Sau 3 năm kể từ lần ký đơn kiến nghị tập thể đề xuất được sớm hoạt động trở lại sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp kinh doanh phim ảnh trong nước một lần nữa vừa ký đơn kiến nghị tập thể gửi lên Chính phủ. Nội dung đơn lần này xin Quốc hội xem xét về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng.
Đơn kiến nghị có chữ ký của hơn 30 đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực phim ảnh đang hoạt động ở Việt Nam. Trong đó có các doanh nghiệp quen thuộc như: Galaxy, BHD, CJ CGV, Lotte, Mega GS Cinema, Production Q, Chánh Phương Phim, ABC Pictures, CJ HK, 89 S Group, Xưởng phim màu hồng, Live On, Mar6..
Trong đơn, các doanh nghiệp bày tỏ sự lo lắng trước việc Ban soạn thảo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng đề xuất áp dụng mức thuế suất VAT 10% (thay vì 5% như hiện nay) đối với dịch vụ điện ảnh. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội thông qua vào ngày 26/11 tới.
|
Đơn đề xuất xem xét lại việc tăng thuế VAT từ 5% lên 10% của các doanh nghiệp điện ảnh |
Các doanh nghiệp cho rằng, đề xuất tăng thuế VTA từ 5% lên 10% không hợp lý vì 3 lý do. Thứ nhất, lĩnh vực điện ảnh là một phần quan trọng của hoạt động văn hóa dân tộc. Điều này được Đảng và Nhà nước thể hiện qua Quyết định 2156/QD-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu phấn đấu chung của ngành điện ảnh mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong quyết định này. Các doanh nghiệp cho rằng quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh là nhất quán trên tinh thần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Các doanh nghiệp không xin Nhà nước đầu tư về tài chính, cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực mà chỉ xin cơ chế và chính sách đãi ngộ hợp lý, trong đó có thuế giá trị gia tăng.
Lý do thứ hai là đại dịch COVID-19 đã làm cho nền kinh tế nói chung và ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng suy thoái nghiêm trọng. Tốc độ hồi phục của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ về gần với năm 2019, là lúc trước năm đại dịch, và đang gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, bối cảnh kinh doanh của ngành điện ảnh có những thay đổi nhất định do sự thay đổi thói quen của khán giả trong việc hưởng thụ và sử dụng dịch vụ sau COVID-19. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Lý do cuối cùng là những thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thay đổi về nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch, sức mua của người dân giảm đang tạo ra những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp.
|
Hội thảo Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học là nơi bắt nguồn cho ý tưởng đơn kiến nghị - Ảnh: HNIFF |
Với 3 lý do trên, các doanh nghiệp bày tỏ sự đáng tiếc khi nhận được đề xuất của Ban soạn thảo dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) là tăng thuế suất từ 5% lên 10% mà không có bất kỳ lý giải hay lập luận khoa học và thực tiễn nào cho đề xuất này. Các doanh nghiệp mạnh dạn đề nghị thuế suất thuế giá trị gia tăng cho hoạt động điện ảnh là 3% (giảm 2% so với hiện nay).
Một trong những người ký đơn là nhà sản xuất Hoàng Quân (ProductionQ) cho biết: “Ý tưởng gửi đơn kiến nghị xuất phát từ hội thảo "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học" trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2024. Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội - đã nhấn mạnh rằng, việc miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa là cần thiết. Điều này giúp người dân tiếp cận sản phẩm văn hóa dễ dàng hơn, đồng thời khuyến khích sáng tạo nghệ thuật và bảo tồn các giá trị truyền thống. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo phát triển”.
ProductionQ đồng ý ký vào kiến nghị vì nhận thấy tác động rõ ràng của việc tăng thuế VAT từ 5% lên 10%, đặc biệt với các dự án điện ảnh cần nguồn vốn lớn và thời gian phát triển dài như phim lịch sử hay chuyển thể. Chính sách này không chỉ làm tăng gánh nặng tài chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và số lượng các dự án, khiến các nhà làm phim trẻ khó bước vào thị trường và giảm khả năng cạnh tranh của điện ảnh Việt.
Ngoài ra, việc tăng thuế có thể khiến giá vé tăng hoặc giảm số lượng phim được công chiếu, làm hạn chế cơ hội tiếp cận của khán giả với những tác phẩm văn hóa có giá trị. Do đó, ProductionQ mong muốn có sự đối thoại kỹ lưỡng để đưa ra chính sách hợp lý hơn, vừa đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành điện ảnh, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo tiếp tục cống hiến cho văn hóa nước nhà.
H.Nhu