Ở cái thời mà chỉ một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể khiến nhiều cặp đôi dễ dàng nói lời chia tay, những câu chuyện tình già vẫn hạnh phúc bên nhau luôn mang đến nhiều suy ngẫm. Thế nên bức ảnh người vợ mắt kém phải đeo kính để cắt móng chân cho chồng khi được đăng tải trên một hội nhóm đã thu hút sự chú ý rất lớn từ cộng đồng mạng.
Chỉ sau 10 tiếng đăng tải, chia sẻ của anh Vũ Việt Vương– người chụp bức ảnh này – đã nhận được hơn 12.000 lượt like và hơn 1.000 bình luận. Phần đông đều cho rằng tình cảm của cặp vợ chồng già thật đáng ngưỡng mộ và cần phải học tập.
Bức ảnh "tình già" của bố mẹ anh Vũ Việt Vương khiến cộng đồng mạng xúc động.
|
|
Anh Vương là con trai, vô tình về nhà và bắt gặp khoảnh khắc đáng yêu của bố mẹ nên đã chụp lại. Anh viết: “Hôm qua vợ mình hỏi: “Anh đã thấy bố mẹ cãi nhau bao giờ chưa?”. Mình nghĩ mãi không ra, chỉ bảo duy nhất 1 lần thấy bố mẹ giận nhau, không nói chuyện gần tuần, còn chưa bao giờ thấy to tiếng. Cũng dễ hiểu bởi hai mấy năm sống trong nhà này, chưa bao giờ mâm cơm có bố có mẹ mà bố mẹ không mời nhau ăn cơm cả. Mẹ bảo nhiều khi có chuyện tức bố lắm, nhưng ăn cơm vẫn phải mời, đấy là nguyên tắc nhà này. Và mời xong thì nói chuyện lại được với nhau lúc nào không hay”.
Chia sẻ thêm về bố mẹ mình, anh Vương cho biết, bố anh năm nay 59 tuổi, mẹ anh 58 tuổi, kết hôn từ năm 1985. Quê gốc của bố anh là Thái Bình, còn mẹ ở Ninh Bình nhưng gặp nhau trong một trường trung cấp nghề ở Hà Nội. Sau đó, nhờ học giỏi nên bố mẹ được giữ lại trường. Mẹ làm hành chính, bố làm giáo viên dạy nghề. Tình yêu êm đềm từ lúc học cho đến làm công chức thì nên duyên. Trải qua bao nhiêu khó khăn, có thời mẹ anh phải làm kẹo lạc bán, nhưng bố mẹ anh vẫn chung tay xây dựng một gia đình hạnh phúc, nuôi lớn 2 con thành người.
Anh Vương và bố mẹ trong một chuyến đi chơi.
|
|
Theo anh Vương, điều làm nên hạnh phúc của bố mẹ anh là tinh thần coi gia đình là tất cả của mỗi người. Vì gia đình, họ có thể hy sinh sự nghiệp bản thân hay cái tôi cá nhân để nhường nhịn, yêu thương nhau. “Nhớ ngày mình còn học cấp 2, bố được phân công làm giám đốc điều hành một dự án đường cao tốc, nhưng lại phải đi làm xa. Bố đã quyết định từ chối cơ hội này để được gần vợ, nuôi dạy con cái. Bởi với bố, con cái là tương lai, gia đình là báu vật, bố không muốn bỏ lỡ cơ hội được dạy dỗ các con, không muốn tuổi thơ con thiếu bố. Nghe mẹ kể lại, có thời bố đi học tại chức, có những hôm chị gái mình không có ai trông, bố mang luôn đến lớp cho ngồi dưới gầm bàn”,anh Vương kể.
Dù cuộc sống khó khăn, bố anh Vương chưa bao giờ bỏ bê gia đình để chạy theo sự nghiệp. Mẹ anh là mẫu phụ nữ truyền thống thực sự. Bà hiền lành, chịu khó và đảm đang tháo vát, chẳng bao giờ đôi co hay cãi lại chồng, luôn hết lòng vì gia đình, con cái. Trong nhà, ông là người định hướng, lên kế hoạch nhưng luôn dựa trên sở thích, tính cách của từng thành viên. Còn bà là người nghe chồng, hiểu những ý định, phân tích và cái lý của ông để cùng chung tay thực hiện. Ông bà như hai mảnh ghép, ráp vào nhau thành một bức tranh hoàn chỉnh mà không chệch đi dù chỉ nửa phân. Đó là bí quyết duy nhất để có một gia đình hạnh phúc.
Ông bà vẫn cùng nắm tay nhau đi khắp muôn nơi.
|
|
Dù ở ngoài xã hội ông là người có tiếng nói, có chức vụ, nhưng về nhà là quần đùi áo ba lỗ xuống bếp. Ông cũng là đầu bếp chính trong nhà chứ không phải bà. Ngoài ra, ông còn luôn là anh thợ sửa chữa của cả gia đình, tí toáy sửa mọi thứ, từ quạt cây đến sửa toilet ông đều tự làm. Trong nhà quan trọng nhất bữa cơm tối, như cách ông dặn con trai khi đi lấy vợ: “Mình lấy vợ về, bố không dặn dò gì nhiều, cũng chẳng bắt ép điều gì, chỉ bảo cả nhà ai cũng đi làm cả ngày, chỉ có bữa cơm buổi tối là lúc gặp nhau quây quần. Vậy nên các con hãy hạn chế ra ngoài ăn, ở nhà ăn cơm cùng nhau cho đầm ấm và an toàn”.
Cứ như thế, cuộc sống của ông bà đã gần xế chiều mà vẫn luôn gắn bó, tình cảm như những ngày đầu tiên. Tình nghĩa vợ chồng chỉ ngày càng gắn kết chứ không vì thời gian, sóng gió mà mai một đi. “Mỗi cuối tuần ông bà lại về quê ở Thái Bình. Ở quê có trang trại nhỏ, nuôi gà thả cá, mỗi lần về là thấy ông giám đốc cuốc vườn, bà trồng rau hái quả, hạnh phúc vô cùng. Mỗi lần lên lại là 1 cốp xe rau củ quả, gà, cá. Hàng năm ông bà vẫn cùng nhau chu du Tây Bắc, miệt vườn. Ông bà không đi kiểu resort hay các thứ sang chảnh đâu, nghỉ dưỡng chỉ có về quê, có ao cá, có vườn cây. Lúc nào cũng cảm giác có nhau là thấy hạnh phúc lắm rồi. Và hình như về quê làm tâm lý ông bà thoải mái hơn”, anh Vương tâm sự.
Mỗi cuối tuần, ông bà lại cùng về trang trại ở quê, tận hưởng cuộc sống làm vườn bình yên.
|
|
Thời gian này bà phải uống thuốc, bị tác dụng phụ khiến mệt, thường nằm nghỉ. Thuốc phải uống trước bữa ăn nên ông luôn cố gắng về sớm nấu cơm. Hôm nào ông bận việc thì gọi cho con trai, bảo sắp xếp về cơm nước cho mẹ chứ mẹ đang mệt lắm. “Vợ mình thì vừa sinh em bé 1 tháng nên cũng chưa làm được nhiều. Chị gái vướng chăm 2 đứa con nhỏ nên không về được. Và mình được bố phân công thi thoảng thay bố chạy về chăm mẹ. Bố luôn sợ làm mẹ buồn, thậm chí cảm giác là con cái thế nào cũng được nhưng làm mẹ buồn là bố cho ra trò luôn”, anh Vương nói đùa.
Có bố mẹ sống tình cảm qua bao nhiêu năm, với chị em anh Vương luôn là một đặc ân lớn. Ngôi nhà của bố mẹ là nơi bình yên để tìm về mỗi khi mỏi mệt. Con cái được nhìn thấy bố mẹ vẫn yêu thương, chăm sóc nhau mỗi ngày là có động lực hơn để phấn đấu trong cuộc sống riêng. Những lời bố mẹ dạy, cách sống của bố mẹ là kim chỉ nam cho các con tìm được hạnh phúc của chính mình.
Cát Tường