Hồn cốt sông nước, Sài Gòn - TPHCM luôn chuyển động theo ngọn triều dâng!

21/01/2023 - 06:31

PNO - “Mỗi bước phát triển là một chọn lựa phù hợp với thời đại và khôi phục những điều giá trị nhất”. Đó là điều mà tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - không ngừng tha thiết trong cuộc trao đổi với chúng tôi, về những đặc trưng cơ bản của Sài Gòn - TPHCM, nhằm làm sáng tỏ những giá trị cốt lõi cần được bảo tồn của đô thị lớn nhất nước.

Bảo tồn đô thị sông nước theo hướng phát triển tiện ích cộng đồng

* Phóng viên: Thưa tiến sĩ, nghiên cứu của bà bắt đầu từ thời điểm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định làm “cứ điểm” cho công cuộc mở mang bờ cõi của Nhà Nguyễn?

- Bà Nguyễn Thị Hậu: Không, xa hơn. Do chuyên môn khảo cổ học, tôi nhận thấy thành phố (TP) này có chuỗi phát triển ít nhất từ khoảng 2.500 năm đến nay. Bắt đầu từ vùng cửa biển Cần Giờ, nơi mà gần đây đã phát hiện một loạt di chỉ khảo cổ như Giồng Cá Vồ. Theo tôi, xét trong bối cảnh địa lý tự nhiên, nhận thấy ngay đặc điểm đầu tiên của Sài Gòn - TPHCM là đô thị sông nước.

Tiến sĩ Hậu tại tọa đàm bảo tồn di sản Đà Lạt, tháng 12/2018
Tiến sĩ Hậu tại tọa đàm bảo tồn di sản Đà Lạt, tháng 12/2018

Trải từ thời tiền sử, đến văn hóa Óc Eo, cho tới thời kỳ khởi lập đô thị, chính những con sông đã đưa những cộng đồng tộc người đến đây, khởi đi từ biển vào theo sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Sau đó, khu vực trung tâm của đô thị (bến Bạch Đằng) đến Chợ Lớn - trung tâm thương nghiệp rất sầm uất của người Hoa - được nối liền bằng con rạch Bến Nghé và nhiều con kênh khác. Từ Chợ Lớn, có thể về các tỉnh miền Tây qua sông Chợ Đệm, Vàm Cỏ. Rồi từ Sài Gòn cũng có thể đi ngược lên Đồng Nai bằng đường sông để tỏa ra các vùng miền Đông, lên Tây Nguyên giàu sản vật. Có thể thấy, người xưa chọn nơi này tạo lập đô thị là rất đúng đắn với yếu tố giao thông đường thủy thuận tiện. Ngoài xuống miền Tây lẫn qua miền Đông, từ biển khơi có thể ngược miền Trung, ra khu vực Đông Nam Á và đại dương. 

Sài Gòn - TPHCM luôn bị định kiến là thành phố mới, người ta cho rằng cứ mới thì không có đặc trưng. Một thành phố “quyến rũ” đến thế, làm sao mà không có đặc trưng cho được? Đấy là nguyên cớ khiến tôi tập trung nghiên cứu về di sản của thành phố.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Thật ra, có nhiều đô thị sông nước ở nước ta cũng như trên thế giới. Thế nhưng, đa số các TP với đặc điểm “có một dòng sông chảy qua” thường chỉ tạo nên giá trị cảnh quan đô thị. Yếu tố sông nước của Sài Gòn - TPHCM còn là cơ sở tạo nên nhiều đặc trưng khác không đâu có được.

* Cách tốt nhất trong công tác bảo tồn là làm sao để di sản tiếp tục vận hành cùng cuộc sống hiện tại. Theo quan điểm này, dường như đặc trưng đô thị sông nước của TPHCM đang ít được quan tâm, hoặc chưa có chính sách khả thi so với các đặc trưng còn lại?

- Đúng là quan niệm bảo tồn hiện nay không còn là đưa di sản “vào tủ kính”, đặc biệt với công trình “di sản sống”, theo nghĩa nó vẫn đang được sử dụng có lợi cho người dân, mang lại nguồn lợi kinh tế. Đường thủy nói chung, là tuyến giao thông rất phổ biến và gần như duy nhất trước đây. Bây giờ ta có các phương tiện giao thông khác, nhất là đường bộ lấn lướt.

Khá nhiều đô thị trên thế giới cũng cùng cảnh ngộ như TP mình. Những di sản thuộc về cảnh quan thiên nhiên như sông nước đã trở thành ký ức, vì không thực sự đóng góp giá trị cho cuộc sống đương đại. Lý do thứ nhất, các phương tiện giao thông khác, đặc biệt là đường bộ phát triển nhanh, át đi vai trò của đường thủy. Nguyên nhân thứ hai, cần xét ở góc độ thông thương.

Nghiên cứu cho thấy, văn hóa “trên bến dưới thuyền” giúp tái lập hai giá trị giao thông và du lịch của TPHCM - ảnh: trần thế phong
Nghiên cứu cho thấy, văn hóa “trên bến dưới thuyền” giúp tái lập hai giá trị giao thông và du lịch của TPHCM - Ảnh: Trần Thế Phong

Như TPHCM, khi các thương cảng, đặc biệt giang cảng từ Bến Nghé vào Chợ Lớn mất đi vai trò lưu thông hàng hóa vì lấn dần, thì con sông Bến Nghé gần như trở thành con sông chết. Tương tự, nhiều cảnh quan sông nước đi vào ký ức bao thế hệ người Sài Gòn - TPHCM đều chung số phận, như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước khi được khôi phục. Hoặc kênh Hàng Bàng cùng rất nhiều sông, kênh, rạch bị lấp, lấn chiếm, khiến chúng dần mất đi chức năng thông thương.

Gần đây, cũng vì bức xúc từ giao thông trên bộ, chính quyền TP mới “nhớ lại” cảnh quan sông nước. Tại sao có đường sông mà không sử dụng, song song với lợi ích trước mắt là kinh tế du lịch? Nhưng qua nghiên cứu, người ta thấy rằng văn hóa “trên bến dưới thuyền” của TPHCM mới thực sự giúp tái lập 2 giá trị giao thông và du lịch. Tuy nhiên, tái lập cảnh quan hệt ngày xưa thì không thể, vì bây giờ tâm thức con người đã khác, phương tiện đường thủy cũng khác xa. Cần thấy khôi phục văn hóa sông nước nên là khôi phục những giá trị nhiều mặt, tái lập một số cảnh quan trong khoảng thời gian nhất định. 

Yếu tố sông nước làm nên tính chuyển động không ngừng của TPHCM

* Bà có cho rằng một vấn đề khó để tái lập đặc trưng sông nước của TPHCM so với khởi thủy ban đầu, hệ thống kênh rạch chằng chịt của chúng ta đã bị quá trình phát triển đô thị lấn át rất nhiều?

- Một đô thị dày đặc sông rạch như TP thì việc lấn, lấp một cách tự phát là không thể tránh khỏi. Tôi cho rằng muốn phát triển, mình phải lựa chọn. Mỗi bước phát triển chính là một chọn lựa phù hợp với thời đại và khôi phục những gì giá trị nhất. Vấn đề là bảo tồn những tuyến chính. Điển hình là kênh rạch Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè - những công trình vĩ đại sau năm 1975. Cần ghi nhận công lao giải tỏa và xây dựng cảnh quan của các tuyến kênh rạch ấy. Bây giờ vẫn đang tiếp tục giải tỏa và chỉnh trang cảnh quan một số kênh rạch ở khu vực Chợ Lớn.

Cũng cần nói thêm, khi lấp kênh rạch thay bằng cống hộp, chúng ta cũng vì quyền lợi của cộng đồng sống tại đấy để giải quyết vấn đề môi trường. Đây là phương thức kỹ thuật thuận tiện nhất cho chính quyền các đô thị. Thế nhưng, xét yếu tố lâu dài về giá trị văn hóa và truyền thống, thì rõ ràng đã bị đánh mất. 

* Theo bà nên làm ngay những gì để phát huy giá trị sông nước trong phát triển TPHCM hiện nay?

- Trước mắt, sông rạch của mình phải giải tỏa cho sạch, nạo vét, kè bờ, làm sao cho nước thủy triều ngoài biển có thể thông thương ngày 2 lần như ngày xưa. Kế tiếp, tôi cho rằng nếu đồng bộ về mặt kỹ thuật, thì buýt đường sông sẽ là giải pháp giao thông công cộng, giúp giảm tải đáng kể cho giao thông trên bộ của TPHCM. Cần nhất là hợp tác đồng bộ giữa các ngành liên quan khi ứng dụng giá trị truyền thống vào hiện đại. Làm du lịch hay giao thông sông nước, thì hạ tầng cơ sở phải đồng bộ, đầu tiên phải lấy yếu tố phục vụ nhu cầu người dân TP và sự thuận tiện của họ là chính, cùng với đó là phát triển du lịch.

* Có lẽ theo bà, buýt đường sông như một điển hình của bảo tồn và phát huy đặc trưng đô thị sông nước của TPHCM. Thế nhưng hiện nay, việc triển khai mô hình này còn khá lúng túng, hiệu quả thấp…

- Ngày xưa có thể chỉ cần một chiếc bến, có kè bờ hoặc có thêm cầu tàu là xong. Nhưng bây giờ muốn tôi sử dụng buýt đường sông như một phương tiện công cộng, phải có chỗ cho tôi đỗ các phương tiện cá nhân. Dịch vụ trên bến bờ phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ăn uống… Ví dụ: Hiện bến buýt sông khu Bạch Đằng muốn kiếm một chỗ gửi xe cực khó, nhất là những ngày cuối tuần. Rõ ràng sự đồng bộ đang là khâu yếu nhất để ứng dụng các giá trị văn hóa vào thời hiện đại.

Bến Bạch Đằng, quận 1, TPHCM
Bến Bạch Đằng, quận 1, TPHCM

Vấn đề đồng bộ còn liên quan đến quan điểm quản lý của các sở ngành. Hạ tầng du lịch đường sông bị than phiền là muốn cho du khách ghé lên bờ thăm vườn tược, cảnh quan, hay vào một chợ truyền thống… thì không có bến. Đơn vị quản lý giao thông đường thủy phải nghiên cứu phục vụ chứ không thể cứ lấy lý do vì an toàn đường sông nên không thể làm bến. Các đơn vị quản lý cứ có những lợi ích khác nhau như vậy thì rõ ràng không thể phát triển.

Bên cạnh đó, cũng như lý thuyết về đường sắt đô thị (metro), các tuyến buýt sông như vừa nói cũng phải được phát triển theo mô hình cái lưới đan. Tức là đông sang tây, bắc vào nam đều phải có tuyến để tạo ra cung đường và điểm đến, kết nối với hệ thống giao thông công cộng trên bộ. Như thế, giao thông đường thủy công cộng mới thật sự thuận tiện. Và đặc trưng sông nước của Sài Gòn - TPHCM có khả năng đáp ứng điều này.

* Chúng ta có thể gọi đặc trưng đô thị sông nước là hồn cốt của Sài Gòn - TPHCM, thưa tiến sĩ?

- Đấy chính là hồn cốt của đô thị. Nếu như Hà Nội là TP ao hồ, mang tính chất tĩnh, thì Sài Gòn là TP sông nước. Yếu tố sông nước chính là sự chuyển động. TPHCM luôn chuyển động như những con sông. Đấy chính là hồn cốt của Sài Gòn. Có ý kiến cho rằng chuyển động thì TP này sẽ biến mất bản sắc? Thưa không! Dù trải qua quá trình phát triển từ cái gọi là “trên bến dưới thuyền” đến các thương cảng thời thuộc địa cho đến hiện tại, các con sông của TPHCM vẫn đang trôi chảy như từ ngàn xưa.

* Xin cảm ơn bà. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI