Hơn 120.000 công an bán chuyên trách có thể sắp xếp vào tổ an ninh, trật tự

11/09/2020 - 15:44

PNO - Ngày 11/9, tại kỳ họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo này liên quan đến việc bố trí nhiệm vụ cho hơn 120.000 công an bán chuyên trách dôi dư hiện nay, khi lực lượng công an xã đã được chính quy 100%.

Trình bày Tờ trình dự thảo luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ công an xã được sắp xếp thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tại phiên họp

Đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành việc bố trí công an xã chính quy tại 100% xã, thị trấn với gần 30.000 người. Điều đó làm phát sinh thực tế là có 126.084 công an bán chuyên trách đang dôi dư và phải bố trí tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã. 

Dự luật ra đời sẽ kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng này tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Việc xây dựng luật vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với những lý do chính như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhất là sau khi Bộ Công an triển khai xây dựng công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và theo quy định của Luật Công an nhân dân.

"Về cơ bản các nội dung của Dự thảo luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định của pháp luật có liên quan; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhận định. 

Tuy nhiên, còn có những ý kiến khác nhau như các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh; nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận và các chế độ, chính sách khác như trong dự thảo luật có thể dẫn đến việc "chuyên nghiệp hóa", "chính quy hóa" làm phát sinh kinh phí, trùng lặp với một số quy định của pháp luật có liên quan.

Ông Việt cũng cho hay, dự thảo luật này có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức "lực lượng", kinh phí, ngân sách bảo đảm và nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nội dung của dự thảo luật chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc cho thực hiện thí điểm tại một số địa phương nhất định để có thời gian tổng kết, đánh giá kỹ tính khả thi của chính sách trước khi ban hành luật hoặc đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định quy định việc sử dụng công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, mà chưa cần ban hành luật.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề tại sao Dự thảo luật chỉ điều chỉnh 3 lực lượng mà chưa đề cập các mô hình tổ chức tự quản của quần chúng trong bảo đảm an ninh trật tự như "hiệp sĩ đường phố", công nhân tự quản... với hiệu quả thực tế. Luật này cần phải đặt ra mối liên hệ với các tổ tự quản đã có, phát huy hiệu quả để đúng với mục tiêu và tên gọi của dự luật là Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần có quy định nhưng chính sách, điều kiện phải đúng tính chất của tổ chức tự nguyện quần chúng để đảm bảo khả thi với sức chịu đựng của ngân sách. Bên cạnh đó cần rà soát kỹ để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết quá trình xây dựng luật có khảo sát toàn bộ tổ chức tự quản quần chúng và thống nhất 3 lực lượng đã đề cập vì đây là những lực lượng ra đời từ rất lâu, được điều chỉnh trong nhiều văn bản luật, có mối quan hệ chặt chẽ với cơ cấu bộ máy chính quyền, có sự hỗ trợ, được đánh giá là hoạt động hiệu quả.

An Vũ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Công Nghệ 11-09-2020 19:51:19

    Lực lượng này có lương chẳng qua là chuyển lương của các công an viên này sang cho những công an viên tinh giản của công an và lại phình thêm người của dân phố vào. Đâu cũng vào đấy cả thôi ! Chẳng tinh giản được công an xã mà lại phình thêm người và lương nữa. Ngân sách kiệt quệ thôi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI