Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa có báo cáo gửi Ban Dân vận Thành ủy TPHCM về công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm từ năm 2000 đến nay.
Có người hiến gần một căn nhà phố cho công trình công
Theo đó, thời điểm trước năm 2000, TPHCM còn tồn tại nhiều con đường, hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy chữa cháy.
Với tốc độ phát triển kinh tế cao, đời sống người dân được nâng lên dẫn đến nhu cầu nhà ở và sự cần thiết phải cải thiện tình trạng giao thông, phòng cháy chữa cháy... đã trở thành vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết.
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm và phát động rộng rãi. Trong đó có thực hiện chủ trương xã hội hóa giao thông.
|
Ảnh minh họa từ internet |
Số liệu thống kê từ năm 2000 đến năm 2021 cho thấy, toàn thành phố đã có trên 168.000 hộ dân hiến 5,3 triệu m2 đất, tương ứng số tiền trên 10.000 tỷ đồng phục vụ cho 5.230 công trình.
Bao gồm 3.874 công trình mở rộng hẻm (tương ứng khoảng 6.622 tỷ đồng), 1.237 công trình mở rộng đường (khoảng 3.379 tỷ đồng) và 119 công trình khác (48 tỷ đồng). Ngoài ra, người dân còn đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền trên 458 tỷ đồng.
Các hành động tiêu biểu như tại quận Phú Nhuận, khi triển khai thực hiện dự án mở rộng đường Cô Giang, có hộ dân đã hiến gần 40m2 đất (tương đương diện tích một căn nhà tầm trung) để quận mở rộng đường, hẻm.
Quận cũng có cách làm nổi bật tại dự án mở rộng hẻm 162 Phan Đăng Lưu. Con hẻm này có chiều rộng trung bình khoảng 2m, riêng đoạn cuối hẻm chỉ rộng có 1m, ngoằn ngoèo “hình chữ U” thông qua hẻm 440 Nguyễn Kiệm.
Do đó, chính quyền quận đã đưa ra giải pháp hoán đổi từ đất ở của 4 hộ dân trở thành đường giao thông để kết nối từ cuối hẻm 162 Phan Đăng Lưu thông ra hẻm 440 Nguyễn Kiệm với quy mô bề ngang 5m.
Đồng thời sắp xếp, quận cũng cân đối phân bổ lại diện tích giữa đất giao thông và đất ở để bố trí cho 4 hộ dân bị ảnh hưởng được xây dựng lại nhà ở. Mô hình này của quận đã được UBND thành phố quan tâm, đánh giá cao.
Tại huyện Bình Chánh, đây là địa phương có diện tích người dân hiến đất nhiều nhất, với gần 1,9 triệu m2, tương ứng với số tiền khoảng 2.189 tỷ đồng phục vụ cho 1.115 công trình mở đường, hẻm.
Song song đó, huyện đã tích cực thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hỗ trợ người dân tham gia hiến đất, đúc kết thành phương châm vận động “Công khai - Dân chủ - Công bằng - Khéo léo - Kiên trì”, cùng quy trình vận động 8 bước được người dân đồng thuận cao, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân tiêu biểu tích cực hiến đất.
Chưa có quy định cụ thể về hiến đất mở rộng hẻm!?
Tuy các thành quả đạt được rất đáng ghi nhận, thế nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho hay, tính đến thời điểm hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm.
Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Thông báo số 270/TB-VP ngày 4/5/2018 về cơ sở pháp lý, phạm vi áp dụng, trình tự, thủ tục thu hồi đất; trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các hình thức vận động người dân thực hiện dự án theo chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm” trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm khiến quá trình thực hiện của địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổng hợp những nội dung có liên quan đến công tác này để kiến nghị các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành trong thời gian tới.
Tại một số quận huyện, do kinh phí đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, chưa đủ khả năng hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại nhiều, nhất là các hộ bị giải tỏa toàn phần, nên một số căn nhà buộc phải tạm thời để lại chưa thể thực hiện được ngay.
Nhiều trường hợp nhà đầu hẻm, tiếp giáp mặt tiền đường lớn, không được hưởng lợi từ việc mở rộng hẻm, việc xẻ dọc, xẻ ngang căn nhà dẫn đến phá vỡ toàn bộ kết cấu công trình, làm giảm giá trị phần nhà đất còn lại, không đủ điều kiện để xây dựng tầng cao như quy hoạch, không đủ diện tích đất ở so với trước đây nên việc vận động đối với các hộ này rất khó khăn.
Một số nhà dân có diện tích nhỏ, số nhân khẩu đông, nếu mở rộng hẻm sẽ bị giải tỏa trắng, hoặc chỉ còn lại diện tích rất nhỏ. Có nhiều hộ là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, thu nhập hằng tháng rất thấp, hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện để hiến đất mở rộng hẻm, dẫn dến thời gian vận động các hộ này bàn giao mặt bằng để thi công kéo dài.
Từ thực tiễn công tác hiến đất mở hẻm suốt hơn 20 năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hiến đất mở hẻm trong thời gian sắp tới.
Theo sở, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương cần linh hoạt, tăng cường kiên trì vận động, kết hợp với việc thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm giúp cho người dân thông suốt về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả thực tiễn của chương trình, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, liên tục duy trì và phát triển trong thời gian dài.
Cần công khai, minh bạch chi tiết các dự án mở rộng hẻm để người dân góp ý, giám sát, luôn đặt lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân lên trước, đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Đối với trường hợp hộ dân có nhà đất diện tích nhỏ (dưới 36m2), đông nhân khẩu (trên 6 người), khi triển khai thực hiện dự án mở rộng hẻm, cần lấy ý kiến của người dân, và phải có chính sách hỗ trợ, xem xét, giải quvết cho người dân được mua nhà ở, đất ở tái định cư hoặc nhà ở xã hội để tăng cường sự đồng thuận và bù đắp phần nào thiệt hại cho người dân.
Lãnh đạo các địa phương cần có chủ trương và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải có giải pháp hỗ trợ tích cực cho người dân được xây dựng, sửa chữa lại nhà, di dời đồng hồ điện, đồng hồ nước, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết kịp thời các thủ tục pháp lý về nhà đất cho người dân.
Cụ thể như cập nhật giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất sau khi hiến đất; cấp giấy phép xây dựng; hỗ trợ các chế độ an sinh xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân... giúp cho các hộ dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Quốc Ngọc