Hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng bãi rác lớn nhất Quảng Ngãi: Hết năm 2022 mới di dời xong

15/12/2020 - 16:13

PNO - Theo thống kê, hiện có 769 người dân nằm trong bán kính 1.000m quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ; tuy nhiên tỉnh Quảng Ngãi cho rằng chưa cân đối được kinh phí để xử lý ô nhiễm cũng như di dời người dân đến các khu tái định cư.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ (trước đây là bãi chôn lấp chất thải Nghĩa Kỳ, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) có một số ô chôn lấp chất thải hoạt động từ năm 1990, thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để; tuy nhiên đến nay tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa cân đối được nguồn kinh phí để xử lý.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ

Theo số liệu đánh giá môi trường nước ngầm thời gian qua của UBND huyện Tư Nghĩa và Sở TN-MT Quảng Ngãi, phần lớn mẫu nước ngầm tại khu vực này bị nhiễm vi sinh và nồng độ pH vượt quy chuẩn.

Đồng thời, xung quanh khu vực này, tại một số thời điểm cũng bị ảnh hưởng bởi mùi hôi phát sinh từ hoạt động của khu xử lý rác, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ là 28ha. Trong đó, đang triển khai xây dựng hố chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh có diện tích 2,8ha và nhà máy xử lý rác sinh hoạt Nghĩa Kỳ hiện đang tiếp nhận xử lý rác thải của TP.  Quảng Ngãi và các vùng phụ cận.

Theo quy định về khoảng cách an toàn về môi trường của Bộ Xây dựng, hiện có 769 người dân (208 hộ) đang sinh sống trong phạm vi khoảng cách 1.000m tính từ ranh giới Khu liên hợp cần phải di dời.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay chưa thể tổ chức di dời ngay tất cả người dân trong khu vực, mà dự kiến phải thực hiện trong khoảng 2 năm (từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2022). Nguyên nhân do kinh phí để thực hiện việc di dời cùng một lúc khá lớn và cần phải có thời gian để xây dựng hoàn thiện các khu tái định cư.

Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho rằng: Trong thời gian này, cần ban hành chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân trong phạm vi ảnh hưởng để ổn định đời sống cho đến khi được di dời, tái định cư theo kế hoạch. Đây cũng là nguyện vọng của người dân trong các cuộc tiếp xúc, đối thoại với chính quyền địa phương và UBND tỉnh.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký báo cáo đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân đang bị ảnh hưởng tại dự án này gửi lên HĐND cùng cấp nhằm xem xét để ra nghị quyết vào kỳ họp chuyên đề đầu năm 2021.

Nghị quyết này quy định mức hỗ trợ tiền nước sinh hoạt, tiền chăm sóc sức khỏe, chi phí học tập cho học sinh các cấp và tiền xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân đang sinh sống trong phạm vi khoảng cách 1.000m tính từ ranh giới Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ.

Theo đó, dự kiến hỗ trợ tiền nước sinh hoạt cho mỗi người là 180 ngàn đồng/năm; hỗ trợ tiền chăm sóc sức khỏe cho mỗi người là 800 ngàn đồng/năm; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh từ mầm non đến cấp phổ thông trung học là 480 ngàn đồng/người/năm; hỗ trợ tiền xử lý rác thải sinh hoạt 240 ngàn/người/năm. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 878 triệu đồng.

Người dân xung quanh khu xử lý chất thải Nghĩa Kỳ rất bức xúc vì ô nhiễm kéo dài
Người dân xung quanh khu xử lý chất thải Nghĩa Kỳ rất bức xúc vì ô nhiễm kéo dài

Tỉnh Quảng Ngãi xảy ra khủng hoảng về xử lý rác thải từ cuối năm 2018 đến nay vẫn chưa dứt điểm. Chính quyền tỉnh này thừa nhận việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là cấp thiết, ngoài vị trí Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ thì hiện nay không còn vị trí nào khác để xử lý rác thải cho TP. Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa và Nghĩa Hành.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI