Hơn 30.000 nhân viên Boeing tại Mỹ đình công

13/09/2024 - 18:30

PNO - Hơn 30.000 công nhân lắp ráp máy bay đã nghỉ làm từ nửa đêm 13/9 tại các nhà máy Boeing, sau khi các thành viên công đoàn bỏ phiếu từ chối đề nghị tăng lương 25% trong 4 năm.

Nhân viên Boeing Ritz Amador (40 tuổi) tham gia tuần hành sau khi các thành viên công đoàn quyết định từ chối lời đề nghị hợp đồng và đình công từ ngày 13/9, bên ngoài nhà máy của công ty tại Renton, bang Washington - Ảnh: AP/Lindsey Wasson
Nhân viên Boeing Ritz Amador (40 tuổi) tham gia tuần hành sau khi các thành viên công đoàn quyết định từ chối lời đề nghị hợp đồng và đình công từ ngày 13/9, bên ngoài nhà máy của công ty tại Renton, bang Washington - Ảnh: AP/Lindsey Wasson

Cuộc đình công bắt đầu lúc 0g ngày 13/9 (giờ Mỹ), chưa đầy 3 giờ sau khi chi nhánh địa phương của Hiệp hội Công nhân Máy móc và Hàng không Vũ trụ Quốc tế thông báo rằng 94,6% công nhân bỏ phiếu đã từ chối hợp đồng được đề xuất, và 96% chấp thuận việc ngừng làm việc, con số áp đảo so với nguyên tắc quá 2/3.

Cuộc đình công liên quan đến 33.000 thợ máy của Boeing, hầu hết ở tiểu bang Washington. Cuộc đình công sẽ không ảnh hưởng đến các chuyến bay thương mại nhưng lại là một bước thụt lùi đối với gã khổng lồ hàng không vũ trụ Boeing, vốn đang bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sản xuất và nhiều cuộc điều tra của liên bang trong năm 2024.

Những người thợ máy đình công chủ yếu ở bộ phận lắp ráp máy bay 737 Max, máy bay chở khách bán chạy nhất của Boeing, cùng với máy bay phản lực 777, và máy bay chở hàng 767. Cuộc đình công có lẽ không ảnh hưởng đến tiến trình sản xuất máy bay Boeing 787 Dreamliners, vốn được chế tạo bởi những công nhân thuộc công đoàn ở bang Nam Carolina.

Bên ngoài nhà máy tại thành phố Renton, bang Washington, công nhân giơ cao những tấm biểu ngữ bày tỏ bức xúc về giá cả tăng cao giữa tiếng còi xe inh ỏi

Theo lời đề nghị từ Boeing, những người thợ máy kiếm được trung bình 75.608 USD/năm, không tính tiền làm thêm giờ, và con số này sẽ tăng lên 106.350 USD/năm khi hợp đồng tạm thời 4 năm kết thúc.

Tuy nhiên, thỏa thuận này không đáp ứng được yêu cầu ban đầu của công đoàn về việc tăng lương 40% trong 3 năm. Công đoàn cũng muốn khôi phục lại chế độ lương hưu truyền thống vốn bị cắt bỏ cách đây 1 thập kỷ, nhưng đã đồng ý với đề nghị tăng mức đóng góp của Boeing thêm 4.160 USD cho tài khoản hưu trí của nhân viên.

Boeing cũng đã đáp ứng được một yêu cầu quan trọng của công đoàn bằng cách đồng ý chế tạo máy bay mới tiếp theo tại tiểu bang Washington.

Một số công nhân cho biết họ coi mức lương đề nghị là không đủ và rất khó chịu trước quyết định gần đây của công ty về việc thay đổi tiêu chí trả tiền thưởng hàng năm. Nhân viên John Olson (45 tuổi) tiết lộ, anh chỉ được tăng lương 2% sau 6 năm làm việc tại Boeing.

Boeing đã phản hồi thông báo đình công bằng cách nói rằng họ "sẵn sàng quay lại bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận mới".

Boeing gặp khá nhiều vấn đề trong năm nay, từ một tấm pin bị nổ và để lại một lỗ hổng lớn trên một trong những máy bay chở khách của hãng vào tháng 1, cho đến việc NASA để 2 phi hành gia ở lại trong không gian thay vì đưa họ về nhà trên một tàu vũ trụ Boeing không đảm bảo an toàn.

Nếu cuộc đình công còn kéo dài, công ty sẽ mất đi khoản tiền mặt rất cần thiết mà họ nhận được từ việc giao máy bay mới cho các hãng hàng không. Đó sẽ là một thách thức đối với CEO mới của Boeing Kelly Ortberg, người vừa được giao nhiệm vụ vực dậy một công ty đã thua lỗ hơn 25 tỷ USD trong 6 năm qua và tụt hậu so với đối thủ Airbus của châu Âu.

Nhân viên Boeing Dianna Vu (20 tuổi), thợ máy bậc 6, cầm biểu ngữ biểu tình cùng các đồng nghiệp bên ngoài nhà máy của công ty Boeing tại thành phố Renton, Washington - Ảnh: AP/Lindsey Wasson
Nhân viên Boeing Dianna Vu (20 tuổi), thợ máy bậc 6, cầm biểu ngữ biểu tình cùng các đồng nghiệp bên ngoài nhà máy của Công ty Boeing tại thành phố Renton, Washington - Ảnh: AP/Lindsey Wasson

Tấn Vĩ (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI