Năm 2020, TPHCM được xem là hình mẫu chống dịch của cả nước với hàng loạt giải pháp chủ động, tiên phong như sáng kiến xây dựng bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch bệnh trên tất cả các lĩnh vực, kịp thời “ban bố” các quy định tạm dừng hoạt động một số hoạt động... 

Thế nhưng, năm 2021, với biến chủng Delta siêu lây nhiễm, thành phố bước vào một cuộc chiến khốc liệt. Cuộc chiến không tiếng súng, nhưng mức độ tàn khốc, hậu quả thật ghê gớm.

Những ngày cuối tháng 4/2021, khi hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang còn đang là ổ dịch của cả nước, TPHCM ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở quận Bình Tân (bệnh nhân N.V.Đ, mã số 2910, ngụ tỉnh Hà Nam). Hơn nửa tháng sau, ngày 18/5, thành phố tiếp tục phát hiện hai ca mắc trong cộng đồng tại quận 7 và TP. Thủ Đức. Tối 26/5, tòa nhà văn phòng trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận bất ngờ bị phong tỏa. Cùng thời điểm ấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM tiếp tục thông tin về hai ca dương tính khác tại phường Thạnh Lộc, quận 12. Điều tra dịch tễ cho thấy, những ca mắc này đều sinh hoạt chung tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp).

Từ những ca chỉ điểm đầu tiên này, biến thể Detal với đặc trưng siêu lây nhiễm, đã tạo một làn sóng ca nhiễm COVID-19 khó xác định nguồn lây. TPHCM - một đô thị sầm uất, chính thức bước vào những ngày tháng căng mình với đợt dịch lần thứ tư, trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước. 

Chỉ vài ngày sau, UBND TPHCM đã ra quyết định thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, áp dụng từ 30/5 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn thành phố và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với hai điểm nóng dịch bệnh là quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12. Lực lượng y tế được huy động tối đa cho công tác phòng, chống dịch. Các bệnh viện dã chiến được xây dựng. Người dân thành phố bước vào quãng thời gian hạn chế mọi hoạt động.

 

Sau đợt giãn cách đầu tiên, dịch ngày càng loang rộng, số ca mắc mới tăng mạnh, thành phố nỗ lực đẩy nhanh công suất xét nghiệm. Lúc này, chính quyền thành phố nhận định dịch bệnh COVID-19 đã thâm nhập sâu, trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm trong cộng đồng. Ngày 9/7, lần đầu tiên số ca mắc mới sau một ngày vượt mốc 1.000 ca, toàn thành phố tiếp tục lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường.

Vào thời điểm này, con số người dân được tiêm vắc xin vẫn còn khiêm tốn. Việc duy nhất thành phố có thể làm là tập trung mở rộng, xây dựng các bệnh viện dã chiến để theo dõi, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. “Bóng ma” COVID-19 phủ bóng khắp thành phố, tạo nên sự căng thẳng, lo lắng chưa từng có trong người dân không chỉ tại thành phố. 

Trong sự lặng lẽ, im vắng của một đô thị đang áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách và liên tục phải gia hạn giãn cách, tất cả mọi hoạt động của thành phố đều phải tạm dừng, triệt để theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở yên đấy”, trừ tuyến đầu chống dịch được ra đường thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch trên các “mặt trận” của cuộc chiến này. Lúc này, số ca mắc mới lên đến hàng ngàn mỗi ngày, số bệnh nhân tử vong tăng cao theo từng mốc thời gian.

Thành phố đón nhận sự trợ giúp của hàng chục ngàn y, bác sĩ tình nguyện từ khắp các tỉnh, thành cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và lực lượng quân đội từ Bộ Quốc phòng. Cụ thể, nhận được sự hỗ trợ của 132 đơn vị thuộc bộ, ngành, Trung ương cùng các tỉnh, thành bạn và gần 30.000 nhân viên chiến sĩ, quân y, nhân viên y tế. 

 

Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân đối diện với muôn vàn khó khăn. Tất cả phải hy sinh nhiều tiện ích, công việc tạm dừng, thu nhập về 0. Nhưng cũng trong những ngày tháng này, người dân thành phố đã không ngừng thắp sáng sự đoàn kết, tương thân. Nhiều hoạt động nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách xuất hiện giữa đại dịch: Bữa cơm 0 đồng, ATM gạo, ATM - Oxy, Siêu thị mini 0 đồng, Chợ nghĩa tình, Bếp yêu thương…

Cùng với đó, thành phố tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng gồm tiền mặt, hàng hóa từ khắp nơi, trong và ngoài nước, với một mong muốn duy nhất giúp thành phố vượt qua khó khăn, kiểm soát và chiến thắng đại dịch. Các ban ngành, đoàn thể tại TPHCM được huy động tối đa, làm việc với hơn 200% công suất để đảm bảo công tác an sinh, an dân và phòng chống dịch bệnh. Hàng ngàn cán bộ, thành viên tổ COVID-19 cộng đồng tại các địa bàn dân cư đã ngày đêm lập lên những lá chắn sống, sẵn sàng đối diện nguy hiểm để giữ vững sự bình yên cho người dân.

Nhìn lại những tháng ngày “nước sôi lửa bỏng”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, trước diễn biến phức tạp của dịch, không thể tránh khỏi những bị động, lúng túng, hạn chế, khuyết điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện. 

“Tất cả công sức, hy sinh chỉ nhằm mục tiêu tối thượng là giữ mạng sống con người, giảm tỷ lệ tử vong, bảo vệ hệ thống y tế không bị suy kiệt. Đồng thời bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, hệ thống an sinh xã hội, không để gánh chịu một di chứng lâu dài, để thành phố sớm trở lại nhịp sống bình thường mới” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nói.

Sau hơn 100 ngày giãn cách xã hội với các cấp độ tăng dần, có thể nói, ngoài tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch, TPHCM còn đối mặt với nhiều hệ lụy phát sinh. Việc phải dần mở cửa trở lại là một bài toán trước mục tiêu thành phố phải phục hồi và phát triển kinh tế cũng như mong muốn của người dân, doanh nghiệp.

Bấy giờ, TPHCM đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu phòng, chống dịch bệnh; trong đó, độ phủ vắc xin đạt tỷ lệ cao, đáp ứng phần nào phép giải về sự an toàn khi vắc xin được chứng thực làm giảm nhẹ số ca nặng và tử vong. Cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngày 30/9, TPHCM chính thức công bố chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Các biện pháp nới lỏng giãn cách được ban hành, các chốt kiểm soát dịch bệnh nội đô được dỡ bỏ, thành phố bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Cuối tháng 10, sau khi tiến hành đánh giá và công bố cấp độ dịch từng địa bàn quận, huyện theo mỗi tuần, thành phố dần mở cửa các hoạt động. Việc mở cửa trong sự thận trọng từng bước theo nguyên tắc “an toàn tới đâu, mở cửa tới đó”. Và, với sự năng động cũng như nội lực phục hồi, thích ứng mạnh mẽ, thành phố hơn mười triệu dân dần trở lại với nhịp sống “bình thường mới”. 

“TPHCM đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim” - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định ở Lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM.

Ở giai đoạn “bình thường mới”, linh hoạt thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19, TPHCM đặt mục tiêu hạn chế đến mức tối thiểu F0 chuyển nặng, tử vong. Để đáp ứng, ngoài tiếp tục cuộc chiến của cả lực lượng tuyến đầu, hệ thống chính trị thì ý thức người dân được xem là điểm mấu chốt trong bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình, người thân và cộng đồng.

Cơn bão COVID-19 quét qua, hàng ngàn người đã không may đã không qua khỏi. Sự tàn khốc của dịch bệnh đã khiến họ, trong giây phút sau cùng, không có người thân bên cạnh. Nhưng bằng sự tận tâm, chu toàn, các chiến sĩ của Bộ Tư lệnh TPHCM với nhiệm vụ hỏa táng, trao lại tro cốt cho thân nhân người tử vong vì COVID-19, đã nghiêm trang đưa họ về với gia đình. TPHCM đã trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 với nhiều hoạt động trong mong muốn đưa tiễn người ra đi, thuyên giảm nỗi đau cho người ở lại.

Khi nhận định về giai đoạn thành phố đứng trước nhiều tình huống hết sức khó khăn, với số ca bệnh và tử vong tăng cao, các bệnh viện trong tình trạng quá tải, toàn bộ nhân viên ngành y tế làm việc ngày đêm vẫn không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và điều trị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói: “Những kinh nghiệm mà TPHCM trải qua, với những vui và buồn, những điều đúng và chưa đúng, được và mất sẽ trở thành bài học quý báu cho chính thành phố và các địa phương khác trong phòng, chống dịch COVID-19”.

Sau tất cả, TPHCM quyết tâm “biến đau thương thành hành động”. Đây chính là lời cam kết, khẳng định của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong kiểm soát hiệu quả dịch dịch bệnh, đưa thành phố quay lại nhịp phát triển vốn có.

 
 

“Đây là một chỉ tiêu phấn đấu rất cao, thể hiện quyết tâm rất lớn trong bối cảnh của thành phố, nhằm đáp ứng khát khao hồi phục và phát triển trong thời gian tới đây” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định.

Trong sự diễn biến khó lường của dịch bệnh, với những biến chủng Sars-CoV-2 sẽ còn khó đoán định, những khó khăn và thách thức của thành phố chưa phải đã hết. Lãnh đạo thành phố hy vọng, với tất cả những gì chúng ta đã đối mặt, đã trải qua, người dân sẽ cùng với chính quyền nắm tay nhau, tự tin bước vào năm 2022 bằng quyết tâm kiểm soát được dịch bệnh; phục hồi, tăng tốc và lấy lại vị thế của một thành phố đầu tàu, cùng cả nước, vì cả nước.

 

Bài: Tuyết Dân

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: