Hơn 16.300 cuộc đời bước ra từ ống nghiệm

27/04/2023 - 12:06

PNO - Sáng 27/4, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày những em bé chào đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm.

Con cám ơn mẹ, cô chú bác sĩ đã cho con cuộc sống

“Em bé ống nghiệm” đầu tiên tại Việt Nam Lưu Tuyết Trân (25 tuổi, ở Tiền Giang) nở nụ cười hạnh phúc và không ngớt lời: "Con cám ơn mẹ, cô chú bác sĩ đã cho con cuộc sống". Với Trân, ngày những em bé chào đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm như một ngày hội.

Trân cho biết: “Lần đầu em biết mình được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là khoảng năm lớp 6, 7, lúc mẹ trả lời phỏng vấn trên báo. Em khá bất ngờ và ngạc nhiên, cảm giác bản thân thật đặc biệt và may mắn”.

Em Tuyết Trân và mẹ xem lại album gia đình
Tuyết Trân và mẹ xem lại album gia đình

Trân nói rằng, chắc hẳn ba mẹ, cô chú bác sĩ đã trải qua rất nhiều khó khăn, vì vậy, em phải cố gắng sống thật tốt, khỏe mạnh để mẹ yên tâm và không phụ lòng các y bác sĩ đã bên cạnh mẹ.

Bà Trần Thị Bạch Tuyết (58 tuổi, mẹ của Trân) tỏ ra xúc động khi nghe con nói. Bà cho biết, lấy chồng 6 năm mà vẫn chưa có con, bà đi khám hiếm muộn, được chẩn đoán bị tắc vòi trứng và thực hiện tái thông vòi trứng nhưng con vẫn chưa "về". 

“Nhờ người quen giới thiệu, vợ chồng tôi đến Bệnh viện Từ Dũ xin làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi được biết đã thành công, hai vợ chồng mừng không nói nên lời, rồi hồi hộp chờ con chào đời” - bà Tuyết nhớ lại.

Em Trân chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình em Mai Quốc Bảo (cùng là các em bé được sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam)
Tuyết Trân (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình em Mai Quốc Bảo (bìa phải), cũng là "em bé ống nghiệm" đầu tiên tại Việt Nam

Sinh con được 1 năm, chồng bà qua đời vì bệnh tật. May mắn là con gái luôn bên cạnh và thân thiết với mẹ. "Mấy tháng trước Trân cũng đã có việc làm. Con gái tôi thật sự đã trưởng thành” - bà Tuyết hạnh phúc chia sẻ.

Sáng 27/4, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (sống tại Nha Trang) và hai con trai có mặt tại Bệnh viện Từ Dũ từ rất sớm để nói lời cám ơn các y bác sĩ. Chị cho biết, bé Dương Gia Khang và Dương Gia Hưng (sinh năm 2016) không chỉ được thụ tinh trong ống nghiệm mà còn là 2 bé trai đầu tiên được mang thai hộ thành công.

Chị Hiền bị nhi hóa tử cung bẩm sinh nên khó có con và không thể mang thai. Với khao khát được làm mẹ cháy bỏng, khi vừa biết tin Việt Nam cho phép mang thai hộ (năm 2015), chị tức tốc đến Bệnh viện Từ Dũ nhờ bác sĩ giúp đỡ. May mắn, chỉ ngay trong lần thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi sang cho em gái chị, các bác sĩ đã thành công.

“Lúc đó mọi thứ như vỡ òa, tôi có con. Thậm chí còn là 2 em bé. Trong thời gian các bé “mượn bụng dì”, tôi cứ thấp thỏm chờ đợi. Đến khi các bé được sinh ra tôi mới an tâm và hạnh phúc vô cùng” - chị Hiền nói.

Chị Hiền cùng hai con trai kháu khỉnh, năng động, thích pha trò của mình
Chị Hiền và các con

Hơn 13.600 "em bé trong ống nghiệm" chào đời

Có mặt tại buổi lễ, giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM - cứ nhìn các em bé rồi mỉm cười, đôi mắt bà ánh lên niềm hạnh phúc khó tả. Bà chính là người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành thụ tinh trong ống nghiệm trong nước, giúp hàng chục ngàn phụ nữ được làm mẹ.

“Hơn 20 năm trước, người ta nói tôi bị khùng vì thời điểm đó dân số Việt Nam và thế giới tăng nhanh, tôi không kế hoạch lại đi... tạo con. Nhưng là phụ nữ, tôi hiểu rằng, khó hoặc không có con đã rất buồn, giai đoạn đó lại có nhiều quan niệm khắt khe với người phụ nữ, đặc biệt đau khổ là câu “gái độc không con”. Vì vậy, dù khó khăn như thế nào, tôi cũng quyết tâm phải thành công” - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói.

Bác sĩ Phượng cùng một gia đình có hai anh em ống nghiệm
Bác sĩ Phượng chụp ảnh kỷ niệm với gia đình có "hai anh em ống nghiệm"

Bà còn nhớ như in ngày “em bé ống nghiệm” đầu tiên chào đời an toàn. Bà vui mừng khôn xiết, hình ảnh ông Lưu Tấn Lực (cha của em Lưu Tuyết Trân) hạnh phúc chắp tay cám ơn khiến bà rơi nước mắt.

“Chỉ khi nhìn các gia đình vui sướng, nhìn các ông bố, bà mẹ tràn ngập hạnh phúc, chúng ta mới cảm nhận rõ ràng ý nghĩa của phương pháp này. Nhìn các con, các cháu khỏe mạnh, khôn lớn, không còn niềm vui nào hơn” - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng từ tốn.

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp hàng ngàn gia đình tìm được con của mình
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp hàng ngàn gia đình tìm được con

Bác sĩ Trần Ngọc Hải - Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ TPHCM - cho biết, từ khi thành lập khoa Hiếm muộn đến nay, bệnh viện đã chào đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Số lượt khám hiếm muộn mỗi năm dao động trong khoảng 55.000 - 60.000 lượt. Trong 10 năm gần đây, có hơn 22.000 ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI. Cũng trong 10 năm gần đây, số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm là hơn 23.000 chu kỳ. Tỉ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến hơn 45%.  

“Trải qua 25 năm học hỏi và phát triển, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ đã phát triển lớn mạnh với những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tối ưu và hiện đại nhất, đã theo kịp nền y học thế giới. Tỉ lệ điều trị thành công cao tương đương với các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới, nhờ áp dụng những kỹ thuật mới trong chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hiếm muộn. 

Việc điều trị hiếm muộn ngày càng an toàn hơn nhờ việc tiêu chuẩn hóa quá trình điều trị theo các chuẩn quốc tế” - bác sĩ Trần Ngọc Hải nói thêm.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI