Hơn 40 em bé có cuộc đời mới nhờ ghép gan

29/04/2025 - 16:12

PNO - Sáng 29/4, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tổ chức kỷ niệm Hành trình 20 năm ghép gan cho trẻ em. Đây là hành trình của sự tái sinh, tình người và tiến bộ y học.

Phép mầu đã đến

Mới hơn 3 tháng tuổi, bé T.Q.H. (2 tuổi) bị phát hiện xơ gan thời kỳ cuối, quá thời gian phẫu thuật, nên chỉ còn cách ghép gan. Nghe bác sĩ tư vấn bệnh của con, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, ở Bình Phước) bàng hoàng, bởi 2 người con đầu khỏe mạnh, đến bé H. lại mắc bệnh nan y.

“Tôi sẵn sàng cho con một phần gan của mình, nhưng chi phí ghép cần 400 triệu đồng. Thường ngày, tôi đi làm thuê nên không có tiền để dành. Mọi người cứ nói con tôi sẽ chết, dù lo cũng như không, ai cũng kêu tôi nên đưa con về. Tôi làm mẹ, sao nhìn con mình chết từ từ được” - chị Nga chia sẻ.

Chị Nga đưa con trai đến buổi lễ để trực tiếp cảm ơn các bác sĩ
Chị Nga đưa con trai đến buổi lễ để trực tiếp cảm ơn các bác sĩ

Nhiều người nói nếu chị tặng cho con một phần gan, cả phần đời còn lại của chị cũng sẽ dặt dẹo, yếu ớt. Tuy nhiên, chị Nga bỏ ngoài tai mọi lời khuyên để tìm đường sống cho con.

Chị cho biết: “May mắn, người quen, bạn bè, chính quyền địa phương biết chuyện đã vận động chi phí phẫu thuật cho bé. Ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ Vân Khánh cũng luôn kêu gọi hỗ trợ, nên khi con được 17 tháng tuổi đã được ghép gan. Đến nay, con đã ổn hơn, không còn đau đớn, mệt mỏi vì bệnh tật”.

Dù sức khỏe còn yếu sau ca phẫu thuật tặng gan cho con, chị Nga vẫn đưa con đến buổi lễ để bày tỏ lòng biết ơn của mình với các bác sĩ đã cho bé “sống lại”.

Mới sinh được 3 ngày, con của chị Lê Thị Tâm (36 tuổi, ở tỉnh Đắk Nông) có dấu hiệu vàng da. Gia đình nghĩ bé bị vàng da sinh lý nên mang đi phơi nắng. Nhưng phơi… 2 tháng, da bé ngày càng vàng thấy rõ, thậm chí mắt cũng vàng. Chị ôm con đi khám, bác sĩ nói bé bị suy gan bẩm sinh, phải ghép gan mới khỏi. Từ đó, chị trông chờ một phép mầu.

Ngày 19/4, phép mầu đã thật sự đến với chị Tâm khi nhân viên Bệnh viện Nhi Đồng 2 điện thoại thông báo gan của người hiến chết não phù hợp với gan con chị. “Sau ca mổ, tôi vừa biết ơn, vừa lo lắng. Biết ơn người hiến, biết ơn bác sĩ đã cho con tôi cuộc sống mới, lo cho con không biết thế nào. Cho đến khi bác sĩ bước ra nói cháu ổn rồi, tôi mừng đến khóc òa lên” - chị Tâm kể.

Nhờ ghép gan, hơn 40 em bé đã thoát khỏi bệnh tật, viết lại cuộc đời mới
Nhờ ghép gan, hơn 40 em bé đã thoát khỏi bệnh tật, có lại cuộc đời mới

Con của chị Nga, chị Tâm là những em bé trong hơn 50 bé được ghép gan suốt 20 năm qua. Trong đó, 45 trẻ vượt qua nghịch cảnh, đang viết tiếp ước mơ của cuộc đời mình.

Hành trình của tình người và tiến bộ y học

Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 Trịnh Hữu Tùng cho biết, từ năm 2005, qua những ca ghép gan đầu tiên đầy thử thách về trang thiết bị, nhân sự, đến nay, đã có hơn 50 ca ghép gan được thực hiện thành công. Những em bé giữa lằn ranh sinh tử đã hồi sinh, quay lại cuộc sống, vui vẻ đến trường. Đây là hành trình của sự tái sinh, tình người và tiến bộ y học.

“Để có được ngày hôm nay, là cả sự hy sinh cao cả của người hiến gan, những người hùng thầm lặng đã mang lại cuộc sống mới cho các bé. Bên cạnh đó là sự tin tưởng của gia đình dành cho các bác sĩ, chuyên gia quốc tế. Đặc biệt là giáo sư Raymond Reding, giáo sư Trần Đông A đã đặt nền móng, đồng hành cùng bệnh viện trong 20 năm qua” - bác sĩ Tùng nói.

Thành công từ ca ghép đầu tiên năm 2005, đến nay Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 53 ca ghép gan cho bệnh nhi, ảnh BVCC
Thành công từ ca ghép đầu tiên năm 2005, đến nay Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện 53 ca ghép gan cho bệnh nhi - Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Vân Khánh - Phó khoa Gan mật tụy và ghép gan, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - trước đây, gần 90% bệnh lý teo đường mật được ghép gan, sau đó được mở rộng ra nhiều bệnh lý khác.

Hiện tại 45/53 trẻ được ghép gan đang sống khỏe mạnh. Trong đó có bé đã trưởng thành, đi học, đi làm như mọi người. Các em là minh chứng cho thấy tỉ lệ sống sau ghép gan cao, chất lượng cuộc sống tốt.

Trước đây, trẻ được ghép gan đều nhận từ người cho sống như cha, mẹ, họ hàng, hay người cao tuổi nhất cho gan là ông nội. Hiện tại, bệnh viện đã thành công ghép gan cho trẻ từ người hiến chết não, mang lại hy vọng sống cho rất nhiều trẻ đang chờ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cách đây hơn 1 tháng, đội ngũ ghép đã lần đầu tiên triển khai thành công ca ghép gan trẻ em lấy từ bệnh nhân chết não. Đây là bước tiến về kỹ thuật ghép gan tại bệnh viện. Mỗi 1 ca ghép gan thành công, chúng ta trả lại cho gia đình, xã hội một tuổi thơ, với niềm vui trọn vẹn.

Các em bé được ghép gan cùng gia đình chụp ảnh kỷ niệm với ê-kíp bác sĩ đã cứu sống mình
Các em bé được ghép gan cùng gia đình chụp ảnh kỷ niệm với ê-kíp bác sĩ đã cứu sống mình

“Tôi xin tri ân gia đình những người hiến tạng, đó là những con người cao cả đã thắp sáng cơ hội sống cho trẻ không may mắc bệnh hiểm nghèo cần phải ghép gan. Xin chúc mừng các cháu bệnh nhi, những minh chứng sống cho thành quả của ngành y tế” - bác sĩ Dũng nói.

Trong đề án phát triển ngành y tế TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, mà TPHCM đang từng bước hiện thực hóa, đã định hướng Bệnh viện Nhi Đồng 1 có trung tâm tim mạch chuyên sâu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 có trung tâm chuyên sâu ghép tạng, và Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố có trung tâm chuyên sâu ung bướu trẻ em.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI