi. 

Đó là khi xem lại những bức ảnh chụp thành phố xưa và nay, ta thấy rõ những đổi thay nhưng cũng thấy cả những giá trị được gìn giữ lại. Như nhà thờ Đức Bà, bưu điện trung tâm thành phố, cột cờ Thủ Ngữ, chợ Bình Tây, dòng kênh Bến Nghé… vẫn còn đó cùng nhiều tòa kiến trúc có tuổi đời hàng trăm năm đang được bảo tồn. 

Dù vậy, theo góp ý của các chuyên gia tâm huyết về đô thị, khu vực trung tâm thành phố cần được điều chỉnh, hoàn thiện hơn để tạo thêm những điểm nhấn về kiến trúc, có bản sắc rõ nét hơn. Hiện nhiều hiến kế tâm huyết của chuyên gia đã được lãnh đạo thành phố tiếp thu để xem xét thực hiện.

Khi việc quy hoạch, xây dựng thành phố được thực hiện ngày càng bài bản, hài hòa, dẫu có trải qua hàng trăm năm, cũng sẽ còn mãi đó ký ức thế hệ, truyền cho nhau qua lớp lớp người người. Và hồn đô thị cũng sẽ mãi còn trong dáng hình của thành phố hôm nay và mai sau. 

Lục Diệp
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI