|
Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - phát biểu tại buổi giám sát |
Sáng 27/3, Đoàn giám sát Quốc hội do Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tiếp tục kiến nghị chế độ cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM - thông tin, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em thành phố, kể cả cư dân không có hộ khẩu. Đến nay, việc tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu cơ bản theo chương trình mới, đạt 74,1% với tiểu học, 63,2% với THCS, 95,3% với THPT.
Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế như đội ngũ giáo viên ở một số trường chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu, một số giáo viên và học sinh còn lúng túng khi triển khai dạy và học theo chương trình mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học một số trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi triển khai chương trình.
|
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM - kiến nghị chế độ cho giáo viên dạy buổi 2 theo chương trình mới |
Một thực tế là hiện nay, giáo viên dạy buổi 2 theo chương trình cũ thì được nhu nhập tăng thêm, nhưng dạy theo chương trình mới thì không được, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập cũng như tâm lý của giáo viên. Kiến nghị sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, số học sinh ngày càng tăng, nhưng quy mô viên chức giáo dục ngày càng giảm theo yêu cầu, cho nên thành phố luôn trong tình trạng thiếu định biên cho ngành giáo dục.
Một bất cập khác, theo ông Dương Anh Đức, hiện nay tất cả chỉ tiêu, nguồn lực mà Trung ương tính toán để đảm bảo hoạt động vận hành đều căn cứ vào số liệu hộ khẩu thường trú. Trong khi thực tế TPHCM luôn có một lực lượng dân nhập cư, vãng lai rất đông đảo. Khi Bộ Y tế tiến hành điều tra dân số là 9 triệu người, nhưng có những chính sách an sinh thành phố triển khai thì có 11 - 13 triệu người xin hỗ trợ. Do đó, ước lượng số người sinh sống tại thành phố có thể lên đến 13,5 - 15 triệu người. Đối với ngành giáo dục, rất nhiều học sinh ở tỉnh lên TPHCM học, chưa kể dân tạm trú. Cho nên, việc đưa ra chỉ tiêu, quy hoạch cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng cho giáo dục, phải tính toán trên thực tế chứ nếu căn cứ theo hộ khẩu sẽ rất khó khăn.
Băn khoăn một hay nhiều bộ sách giáo khoa?
Ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - đánh giá cao những việc TPHCM đã đạt được như xây dựng nền tảng số, phát triển học liệu điện tử, trường học không tiền mặt, mô hình giáo dục thông minh...
Tuy vậy, ông cho rằng quan trọng nhất là cần đánh giá quá trình triển khai thời gian qua có đạt mục tiêu Nghị quyết 88 (về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông) đề ra hay không. Mục tiêu đó là phải tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực. Nếu đạt thì bằng con số nào khẳng định điều này?
Bên cạnh đó, theo đánh giá của ông Đỗ Văn Chiến, hiện còn nhiều vướng mắc về thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, dư luận nhân dân còn rất băn khoăn nhưng mức độ đề cập trong báo cáo chưa sâu. Việc triển khai nhiều bộ sách giáo khoa dẫn đến khi học sinh chuyển trường gặp nhiều khó khăn. Thống kê tỷ lệ các cơ sở giáo dục chọn sách giáo khoa ở TPHCM cho thấy, năm 2021, các môn như toán, tiếng Việt, tự nhiên xã hội... có 97,3-97,5% trường chọn sách của Nhà xuất bản Giáo dục. Năm 2022, tỷ lệ chọn sách của Nhà xuất bản Giáo dục hầu hết trên 99%.
“Như vậy gần như tuyệt đối chọn Nhà xuất bản Giáo dục. Vậy câu hỏi đặt ra là xây dựng 3-5 bộ sách giáo khoa có cần thiết không? Có ý kiến đề xuất nên chọn một bộ sách giáo khoa thì quan điểm của TPHCM thế nào? Kiến nghị của thành phố chưa đề cập đến những nội dung dư luận nhân dân quan tâm, như nên thực hiện một hay nhiều bộ sách giáo khoa, giá sách giáo khoa đã phù hợp chưa hay còn cao? Chúng tôi cho rằng nếu tham chiếu Luật Giá thì sách giáo khoa không phải đăng ký giá như thời gian qua mà phải hiệp thương giá. Đề nghị báo cáo cập nhật những ý kiến cử tri quan tâm, không nên sợ khuyết điểm, vì khi triển khai chủ trương lớn như vậy thì chắc chắn phát sinh nhiều vấn đề chứ không thể tốt hết được” - ông Đỗ Văn Chiến thẳng thắn.
|
Các đại biểu trao đổi bên lề buổi làm việc |
Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - nhìn nhận, TPHCM luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là về dân số, qua 10 năm thành phố tăng 1,8 triệu dân, bình quân một năm tăng 200.000 dân, trong đó trên 40.000 học sinh. Do đó, thành phố phải tính đến kế hoạch dài hạn để có đội ngũ giáo viên cũng như đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, đảm bảo mục tiêu tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi học sinh. Kiến nghị Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ đề xuất cho thành phố thực hiện cơ chế thí điểm, chủ động quyết định một số chính sách của thành phố.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thành phố cần đánh giá cụ thể hơn về những việc đã làm, đang làm, sẽ làm theo yêu cầu của Nghị quyết 88. Đồng thời, phải nêu được những vấn đề nhân dân quan tâm như nội dung chương trình giáo dục mới, một hay nhiều bộ sách giáo khoa, giá cả sách giáo khoa đã phù hợp chưa... Cần có bức tranh toàn diện hơn về đội ngũ giáo viên, học sinh, cơ sở trang thiết bị, sách giáo khoa, nguồn lực thực hiện chương trình mới...
P.Thanh