Hơn 50 triệu người Mỹ có nguy cơ thiếu ăn vào cuối năm 2020

27/11/2020 - 13:12

PNO - Đại dịch COVID-19 không ngừng gia tăng đã kéo theo tình trạng mất an ninh lương thực tại Mỹ và nó có thể vượt qua “đỉnh đói” của giai đoạn suy thoái kinh tế 2007-2008.

Tình trạng mất an ninh lương thực dự kiến của từng địa hạt trên toàn nước Mỹ  giai đoạn 2018-2020 theo hiển thị màu càng đậm thì tỷ lệ càng cao  - Ảnh: National Geographic
Tình trạng mất an ninh lương thực dự kiến của từng địa hạt trên toàn nước Mỹ giai đoạn 2018-2020 theo hiển thị màu càng đậm thì tỷ lệ càng cao - Ảnh: National Geographic

Bà Trisha Cunningham - Chủ tịch Ngân hàng Lương thực Bắc Texas (NTFB) - đến khu vực phía nam thành phố Dallas vào một buổi sáng giữa tháng 11. Bà chứng kiến cảnh tượng bốn dòng xe ngoằn ngoèo hàng dặm, kéo dài từ phía các tòa nhà chọc trời ở trung tâm thành phố đến nơi đang diễn ra hội chợ thường niên của tiểu bang. Trong số đó, một số tài xế xe tải đã đến vào đêm trước, ngủ lại trong xe và đợi một phần thức ăn giúp họ vượt qua lễ Tạ ơn.

Số người thiếu ăn tăng gần 50%

Theo dự đoán của tổ chức cứu trợ lương thực lớn nhất Hoa Kỳ Feeding America, cuối năm nay, sẽ có hơn 50 triệu người gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực. Con số này tăng gần 50% so với năm 2019. Một nghiên cứu của Đại học Northwestern (bang Illinois) cho thấy, nhu cầu thực phẩm trên toàn quốc đã tăng gấp đôi. Đối với các gia đình có trẻ em, nhu cần thức ăn tăng gấp ba.

Đại dịch COVID-19 đã khiến tình trạng đói kém thêm trầm trọng. Tháng này, mạng lưới ngân hàng thực phẩm và phòng cung cấp hộp thức ăn của Feeding America đã phân phối khoảng 548 triệu bữa ăn, tăng 52% so với bình quân mỗi tháng trước đại dịch. Từ nay trở đi, với những ngày lễ tết đang đến gần, con số này sẽ tiếp tục tăng lên.

Trước cổng khu hội chợ ở Dallas, các tình nguyện viên vẫy các phương tiện đi qua ghé các gian hàng màu cam để được nhận một hộp nông sản, gói hàng khô, gà tây đông lạnh và ổ bánh mì nặng gần 7kg. Bình thường, vào các dịp lễ cuối năm, NTFB phân phối thực phẩm cho khoảng 500 người nhưng năm nay, tổ chức này đã phân phối cho 8.500 người với hơn 226 tấn lương thực.

Cần nói thêm, trước COVID-19, NTFB chủ yếu phục vụ người lao động cần trợ giúp thức ăn, nhưng hiện nhiều người trong số này cho biết, họ đã mất việc làm. “Theo ước tính, đến thời điểm này, có đến 1/3 số người tìm đến ngân hàng của chúng tôi trước đó chưa bao giờ cần đến sự trợ giúp. Điều chưa từng thấy trước đây” - bà Cunningham nói.

Tình trạng sẽ tồi tệ hơn trên toàn quốc

Tổ chức Feeding America dự đoán tác động của COVID-19 đối với tình trạng mất an ninh lương thực bằng cách dựa vào giả định tỷ lệ thất nghiệp hằng năm 10,5% và tỷ lệ nghèo 14,4%. Nhiều khu vực từng có mức độ mất an ninh lương thực cao trước đây hiện đang ở mức đói kém. 

Trước cuộc khủng hoảng COVID-19, NTFB đã ghi nhận mức độ mất an ninh lương thực thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2007-2008 tại 13 địa hạt mà ngân hàng đang phục vụ. Nhưng đến thời điểm này, số người cần giúp đỡ đã tăng gần 1/3. Để đáp ứng nhu cầu, mỗi tháng, ngân hàng phải điều thêm 90 xe bán tải phân phối thực phẩm. Tình trạng tương tự đang diễn ra ở các thành phố, thị trấn và vùng nông thôn khắp nước Mỹ, đặc biệt là những nơi có sự đa dạng sắc tộc.

Các cộng đồng người da đen, người bản địa và người gốc Tây Ban Nha đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Hình ảnh người dân Texas xếp hàng trước hội chợ ở Dallas gợi lại ký ức thời kỳ đại suy thoái vốn đã tạo ra các mạng lưới liên bang về an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ nhà ở. 

“Cuộc đại suy thoái đã thay đổi thái độ một cách rõ rệt, từ chủ nghĩa cá nhân thô bạo sang các phương thức hợp tác để đối phó với khủng hoảng” - David Kennedy, giáo sư lịch sử của Đại học Stanford, nói. Thế nhưng, gần một thế kỷ sau, hàng chục triệu người Mỹ có thể lại phải đối diện với tình trạng suy thoái khi các kho thực phẩm cạn kiệt. Các ngân hàng lương thực đang chờ chính phủ liên bang thông qua một gói kích cầu cho phép họ tiếp tục “nuôi” người dân.

Trước đại dịch, NTFB đặt chỉ tiêu phân phối 92 triệu bữa ăn vào năm 2025. Nhưng chỉ đến tháng 6/2020, hệ thống đã phân phối vượt chỉ tiêu đó. Dựa trên dự báo về phục hồi kinh tế, bà Cunningham cho rằng, họ chỉ còn giữ được tốc độ phân phối thực phẩm như trên trong hai năm tới. Lần đầu tiên, họ hết thức ăn. 
“Các ngân hàng lương thực được lập ra nhằm lấp đầy các chỗ trũng. Hiện nay, nó lại trở thành một phần quan trọng cho sự sống còn của hàng triệu người Mỹ” - bà Cunningham nói. 

Nam Anh (theo National Geographic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI