Kính gửi chị Hạnh Dung,
Từ lúc yêu nhau tới bây giờ có với nhau 2 mặt con, chồng em lúc nào cũng thừa nhận em “trên kèo” ổng. Đi tiệc gặp bà con, bạn bè, ảnh cũng hãnh diện: “Dễ gì cưới được bả!”, “Vợ tui cao giá lắm nha!”… Em biết chồng mình nói thật lòng.
Gia cảnh em khá nhất trong xã. Em là con gái út, trước em có 2 ông anh học hành đàng hoàng, làm ăn giỏi có tiếng. Ba má cưng em từ nhỏ, cho em đi học và đi chơi, không phải làm gì. Gia đình chồng em khó khăn, đông con, lại ở vùng sâu vùng xa. Lúc đám cưới, theo đoàn rước dâu đưa em về tới nhà chồng, mặt ba em buồn hiu.
Sau đó, vợ chồng em lên Sài Gòn lập nghiệp. Ba má em phụ tiền bạc cho học nghề. Lúc tụi em cần vốn mở tiệm, ba má em cũng phụ giúp.
Về tướng tá, chồng em thấp hơn em một cái đầu. Mỗi lần ai khen con gái trắng trẻo dễ thương, ảnh cười toe toét: “Giống má nó”.
Em làm trong ngành dịch vụ thẩm mỹ, mấy lần chồng em tới đón, mấy chị cùng chỗ làm cứ nói là xe ôm. Em cũng nhiều lần nhắc chồng ăn mặc cho đàng hoàng nhưng chồng em tính tình thoải mái, cứ quần lửng áo thun chạy xe đi đón vợ chứ không chịu “lên đồ”. Riết rồi em mặc kệ.
Em làm việc không có giờ giấc cố định nên hay về trễ. Nhiều khi mấy ngày liền nhà em không nấu cơm, chỉ mua đồ ăn ở ngoài.
Cách đây chừng tháng mấy, nghe con nói có cô Tư cho con ăn cơm chiên ngon lắm, em không để ý nhưng rồi mới đây, bé lại nói má chiên cơm giống kiểu cô Tư cho con ăn. Em tò mò hỏi thử mới hay có cô Tư nào đó hay nấu cơm, nấu đồ ăn cho 3 cha con.
Tưởng đâu cô Tư là bà già nào đó, tới hồi kiếm gặp, em chưng hửng: cô Tư mới ngoài 30, chưa chồng, là cháu bà chủ nhà nơi chồng em thuê mở tiệm đồ điện.
Em bực lắm, cấm chồng con không được ăn uống gì bên nhà đó nữa. Lần đầu tiên em thấy chồng tức tối, gằn giọng, nói em giỏi thì nghỉ ở nhà nấu cơm, còn nếu cứ đi hoài thì đừng có ghen. Thấy mấy đứa nhỏ nghỉ hè lăn lóc, người ta thương con mình mới chăm!
Em cần gì ghen với cô ta, chỉ muốn nhắc chồng em phải “biết đá biết vàng”, yêu thương vợ con. Em phải nói sao cho ảnh hiểu?
Ngọc Nhi (TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Em Ngọc Nhi thân mến,
Vai trò làm chồng, vai trò làm vợ có những đặc điểm riêng, khó có thể nói bên nào cao bên nào thấp, bên nào hơn bên nào thua, chỉ biết rằng nếu sắp xếp thuận thì nhà cửa êm ấm. Có thể là em hơn chồng về nhiều mặt nhưng riêng vị trí làm chồng, vai trò làm cha, chắc em nên nhường nhịn một chút, chứ nếu cái gì cũng hơn: tốt hơn, đẹp hơn, giàu hơn, giỏi hơn, có quyền hơn… thì rốt cuộc hạnh phúc gia đình sẽ là cái “thua” cay đắng nhất.
Em kể xưa nay chồng em vẫn nhường nhịn em; rằng anh ấy biết mình may mắn mới có được cô vợ xinh xắn, gia đình vợ khá giả, giúp đỡ mọi điều… Đổi lại, em cũng nên biết nhún mình một chút. Đừng được nước, đừng tỏ vẻ “kèo trên” dễ làm người ta mặc cảm rồi sinh ra bức xúc vì bị vợ coi thường, bị gia đình vợ xếp ở “kèo dưới”.
Cái mặc cảm này một khi đã thành thì khó gỡ, khó sửa. Không phải vì nhường nhịn một chút mà mình thấp cơ hay thua thiệt. Em đã có nhiều thứ nhưng chưa phải đã đủ đầy, viên mãn.
Chính tình yêu với chồng, sự kết hợp vợ chồng con cái thành một gia đình mới là điều khiến em trở nên hoàn thiện. Anh ấy là mảnh ghép mà em thiếu. Vậy nên gìn giữ gia đình cũng là gìn giữ sự hoàn thiện ấy. So kè hơn thua nhau từng chút chỉ khiến mọi thứ dễ vỡ hơn.
Chồng em có lý khi nói về kỳ nghỉ hè của các con. Em thử bàn với chồng đưa các con về ngoại nghỉ hè một thời gian. Tranh thủ dịp này, vợ chồng em sắp xếp lại công việc, cuộc sống, để những khoảng cách nếu có giữa 2 người được rút ngắn. Cả nhà cũng có thể cùng nhau đi nghỉ hè, về thăm quê… Điều cần nhất là thắt chặt tình yêu, sự gắn kết giữa vợ chồng. Em đang có một ông chồng cưng vợ, tự hào về vợ. Đừng đánh mất anh ấy.
Hạnh Dung
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
NGÂN TRẦN (QUẬN 7, TPHCM): HÃY TIẾN LÙI ĐÚNG VỊ TRÍ
Vợ chồng tôi gặp nhau khi anh là một sinh viên tỉnh lẻ còn tôi là con gái một gia đình giàu có ở Sài Gòn. Mối tình đó vấp phải sự phản đối của ba mẹ tôi nhưng tình yêu đã khiến tôi bất chấp. Những ngày yêu nhau, tôi không sợ điều tiếng, thậm chí sẵn sàng xin xỏ để vào phòng anh ở ký túc xá bất cứ khi nào rảnh rỗi.
Thời điểm đó, anh là “kèo trên”. Nhưng rất lạ, chỉ sau ngày cưới vài tuần, vợ chồng tôi “đổi vai” cho nhau. Lúc nào anh cũng là “kèo dưới”, cúi gằm trước ba mẹ tôi, nhường nhịn tôi mọi thứ.
Cuộc sống khiến tôi cảm thấy chán ngấy còn anh cảm thấy tù túng khi phải ở chung nhà vợ và lùi mãi. Tôi xem thường chồng và gia đình chồng còn anh liên tục ngoại tình. Rồi chúng tôi ly hôn.
Tôi kể điều này vì mong bạn nhìn lại mình và cuộc hôn nhân của mình. Mãi đến ngày ra tòa, chúng tôi chưa từng nói chuyện thẳng thắn với nhau, chưa từng lắng nghe nhau xem thử mình thiếu gì cần gì, chưa từng tìm giải pháp…
Thế nên, theo tôi, nếu muốn sống đời hôn nhân yên ả, bạn hãy tiến lùi đúng vị trí. Không người chồng nào muốn mình bị coi thường. Từ câu chuyện của tôi, hy vọng bạn biết mình cần làm gì.
TRÂM NGUYỄN (QUẬN TÂN BÌNH, TPHCM): VỢ CHỒNG CẦN THỐNG NHẤT VỚI NHAU ĐỂ PHÁT HUY THẾ MẠNH MỖI NGƯỜI
Chồng tôi là công chức, lương anh chỉ đủ để anh chi xài. Chúng tôi đã trầy trật vô cùng khi nuôi 2 đứa con. Thật may mắn là… tự nhiên tôi thất nghiệp. Để có tiền, tôi mạnh dạn vay mượn mỗi người một ít và khởi nghiệp. Đời sống thong thả hơn, chúng tôi mua nhà, ra riêng rồi mua được xe.
Công việc nhiều, tôi muốn anh nghỉ việc để phụ vợ. Anh đồng ý. Mọi thứ bắt đầu từ đó. Tôi thấy chồng mình dở và hầu như không làm được gì.
Qua những “cú sốc” ban đầu, tôi dần xác định rằng có lẽ ông trời bắt vợ chồng tôi hoán đổi vai trò cho nhau. Tôi gánh vai trò làm chủ gia đình còn anh gánh vai trò tổ chức vì anh làm việc nhà rất giỏi, chăm sóc con cái chu đáo và nấu ăn ngon. Anh quản lý tiền bạc rất tốt. Khi bắt đầu ý thức được việc này, tôi mới thôi ý định bỏ chồng.
Tôi tin rằng mỗi người có một sứ mệnh. Quan trọng là vợ chồng cần thống nhất với nhau để phát huy thế mạnh mỗi người.
Bên cạnh đó, phải xem lại cách bạn đối xử với chồng. Bạn trân trọng anh hay hành xử như một kẻ ban ơn, kiểu anh có phước mà không biết hưởng? Rất nhiều người vợ vướng phải lỗi này. Bạn nên một lần rạch ròi với chính mình. Sau đó, bạn sẽ tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn