Hơn 2 triệu người Anh có triệu chứng kéo dài do COVID-19 suốt hơn 3 tháng

24/06/2021 - 19:34

PNO - Dữ liệu của chính phủ cho thấy, hơn 2 triệu người ở Anh trải qua các triệu chứng do COVID-19 kéo dài hơn 12 tuần, gấp đôi so với ước tính trước đây.

Nghiên cứu trên hơn 500.000 người cho thấy, các bệnh nhân COVID-19 thể hiện triệu chứng kéo dài có xu hướng chia thành hai loại: nhóm những người duy trì triệu chứng về hô hấp, vốn thường bị bệnh nặng hơn khi mới nhiễm, và nhóm có các triệu chứng liên quan đến mệt mỏi.

Nghiên cứu React-2 là một nghiên cứu giám sát dân số do chính phủ tài trợ, sử dụng xét nghiệm kháng thể chích ngón tay từ những người trưởng thành được chọn ngẫu nhiên ở Anh để đánh giá mức độ lây lan của COVID-19 trong cộng đồng.

Nghiên cứu chỉ ra, 37,7% bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng, vẫn duy trì ít nhất một triệu chứng từ 12 tuần trở lên - tương đương với 2 triệu người, bao gồm 14,8% trải qua từ ba triệu chứng dai dẳng trở lên.

Giáo sư Kevin McConway  giáo sư danh dự về thống kê ứng dụng tại Đại học Mở ở Buckinghamshire – nhận định: “Quy mô của vấn đề rất đáng báo động. Dữ liệu không cho biết rõ những triệu chứng đó nghiêm trọng như thế nào, hay ảnh hưởng của chúng đối với cuộc sống của bệnh nhân ra sao. Một số có thể không nghiêm trọng lắm, nhưng một số chắc chắn cần quan tâm”.

Tỷ lệ mắc triệu chứng kéo dài do COVID-19 tăng lên theo độ tuổi, và những người càng bệnh nặng khi nhiễm càng có nguy cơ chịu ảnh hưởng lâu dài do COVID-19
Tỷ lệ mắc triệu chứng kéo dài do COVID-19 tăng lên theo độ tuổi, và những người càng bệnh nặng khi nhiễm càng có nguy cơ chịu ảnh hưởng lâu dài do COVID-19

Vào tháng 5/2021, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) ước tính 1 triệu người ở Anh trải qua các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Con số khác biệt dường như là vì React-2 không yêu cầu mọi người tự đánh giá xem họ có nhiễm COVID-19 kéo dài hay không, mà chỉ hỏi về các triệu chứng đang diễn ra.

Helen Ward - giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Hoàng gia London, người đồng dẫn đầu cuộc nghiên cứu – giải thích: “Nhiều người không nghĩ họ vẫn duy trì triệu chứng sau khi khỏi bệnh, và rằng sự mệt mỏi hay nhạt miệng chỉ là vấn đề tạm thời”.

Ngoài ra theo nghiên cứu React-2, tỷ lệ mắc các triệu chứng dai dẳng tăng lên theo độ tuổi, với 3,5% cho mỗi thập kỷ của cuộc đời.

Phụ nữ có nguy cơ gặp phải các triệu chứng kéo dài cao hơn 1,5 lần so với nam giới. Những người thừa cân, hút thuốc, sống ở những khu vực thiếu thốn hoặc từng nhập viện vì bệnh nặng cũng có nguy cơ cao hơn. Mặt khác, các triệu chứng dai dẳng ít phổ biến hơn ở các nhóm dân tộc châu Á.

Báo cáo cũng gợi ý, một số triệu chứng thường gắn liền với nhau. Giáo sư Paul Elliott - chủ nhiệm bộ môn dịch tễ học và y tế công cộng tại Đại học Hoàng gia London – tiết lộ: “Khoảng 1/3 số bệnh nhân nghiêng về các triệu chứng sinh lý như khó thở, tức ngực, đau ngực, và những người còn lại thể hiện sự mệt mỏi do hội chứng hậu nhiễm virus.

Nhìn chung, những người bệnh nặng hơn lúc đầu có nhiều khả năng nằm trong nhóm triệu chứng hô hấp hơn so với nhóm mệt mỏi hậu nhiễm trùng”

Ngọc Hạ (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI