 |
Hình ảnh toà nhà sụp đổ hoàn toàn ở Thái Lan. Hiện có hơn 100 người mắc kẹt trong đống đổ nát - Ảnh: AFP |
Con số thương vong rất lớn
Cho đến sáng 29/3, cơn động đất chết người tấn công Myanmar đã khiến hơn 1.002 người đã thiệt mạng và hơn 2.376 người bị thương. Nhưng con số này có thể sẽ tăng lên khi các đống đổ nát được dọn dẹp và nhiều thi thể được tìm thấy.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính, số người chết trong trận động đất ở Myanamar và Thái Lan có thể vượt quá 10.000.
Cơn động đất 7,7 độ Richter xảy ra vào chiều ngày 28/3, gần Mandalay (Myanmar) và làm rung chuyển nước láng giềng Thái Lan. Trận động đất này là trận động đất lớn nhất tấn công Myanmar trong hơn một thế kỷ.
Min Aung Hlaing - người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar - cho biết, dự kiến số người chết sẽ tăng lên và kêu gọi "bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ tổ chức nào" hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ. Chính quyền quân sự cho biết nhu cầu về máu rất cao ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi mối lo ngại ngày càng tăng về một số nơi đang phải chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo lan rộng.
Tìm kiếm đống đổ nát ở Bangkok
Trận động đất đã gây ra sự sụp đổ của các tòa nhà ở Thái Lan. Ít nhất 10 người đã thiệt mạng ở thủ đô Thái Lan. Các nhà chức trách đang chạy đua để giải cứu hơn 100 người khác được cho là bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của một tòa nhà cao tầng đang được xây dựng.
Tại Bangkok, chính quyền tuyên bố thành phố là khu vực thảm họa, nói rằng họ cần đánh giá và giám sát các khu vực bị hư hại và giúp đỡ những người vẫn có thể gặp nguy hiểm.
Một báo cáo cho biết có khoảng 400 người làm việc tại công trường xây dựng, bao gồm cả công nhân Thái Lan và nước ngoài. Những người bị thương đang được đưa đến các bệnh viện gần đó ở Bangkok.
Phó tổng kiểm toán Sutthipong Boonnithi, người có mặt tại hiện trường, cho biết tòa nhà tọa lạc trên khu đất rộng trên đường Kamphaeng Phet, đang được xây dựng cho Văn phòng Kiểm toán Nhà nước.
Công trình xây dựng trị giá 2,1 tỉ baht (khoảng 62 triệu USD) này được khởi công vào năm 2020 và đã hoàn thành 30%. Công trình đã đạt đến tầng cao nhất.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết, trận động đất này là chưa từng có ở Bangkok trong 100 năm qua và sẽ cần phải theo dõi rộng rãi.
Ông cho biết: “Các cuộc khảo sát sẽ phải được tiến hành tại các bệnh viện, trường học và đền chùa để xem liệu có vết nứt hay các công trình không an toàn có nguy cơ sụp đổ hay không”.
"Bangkok là mối quan tâm vì đất ở đây lầy lội và dễ bị tổn thương. Các cuộc kiểm tra sơ bộ đã phát hiện ra rằng có một số điểm mà các tòa nhà có vết nứt" - ông nói.
Thách thức đối với ứng phó thảm họa
Myanmar, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, đang phải vật lộn với cuộc nội chiến bùng nổ do cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Cơ sở hạ tầng yếu kém khiến nước này không đủ khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên lớn. Các nhóm cứu trợ cho biết tình trạng mất liên lạc và đường sá bị hư hỏng đang khiến việc tiếp cận những người cần giúp đỡ trở nên khó khăn.
 |
Khung cảnh hỗn loạn ở bên ngòai một bệnh viện ở Myanmar - Ảnh: AFP |
Mohamed Riyas, giám đốc khu vực của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, cho biết tác động của trận động đất có thể rất nghiêm trọng và có thể khiến hàng ngàn người phải di dời, khiến họ cần thức ăn, nơi trú ẩn và viện trợ y tế.
“Chúng tôi lo ngại rằng có thể mất nhiều tuần nữa chúng ta mới hiểu được mức độ tàn phá đầy đủ do trận động đất này gây ra, vì các đường dây mạng lưới thông tin liên lạc bị hỏng và giao thông bị gián đoạn”, ông nói thêm. “Thiệt hại về cơ sở hạ tầng và nhà cửa, mất mát về người và thương tích mà các cộng đồng bị ảnh hưởng phải chịu không được đánh giá thấp”.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc, António Guterres, đã gửi lời chia buồn và cho biết các mạng lưới khu vực đang huy động để giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới mô tả trận động đất là "một sự kiện lớn gây ra mối đe dọa rất lớn đến tính mạng và sức khỏe", đồng thời nói thêm: "Chúng tôi đã kích hoạt trung tâm hậu cần của mình để tìm kiếm cụ thể các vật tư phục vụ chấn thương và những thứ như dụng cụ cố định bên ngoài, vì chúng tôi dự đoán sẽ có rất nhiều, rất nhiều chấn thương cần được xử lý".
Marie Manrique, điều phối viên chương trình của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, trong một cuộc họp báo từ Yangon, cho biết: "Cơ sở hạ tầng công cộng đã bị hư hại bao gồm đường sá, cầu cống và các tòa nhà công cộng. Hiện tại, chúng tôi đang lo ngại về các đập lớn mà mọi người đang theo dõi để xem tình trạng tiếp theo. Chúng tôi dự đoán tác động sẽ khá lớn".
Nhiều trận động đất nhỏ, dư chấn tiếp tục xảy ra ở Myanmar, Thái Lan
Bản đồ tương tác trên trang web của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho thấy ít nhất 77 dư chấn đã xảy ra ở Myanmar kể từ trận động đất mạnh 7,7 độ Richter.
Hầu hết các cơn dư chấn - xảy ra trong vài giờ sau trận động đất lớn xảy ra ngay sau buổi trưa giờ địa phương - có cường độ từ 3 đến 5 độ Richter. Trận dư chấn mạnh nhất có cường độ 6,7 độ Richter xảy ra khoảng 10 phút sau trận động đất lớn.
Hai trận động đất - 4,9 độ và 6,7 độ - xảy ra cách Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, nơi chịu thiệt hại đáng kể, khoảng 20 dặm. Những trận động đất khác lan rộng về phía bắc và phía nam từ trận động đất chính, tạo thành một đường thẳng.
 |
Một tòa nhà sụp đổ ở Myanmar - Ảnh: AFP |
Sáng ngày 29/3, Cục Khí tượng Thái Lan báo cáo có thêm 2 trận động đất được phát hiện ở tỉnh Mae Hong Son ở phía bắc.
Trận động đất đầu tiên có cường độ 4,1 độ Richter ở độ sâu 5km, xảy ra tại huyện Pai lúc 23g21 ngày 28/3 và tiếp theo là trận động đất có cường độ 2,0 độ Richter lúc 3g24 sáng nay.
Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại.
Theo một nhà địa chấn học, dư chấn từ trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra ở Myanmar sẽ tiếp tục xảy ra ở Thái Lan trong 1-2 tuần.
Mặc dù các dư chấn dự kiến sẽ yếu hơn so với cơn dư chấn ban đầu, nhưng người dân vẫn được khuyến cáo nên thận trọng, giáo sư, tiến sĩ Pennung Warnitchai, một chuyên gia nổi tiếng về kỹ thuật kết cấu đến từ Viện Công nghệ Châu Á (AIT) và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Động đất Quốc gia Thái Lan cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh đến nhu cầu đánh giá kết cấu của các tòa nhà cao tầng sau trận động đất mạnh.
"Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các công trình này an toàn cho người ở và không bị hư hại. Nếu phát hiện thấy bất kỳ hư hại nào, những công trình đó không được phép sử dụng" - giáo sư, tiến sĩ Pennung nói.
Nhà địa chấn học cho biết trận động đất gần đây bắt nguồn từ Đứt gãy Sagaing ở Myanmar, nằm giữa mảng Ấn Độ và mảng Sunda. Ông nói thêm rằng trận động đất nằm trong tiêu chuẩn an toàn đối với các tòa nhà cao tầng được thiết kế để chịu được hoạt động địa chấn.
"Mặc dù rủi ro vẫn còn, nhưng dữ liệu khoa học cho thấy dư chấn sẽ giảm dần theo thời gian".
Trọng Trí (theo AFP, Guardian, CNN)