Hơn 400/1200 người cho biết từng chứng kiến nạn quấy rối tình dục

26/09/2018 - 18:00

PNO - 38,6% phụ nữ và 40,9% nam giới được khảo sát cho biết họ chứng kiến vấn nạn này trong vòng 12 tháng qua. Có đến 18,5% phụ nữ và 11,2% nam giới thừa nhận mình là “người trong cuộc” của hành vi quấy rối tình dục.

Đó là số liệu thống kê của cuộc “Khảo sát cơ sở dữ liệu đầu vào xây dựng khung giám sát đánh giá phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là quấy rối tình dục (QRTD), bạo lực tình dục (BLTD) năm 2017” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM phối hợp cùng Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) thực hiện.

Khảo sát này nằm trong khuôn khổ đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và thực hiện “Chương trình thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021”.

Khảo sát được thực hiện ở quận 1, 3 và 10 thông qua việc điều tra bảng hỏi, thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu. Kết quả khảo sát trên 1.200 người cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái không thực sự cảm thấy an toàn ở nơi công cộng (chỉ có 46% chị cho biết họ có cảm giác an toàn). Hơn 50% nam giới được khảo sát cũng đồng tình quan điểm này. Người tham gia phỏng vấn tin rằng người thực hiện hành vi QRTD/BLTD thường nhằm vào nhóm phụ nữ từ 15 đến 30 tuổi. 82,3% nạn nhân bị QRTD/BLTD bởi người lạ và 26,7% phụ nữ là nạn nhân của người quen, hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè.

Theo quan niệm của nam giới, những yếu tố được cho là không an toàn với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng đó là sử dụng rượu bia, chất kích thích (61,9%); đèn chiếu sáng yếu và thiếu nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ (54,2%), cuối cùng là thiếu nhân viên bảo vệ và công an (52,8%)…

Hon 400/1200 nguoi cho biet tung chung kien nan quay roi tinh duc
Tiến sĩ Phan Thị Lan Hương - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội - báo cáo kết quả khảo sát.

Từ các kết quả này, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị, để xây dựng một thành phố an toàn, không QRTD/BLTD đối với phụ nữ và trẻ em gái, cần thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi liên quan tới quyền của phụ nữ và trẻ em gái; giúp họ được tận hưởng các không gian công cộng không có QRTD/BLTD.

Đồng thời, thành phố cần có kế hoạch cải tạo, đầu tư vào sự an toàn và phát triển của các không gian công cộng bao gồm cơ sở hạ tầng công cộng để nâng cao mức độ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái; hướng tới chấm dứt QRTD/BLTD phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng. Nâng cao chất lượng các chương trình phòng ngừa và ứng phó với vấn nạn này.

Nhóm nghiên cứu đề xuất cần có sự hoàn thiện và đảm bảo thực thi pháp luật về xử lý QRTD/BLTD đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng.

Hon 400/1200 nguoi cho biet tung chung kien nan quay roi tinh duc
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, chiều 26/9, các báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt của 24 quận huyện đã được tập huấn công tác tuyên truyền cho chương trình Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH TP.HCM - cho biết, mặc dù các số liệu thu thập không mang tính đại diện cho toàn thành phố, nhưng những con số biết nói cho thấy việc phụ nữ, trẻ em bị QRTD/BLTD là một hiện tượng đã và đang tồn tại trong cuộc sống hàng ngày; rằng phụ nữ và trẻ em chưa thật sự an toàn.

Báo cáo kết quả khảo sát nhằm tổng kết các phát hiện chính, có liên quan QRTD/BLTD, nhằm xây dựng dữ liệu cơ sở đầu vào cho chương trình, phục vụ mục đích giám sát và đánh giá các can thiệp trong các giai đoạn tiếp theo của chương trình Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái tại TP.HCM.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI