Hơn 80 tuyến đường thủy bỏ phí... Sài Gòn đến bao giờ có taxi đường thủy?

09/07/2019 - 10:21

PNO - Khi nào, loại hình taxi, buýt đường sông phát triển với số tuyến nhiều và phủ rộng khắp địa bàn TP.HCM thì lúc đó giao thông đường thủy mới thật sự phát triển

Khoảng 10 năm trước, khi một công ty tư nhân dùng những chiếc tàu nhỏ có tốc độ cao (được gọi là taxi đường sông) để đưa rước nhân viên cho một số công ty từ TP.HCM đi Đồng Nai, nhiều người dân thành phố không khỏi trầm trồ và bày tỏ mong muốn dịch vụ đường thủy này sẽ được mở rộng. Song đến nay, dịch vụ đưa rước bằng tàu thủy nói trên đã không còn và hình thức taxi đường thủy ở TP.HCM vẫn là viễn cảnh xa xôi.

Hơn 80 tuyến đường thủy bỏ phí

UBND TP.HCM cho biết, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp đề nghị cấp phép triển khai loại hình taxi đường thủy, tuy nhiên, hiện vẫn chưa có tiêu chí riêng cho quản lý hoạt động loại hình vận tải này.

Hiện trên địa bàn TP.HCM mới có loại hình buýt đường thủy, với một số tuyến ngắn, đi qua các địa bàn Q.1, Q.Bình Thạnh, Q.2, Q.Thủ Đức. “Phần lớn người đi buýt đường sông với mục đích thưởng ngoạn cảnh quan sông nước. Do đó, các tuyến buýt đường sông này chưa chia sẻ được gánh nặng quá tải của giao thông đường bộ. Khi nào, loại hình taxi, buýt đường sông phát triển với số tuyến nhiều và phủ rộng khắp địa bàn TP.HCM thì lúc đó giao thông đường thủy mới thật sự phát triển”, một vị cựu lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nhìn nhận.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng, hiện nay hệ thống cảng và bến thủy còn quá thiếu nên việc phát triển giao thông đường thủy ở TP.HCM sẽ còn nhiều gian nan.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 92 tuyến giao thông đường thủy nhưng chỉ có 8 tuyến (gần 40km) đạt cấp quy hoạch, trong đó phần lớn các tuyến nằm xa khu vực nội thành. Các tuyến đường thủy nội địa còn lại, theo UBND TP.HCM, không đạt cấp quy hoạch do nhiều yếu tố như bị bồi lắng chưa được nạo vét, tĩnh không cầu thấp, khẩu độ thông thuyền của các công trình chưa đạt cấp kỹ thuật...

Về cảng, bến thủy nội địa, số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố có 385 cảng, bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động. Song, trên thực tế, các bến vật liệu xây dựng chiếm số lượng lớn (hơn 200 bến), chỉ có 81 bến vận chuyển hành khách. UBND TP.HCM nhìn nhận, hệ thống cảng - bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố đa số kết cấu tạm, sử dụng công nghệ thiết bị còn thủ công. “Bên cạnh đó, do dự án quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy đang tạm ngưng nên hoạt động của các bến thủy chỉ mang tính chất tạm thời. Vì thế, các chủ bến, chủ khai thác bến chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng… dẫn đến hiệu quả thấp”. 

Hon 80 tuyen duong thuy bo phi... Sai Gon den bao gio co taxi duong thuy?
Dù có mạng lưới sông, kênh rạch vô cùng thuận lợi nhưng giao thông đường thủy ở TP.HCM lại không phát triển, để “chia lửa” bớt cho sự quá tải của đường bộ - Ảnh: H.N.

“Hạ tầng tạm bợ thì đừng có mơ”

Ông Phan Công Bằng, Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TP.HCM cũng cho rằng, do quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 đang bị dừng lại (theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển giao thông đường thủy gặp nhiều trở ngại. “Hiện nay, việc cấp phép xây dựng bến thủy mang tính tạm thời nên doanh nghiệp rất e ngại. Đó là điều dễ hiểu, vì không ai bỏ ra số tiền lớn đầu tư khi tính pháp lý chưa rõ ràng”, ông Bằng chia sẻ thêm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, có hai vấn đề lớn về giao thông đường thủy thành phố cần phải tập trung giải quyết. Đó là xây dựng hạ tầng về cảng bến và xóa bỏ những cây cầu có tĩnh không thấp gây trở ngại giao thông đường thủy. “Vấn đề về tĩnh không cầu quá thấp đã được nói đi nói lại rất nhiều nhưng chưa được giải quyết triệt để. Do đó, cần phải khảo sát thật đầy đủ những cây cầu gây trở ngại giao thông và đưa ra phương án giải quyết. Tiếp đến phải xây dựng hệ thống cảng, bến bài bản có tính kết nối với đường bộ. Khi có hệ thống hạ tầng đường thủy tốt thì việc đầu tư phát triển các loại hình vận tải đường thủy sẽ thuật lợi”, ông Minh nói thêm.

Ông Minh cho rằng, việc đầu tư hạ tầng giao thông đường thủy có thể triển khai bằng hình thức xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thông qua những chính sách cụ thể, minh bạch. 

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị đang đầu tư các tuyến buýt đường sông ở TP.HCM cũng cho rằng, TP.HCM nên bắt đầu từ việc đầu tư xây dựng hạ tầng đường thủy. “Muốn phát triển đường thủy căn cơ phải có hệ thống cảng, bến hoàn thiện. Trên có bến thì dưới mới có thuyền, mới hoạt động được. Nếu kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thì thành phố phải có chính sách cụ thể, rõ ràng. Ví dụ như giao đất để xây bến thủy thì phải cho doanh nghiệp quyền khai thác kinh doanh ở bến…”, ông Toản bày tỏ. 

Vẫn chờ hướng dẫn về các loại bến thủy

Trước những hạn chế về giao thông đường thủy, nhất là về hệ thống cảng, bến, mới đây UBND TP.HCM đã kiến nghị Cục Đường thủy nội địa nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xây dựng như tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu, kết cấu… đối với từng loại bến thủy nội địa như bến du lịch, hành khách, hàng hóa. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Cục Đường thủy nội địa ban hành các quy định riêng đối với bến thủy nội địa hoạt động thể thao, vui chơi giải trí cũng như các bến hộ gia đình không có mục đích kinh doanh…

TP.HCM có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, hơn 2.950 tuyến với tổng chiều dài 4.368km. Trong đó bao gồm 110 tuyến có chức năng giao thông đường thủy với chiều dài 953km; 849 tuyến có chức năng tiêu thoát nước với chiều dài 1.094km và 1.992 tuyến có chức năng tưới tiêu phục vụ sản suất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

Theo Khu Quản lý giao thông đường thủy TP.HCM, mặc dù mật độ các tuyến giao thông đường thủy cao, tuy nhiên sự phân bố các tuyến không đồng đều, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện vùng ven (như Cần Giờ, Nhà Bè, Q.9, Hóc Môn, Củ Chi). Trong khi đó, khu vực trung tâm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách cao lại ít tuyến đường thủy kết nối.

Lo chống ngập triệt tiêu luôn đường thủy

Ngoài những khó khăn về hạ tầng, bến, cảng, theo Khu Quản lý giao thông đường thủy TP.HCM, việc xây dựng các công trình ngăn triều chống ngập thời gian gần đây cũng gây nhiều trở ngại cho giao thông đường thủy. Đặc biệt là sự tác động của các công trình lớn thuộc dự án giải quyết ngập triều cho địa bàn TP.HCM (với tổng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng).

Hon 80 tuyen duong thuy bo phi... Sai Gon den bao gio co taxi duong thuy?
Việc thực hiện các công trình chống ngập theo cách xây cống ngăn triều sẽ gây nhiều trở ngại cho phát triển giao thông đường thủy - Ảnh: H.N.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia về chống ngập ở TP.HCM cũng cho rằng, lâu nay công tác chống ngập được ưu tiên thực hiện nên tác động của các công trình chống ngập đến môi trường sinh thái cũng như đối với giao thông đường thủy chưa được chú trọng. 

Do đó, để tránh những hậu quả đáng tiếc, thành phố nên có những nghiên cứu, đánh giá thật đầy đủ những tác động tiêu cực của các công trình chống ngập. “Đáng lẽ thành phố nên tận dụng sự thuận lợi của mạng lưới kênh rạch, sông ngòi để chống ngập bền vững chứ không nên quy hoạch phát triển đô thị ồ ạt, lấp bít hết kênh rạch rồi lại áp dụng các công trình chống ngập cưỡng bức như xây cống ngăn triều rồi bơm nước ra sông”, một chuyên gia về chống ngập bày tỏ.

Hoàng Nhiên - Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI