Hồn ai, nấy giữ được không?

27/03/2013 - 03:55

PNO - PNO - Trong gia đình tôi, vợ chồng bình đẳng theo cái “hồn ai nấy giữ”, vợ không thèm nhận tiền của chồng và ngược lại cũng không chi cho chồng bất cứ khoản nào.

Vợ tôi luôn tự hào mình cũng biết kiếm tiền, không muốn lệ thuộc chồng về kinh tế và cũng vì sự bình đẳng đó mà đã phát sinh rất nhiều vấn đề. Trong nhà, tiền điện nước, tiền truyền hình cáp, tiền internet… chia đôi. Tiền học phí của con chồng lo; đồng phục và quần áo ở nhà của con vợ lo; con bệnh chi phí chia đôi. Chúng tôi cứ sống như thế đến một hôm…


Hon ai, nay giu duoc khong?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi nhận tin mẹ vợ đau nặng phải làm phẫu thuật. Viện phí của mẹ vợ, tôi tình nguyện thanh toán. Chuyện này khiến vợ tôi cảm động, cho tôi ăn cơm nhà do cô ấy nấu mấy ngày liền, khiến tôi sướng rơn trong bụng, vì vợ tôi nấu rất ngon. Không ngờ, cuối tuần, cô ấy đưa tôi hóa đơn thanh toán với nụ cười chúm chím: “Anh nè, của chồng công vợ. Chúng ta kẻ bỏ công, người bỏ của. Anh ăn cơm em nấu, tuy đắt một chút nhưng toàn là món ngon, lại hợp vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm…”.

Tôi ngớ người ra. Với tôi, tiền chợ không đáng là bao nhưng tôi cảm thấy dường như cuộc sống vợ chồng tôi thực sự đang có vấn đề. Là vợ chồng đâu cần rạch ròi đến thế? Tôi thấy mình và vợ hệt như hai người khách trọ thuê chung một căn nhà, dù đã có con cái làm sợi dây ràng buộc. Tình cảm kiểu này cứ lỏng lẻo thế nào… Tôi quyết định mời vợ đi ăn tối bên ngoài và nói hết những suy nghĩ, cảm nhận của mình. Tôi cần một gia đình đúng nghĩa, là một nơi mà tôi luôn muốn quay về sau những mệt mỏi lo toan của đời thường. Vợ tôi có vẻ suy nghĩ rồi gật đầu đồng ý, nhưng chỉ được một thời gian, cô ấy lại phản ứng vì thấy mình quá thiệt thòi.

Vợ tôi bảo, làm thì cả hai cùng làm, nhưng sao tôi lại được ra ngoài lai rai với bạn bè, được hàng đêm đến những tụ điểm “hát với nhau”, còn cô ấy phải ở nhà chăm con? Tôi giải thích vì anh là đàn ông, mà đàn ông thì có một số quyền tự do để làm theo ý mình một số việc mà phụ nữ không thể bắt chước được, ví dụ như phụ nữ làm sao có thể đi nhậu như đàn ông? Vợ tôi bảo, dĩ nhiên là không nhậu, nhưng anh đi nhậu thì em cũng có quyền ra ngoài uống cà phê với bạn. “Vậy còn con thì sao?” “Để nó ở nhà!”. Lần này tôi lại thấy không ổn. Vợ tôi hầu như không muốn thua chồng trong bất cứ việc gì và cũng không có ý nhún nhường. Nếu trong một gia đình mà cả hai đều sống cho bản thân và luôn đòi hỏi sự bình đẳng ở đối phương thì chắc chắc sự đổ vỡ chỉ là sớm muộn.

Hon ai, nay giu duoc khong?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cuối cùng, tôi quyết định hạn chế tối đa những bữa nhậu, thỉnh thoảng có dịp thì kéo anh em về nhà lai rai vài lon bia, lúc đó vợ tôi sẽ phục vụ. Bù lại, vào cuối tuần vợ chồng tôi sẽ đưa con đi chơi, nghe nhạc, xem phim. Về tiền bạc, tôi đưa lương cho vợ và cô ấy lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng, công khai, mua sắm gì đều có sự thỏa thuận giữa vợ chồng và cả hai đều đặt vị trí của gia đình, con cái trên tất cả… Nhờ vậy mà cuộc sống của chúng tôi ngày một tốt hơn, đến giờ thì tôi có thể tự tin (và cả tự hào) khoe với bạn rằng tôi là người đàn ông hạnh phúc. Quan trọng là biết sống vì nhau.


NGUYỄN CƯỜNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI