Hơn 2.000 người có thể đã bị vùi lấp trong vụ lở đất ở Papua New Guinea

27/05/2024 - 17:31

PNO - Ngày 27/5, chính phủ Papua New Guinea (PNG) cho biết, hơn 2.000 người có thể bị chôn sống do trận lở đất vào tuần trước ở quốc gia này.

Địa hình hiểm trở và việc viện trợ khó khăn đã làm tăng nguy cơ có rất ít người sống sót được tìm thấy.

Người dân địa phương tập trung sau trận lở đất ở Papua New Guinea hôm 24/5. Người ta nhìn thấy người ta đào bới bằng gậy và tay không để tìm người sống sót. ẢNH: REUTERS
Người dân địa phương tập trung đào bới tìm người sống sót sau trận lở đất hôm 24/5

Ngày 27/5, trong một lá thư gửi Liên hiệp quốc (LHQ), Trung tâm Thảm họa quốc gia PNG cho biết, số người có thể bị chôn vùi đã lên tới 2.000 người. Trước đó, ngày 26/5, cơ quan của LHQ cho biết số người thiệt mạng là hơn 670 người.

PNG cho biết, do địa điểm ở xa và việc ước tính dân số chính xác gặp khó khăn nên con số có sự chênh lệch lớn.

Vụ lở đất xảy ra tại làng Yambali, phía bắc đất nước, vào khoảng 3g sáng (giờ địa phương) ngày 24/5, trong khi hầu hết người dân đang ngủ. Hơn 150 ngôi nhà bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ cho biết họ nghe thấy tiếng la hét từ dưới lòng đất.

“18 người trong gia đình tôi đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát nơi tôi đang đứng, và còn rất nhiều người trong làng mà tôi không thể đếm được. Tôi không làm gì được, đành bất lực đứng đây" - một người dân nói.

Hơn 72 giờ sau vụ lở đất, người dân vẫn đang dùng xẻng, gậy và tay trần để đào bới các mảnh vỡ và tiếp cận những người sống sót.

Việc di chuyển thiết bị hạng nặng và viện trợ đến nơi gặp nạn rất chậm, do vị trí xa xôi, trong khi chiến tranh giữa các bộ tộc gần đó buộc các nhân viên cứu trợ phải đi trên các đoàn xe do binh lính hộ tống. Nguồn điện tại đây bị hạn chế, do đó, việc liên lạc với các vùng khác để nhờ cứu trợ cũng gặp khó khăn.

Ông Matthew Hewitt Tapus, một mục sư ở Port Moresby, cho biết nhiều người thậm chí không chắc người thân của họ ở đâu khi xảy ra trận lở đất.

Văn phòng Thủ tướng PNG James Marape cho biết, cơ quan khẩn cấp PNG đang xử lý thảm họa.

Theo ông Serhan Aktoprak, người đứng đầu phái đoàn của cơ quan di cư LHQ tại PNG, ngay cả khi các đội cứu hộ có thể đến hiện trường thì họ cũng bị cản trở bởi mưa, đường xá và nước chảy xiết, trong khi người dân và đội cứu hộ phải dọn dẹp các mảnh vỡ vô cùng nguy hiểm. Ông cho biết, hơn 250 ngôi nhà đã bị bỏ hoang khi các quan chức khuyến khích người dân sơ tán. Hơn 1.250 người đã phải di dời.

Thảo Nguyễn (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI