Hơn 150 tỷ đồng tiền tác quyền thu được trong năm 2020

22/01/2021 - 18:52

PNO - Nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật bị dừng, tạm hoãn trong năm qua nhưng tiền tác quyền thu được vẫn tăng 12%, đến từ nhiều nguồn khác.

Trong năm 2020, tổng tiền tác quyền thu được từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là hơn 150 tỷ, tăng 12% so với 2019. Trong đó, khu vực miền Bắc thu được hơn 47 tỷ, còn con số này với khu vực miền Nam là hơn 102 tỷ.      

Tính đến tháng 11/2020, VCPMC đã chi trả đến các nhạc sĩ hơn 107 tỷ. Dự kiến trong tháng 1/2021, VCPMC sẽ chi trả thêm 36 tỷ đồng. 

Năm qua do dịch bệnh nên nhiều hoạt động văn hoá giải trí bị huỷ, hoãn, nhiều ngành liên quan bị ảnh hưởng. Vì thế, tiền tác quyền thu được trong một số hoạt động bị sụt giảm mạnh (so với năm 2019) như: biểu diễn (giảm 74%); quán cafe, giải khát (giảm 68%); karaoke, phòng thu âm (giảm 63%), karaoke file midi (giảm 75%); khách sạn, resort, cao ốc, văn phòng (giảm 44%)... 

Năm qua, vì dịch bệnh nên nhiều hoạt động biểu diễn bị huỷ, hoãn khiến nguồn thu sụt giảm
Năm qua, vì dịch bệnh nên nhiều hoạt động biểu diễn bị huỷ, hoãn khiến nguồn thu tác quyền từ mảng này sụt giảm.

Tuy nhiên, một số hoạt động khác có nguồn thu tăng trong năm 2020 như: trung tâm vui chơi giải trí (tăng 50%); website, ứng dụng nhạc, mạng xã hội (tăng 49%); tiền bản quyền quốc tế (tăng 95%)... Trong đó, ứng dụng di động tăng trưởng mạnh với nguồn thu đến từ các ứng dụng quốc tế như: Facebook, Apple, TikTok, Spotify, MOOV, Star Maker... Nguồn thu từ YouTube tăng mạnh nhờ đầu tư nhân sự, công nghệ, hợp tác chặt chẽ với Google...

Nhưng, việc thu tiền tác quyền của VCPMC vẫn còn gặp một số khó khăn. Với các loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng nhạc nền như nhà hàng, khách sạn, cà phê, quán bar, siêu thị... một số đơn vị vẫn lách luật, đặc biệt các hệ thống kinh doanh lớn gây ảnh hưởng đến nguồn thu. 

Trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, nhiều đơn vị vẫn né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, hoặc lợi dụng nguyên tắc thoả thuận để trì hoãn. Việc này diễn ra thường xuyên với những show quy mô lớn, giá vé cao. Đáng lo ngại hơn khi một số đơn vị phát thanh, truyền hình vẫn viện lý do chưa thoả thuận được nhuận bút nên đến nay vẫn không hoặc chưa trả tiền tác quyền.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI