Hơn 66% ĐBQH phản đối chuyển quyền cấp giấy phép lái xe sang Bộ công an

17/11/2020 - 12:46

PNO - 321 ĐBQH (chiếm 66,74%) không đồng ý với đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

Sáng 17/11, Quốc hội xin ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 3 vấn đề liên quan đến dự án Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh bức xúc vì việc tách Luật giao thông làm hai luật
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh bức xúc vì việc tách Luật giao thông làm 2 luật và trình ra Quốc hội

Kết quả, trong số 414 ĐBQH tham gia, có 302 ĐB (chiếm 72,95%) không đồng ý việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành để ban hành luật riêng. 

321 ĐBQH (chiếm 66,74%) không đồng ý với đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

Về thời điểm thông qua 2 dự án luật trên, 251 ĐBQH (chiếm 52,18%) đồng tình chuyển cho Quốc hội khóa sau, tại kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khóa XV) xem xét.

Trước đó, như Báo Phụ Nữ đã đưa tin, ngày 16/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm phản đối khi tách 2 dự luật này riêng rẽ ra khỏi Luật giao thông. 

ĐBQH Thái Trường Giang cũng đề nghị tại phiên thảo luận về việc Chủ tọa kỳ họp cần xin ý kiến của ĐBQH xem có tách 2 luật hay không. Nếu không đồng ý thì không tiếp tục thảo luận. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chia sẻ, đây là “kỷ niệm lịch sử” khi dự luật đưa ra gặp phản ứng bức xúc của ĐBQH. ĐB cũng đề nghị cần kiểm điểm lại trách nhiệm khi đưa ra thảo luận 2 dự luật này, làm mất thời gian của Quốc hội.

M.Quang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI