Hòn Bà: ốc đảo đẹp với con đường bí ẩn giữa biển

25/10/2023 - 06:22

PNO - Bí ẩn vì, không phải cứ đến đây là bạn sẽ thấy con đường dẫn từ đất liền ra biển lộ diện. Để thấy được nó, bạn phải theo dõi lịch nước rút chứ không phụ thuộc vào “nhân phẩm”, như cách nói vui của giới trẻ bây giờ.

 

Đảo Hòn Bà nhìn từ flycam. Ảnh Internet.
Đảo Hòn Bà nhìn từ flycam - Ảnh: Internet

Gọi là Hòn Bà vì trên đảo có miếu Bà. Miếu do ông Hồ Quang Minh - một người dân yêu nước có quê gốc ở miền Trung xây dựng vào năm 1881 - thờ Thủy Long Thần Nữ, hay còn gọi là Mẫu Thoải. Đây là vị thần dân gian Việt Nam chịu trách nhiệm giữ cho mưa thuận gió hòa, phù hộ người dân luôn bình an, gặp nhiều may mắn, thuận lợi khi di chuyển trên các vùng sông nước, biển cả.

Khi Pháp đến đánh chiếm nước ta, nơi đây trở thành nơi hội họp của những người yêu nước chống quân xâm lược Pháp. Biết tin này, Archinard - viên sĩ quan Pháp, người chỉ huy trận địa pháo trên núi Nhỏ - tuyên bố sẽ bắn bể miếu chỉ với 3 phát đạn, tuy nhiên không thành công. Không lâu sau đó, viên sĩ quan này đã bỏ mạng. Sự kiện trên đã khiến binh lính Pháp khiếp sợ không dám “đụng” đến đảo nữa, và đặt tên nó là đảo Archinard để tưởng niệm người đã mất. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn gọi là đảo Hòn Bà.

Theo thời gian cũng như ảnh hưởng của chiến tranh ngôi miếu bị hư hỏng nhiều. Trải qua hơn 200 năm với nhiều lần tu bổ, hiện miếu Bà đã trở nên khang trang và vững chắc hơn, trở thành điểm hành hương nổi tiếng không chỉ thu hút khách địa phương mà còn những khu vực lân cận.

Một góc Hòn Bà. Ảnh Internet.
Một góc Hòn Bà - Ảnh: Internet

Hòn Bà là 1 đảo đá nhỏ tọa lạc gần bờ biển phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Có 2 con đường đi đến đảo, đó là đường Thùy Vân và đường Hạ Long. Nếu theo đường Hạ Long vòng qua chân núi Nhỏ, trước khi thấy Hòn Bà, nhìn sang bên phải bạn sẽ thấy mũi Nghinh Phong và bên trái là tượng Chúa Kitô (hay Chúa Giang Tay).

Từ tượng Chúa Kitô nhìn xuống hay từ mũi Nghinh Phong nhìn sang, trọn cảnh Hòn Bà sẽ được thu vào tầm mắt bạn. Hòn đảo nhỏ với gam màu vàng của tường gạch, gam màu đỏ của ngói, gam màu xanh của cây cối nổi bật giữa bao la biển khơi, bọt tung trắng xóa dưới chân, trông tuyệt đẹp và đầy thơ mộng.

Vào những ngày triều xuống, làn nước biển sẽ tách đôi để lộ con đường đá gồ ghề dẫn từ bờ cát ra đảo. Nếu không canh được lịch nước rút, bạn cũng có thể ra đảo bằng ghe. Tuy nhiên, ít người chọn cách này, đa số chọn đi bộ. Điều này vừa thể hiện lòng thành đối với Bà, đồng thời để trải nghiệm cảm giác thú vị khi đi xuyên biển, tận hưởng bầu không khí trong lành của biển.

Triều rút, bạn sẽ thấy con đường đá dẫn ra đảo lộ rõ. Ảnh Internet.
Triều rút, bạn sẽ thấy con đường đá dẫn ra đảo lộ rõ - Ảnh: Internet
Triều lên, đường dẫn ra đảo đã biến mất, thay vào đó là sóng nước mênh mông. Ảnh Ngọc Lan.
Triều lên, đường dẫn ra đảo đã biến mất, thay vào đó là sóng nước mênh mông - Ảnh: Ngọc Lan

Chưa kể, dọc đường đi bạn sẽ có cơ hội thấy cảnh người dân thu hoạch hàu trên đá, hay tận mắt chứng kiến/ sờ chạm những con vật bé nhỏ như cá, ốc biển, ốc mượn hồn… bị mắc cạn trong những vũng nước nhỏ rất dễ thương.

 Những sinh vật biển dễ thương bạn có thể gặp trên đường đi ra đảo. Ảnh Ngọc Lan.
Những sinh vật biển dễ thương bạn có thể gặp trên đường đi ra đảo - Ảnh: Ngọc Lan

Một vài lưu ý cho bạn nếu chọn ra đảo bằng đường bộ là, nên mang giày thể thao hoặc giày quai hậu có độ bám tốt để tránh bị trợt chân, té ngã khi di chuyển. Bởi đường ra đảo tuy ngắn nhưng nhiều đá sắc nhọn, trơn trượt, đặc biệt hàu bám dày đặc khiến việc đi lại khá khó khăn. Đồng thời, điều quan trọng để có thể đi bộ ra đảo, bạn cần xem lịch triều rút trước khi đi. Tùy theo ngày sẽ có những thời điểm triều lên xuống khác nhau, tuy nhiên nước rút thường sẽ rơi vào 14 - 15 âm lịch hàng tháng.

Khác với những nơi khác, Hòn Bà dù đã trải qua nhiều lần tu bổ nhưng kiến trúc ngôi miếu và cảnh quan nơi đây vẫn giữ được nét tự nhiên và hoang sơ.

Miếu Bà gồm cổng và tòa chánh điện cao khoảng 4m. Trong chánh điện thờ chính là Thủy Long Thần Nữ, ngoài ra còn thờ Ngũ Hành Nương hay Ngũ Đức Thánh Phi (5 vị nữ thánh tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gồm Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi)… Phía dưới có tầng hầm rộng 3m, dài 6m trước đây là nơi diễn ra các họp bí mật của những người yêu nước, hiện được dùng làm nơi ở cho những người trông coi miếu.

Hòn Bà nằm cách bờ hơn 200m, có diện tích khá nhỏ, khoảng chừng 5.500m2, vì vậy, bạn chỉ mất từ 1 đến 1 tiếng rưỡi để ra đảo - tham quan, viếng Bà và rời khỏi đảo. Vì là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nên vào những ngày nước rút đến đây bạn cũng sẽ thấy khá nhiều người đi viếng Bà.

Đặc biệt, hàng năm, vào 4 ngày rằm: tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy và tháng Mười tại miếu Bà sẽ tổ chức các lễ cúng lớn. Do đó, dịp này nếu đến Hòn Bà bạn sẽ thấy dòng người đông đúc với lỉnh kỉnh nhang đèn, lễ vật ra thăm viếng Bà để cầu sức khỏe, may mắn và bình an.

Một đoạn đường dẫn ra đảo Hòn Bà. Ảnh Ngọc Lan.
Một đoạn đường dẫn ra đảo Hòn Bà - Ảnh: Ngọc Lan
Dòng người ra thăm viếng đảo khi triều rút vào buổi sáng sớm. Ảnh Ngọc Lan.
Dòng người ra thăm viếng đảo khi triều rút vào buổi sáng sớm - Ảnh: Ngọc Lan

 

- Lịch nước rút Hòn Bà các ngày còn lại trong tháng 10/2023:

Thứ Tư - 25/10: 15g đến 18g

Thứ Năm - 26/10: 14g30 đến 18g30

Thứ Sáu - 27/10: từ 18g đến 19g

Thứ Bảy - 28/10: từ 6g đến 8g

Chủ nhật - 29/10: từ 5g30 đến 9g30

Thứ Hai - 30/10: từ 6g đến 10g30

Thứ Ba - 31/10: từ 6g15 đến 11g30

- Cách ra đảo Hòn Bà bằng đường bộ: Bạn gửi xe trong bãi gửi xe của tượng Chúa Kitô hoặc các bãi ở khu vực gần dốc Thùy Vân… và men theo đường bờ biển để ra đảo.

Ngọc Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI