Hơn 10 năm không có tiền điều trị, một phụ nữ bị sỏi lấp đầy gan

07/07/2017 - 13:54

PNO - Vì quá đau đớn, chị B. (tỉnh Bình Thuận) lại đến bệnh viện và các bác sĩ phát hiện sỏi đã lấp đầy gan của chị.

13 năm trước, chị P.T.B. (34 tuổi, nhà ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cảm thấy đau tức bụng, nóng sốt nên được gia đình đưa đi khám. Lúc đó bác sĩ chẩn đoán gan chị có sỏi nhưng vì không có tiền để điều trị nên chị về nhà tự uống thuốc với hy vọng… sỏi tự tan.

Tuy nhiên, mấy tháng trước, chị thấy đau bụng dữ dội, sốt liên miên nên chị quay lại Bệnh viện Chợ Rẫy để thăm khám. Qua các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện gan của chị B. bị sỏi đường mật, nguy hiểm hơn khi sỏi lấp đầy cả phần trong và ngoài gan. 

Hon 10 nam khong co tien dieu tri, mot phu nu bi soi lap day gan

Bệnh viện Chợ Rẫy đã phẫu thuật giải quyết phần sỏi phía ngoài gan cho chị B. và chuyển chị đến Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM để tiếp tục điều trị.

Bệnh sỏi gan có nguy hiểm không? Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Tiến Quốc Thái, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Trưng Vương thì chị B. nhập viện trong tình trạng sỏi trong gan lâu ngày, khiến chị bị xơ gan mãn tính, nhiễm trùng, áp lực tĩnh mạch tăng,… bệnh diễn tiến phức tạp. 

Nhất là chị B. bị suy giảm tế bào máu nên có nhiều nguy cơ bị chảy máu. "Lúc nào đưa chị vào tán sỏi cũng phải truyền tiếp máu nhiều lần. Để hạn chế điều này bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt lá lách", các bác sĩ cho biết.

Hon 10 nam khong co tien dieu tri, mot phu nu bi soi lap day gan
Bác sĩ Thái thăm khám cho chị B. trước khi thực hiện tán sỏi gan cho chị trong thời gian tới

Bác sĩ Thái cho biết: “Cắt bỏ lách đòi hỏi sức khỏe bệnh nhân phải đảm bảo, nhưng chị B. khá yếu lại bị thiếu máu, thời gian tới cần phải được tán sỏi nhiều lần để xử lý bệnh nên việc cắt khá nguy hiểm với chị.

Chúng tôi phải hội chẩn và đưa ra phương pháp điều trị cường lách, giảm tiểu cầu bằng can thiệp nội mạch. Qua đó sẽ triệt một phần lá lách bằng phương pháp tách mạch máu rồi mới xử lý sỏi gan sau”.

Sau khi hội chẩn, bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Minh Tuấn, Trưởng khoa Can thiệp mạch máu, Bệnh viện Trưng Vương đã tiến hành thực hiện triệt lách một phần cho chị B. bằng cách làm tắc một số mạch máu ở phần lách được chỉ định.

Hon 10 nam khong co tien dieu tri, mot phu nu bi soi lap day gan

Bằng phương pháp này bệnh nhân có thể giữ lại một phần lách theo mong muốn, hạn chế xâm lấn, ít biến chứng và giảm được khá nhiều chi phí phẫu thuật, sau đó mới tán sỏi. Chị B. là trường hợp thứ 2 mà bệnh viện thực hiện phương pháp này”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Hiện tại, sau khi được áp dụng phương pháp điều trị cường lách, giảm tiểu cầu bằng can thiệp nội mạch, chị B. đã dần khỏe lại, tiểu cầu tăng ổn định. Vài ngày tới bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện tán sỏi để điều trị bệnh sỏi trong gan cho chị.

Theo chị B., chị đã biết bệnh của mình hơn 10 năm trước, nhưng vì gia đình không có tiền nên ở nhà tự mua thuốc điều trị. Đến khi sức khỏe xấu đi, chị mới biết rằng tính mạng mình đang gặp nguy hiểm. 

Chị B. kể: “Lúc trước đi khám bệnh bác sĩ đã kêu mổ để lấy sỏi nhưng vì không có điều kiện cũng không có bảo hiểm y tế nên tôi đi về. Cứ mỗi lần đau bụng, nóng sốt thì tôi mua thuốc giảm đau uống, riết rồi cũng quen nên tôi không đi tái khám. Mấy tháng trước đau quá chịu không nổi nên đi bệnh viện thì mới giật mình, may mà bác sĩ còn chữa được”. 

Bệnh viện Trưng Vương là bệnh viện đầu tiên ở Miền Nam áp dụng thành công phương pháp này.

Phương pháp pháp điều trị cường lách, giảm tiểu cầu bằng can thiệp nội mạch là phương pháp can thiệp, làm tắc những tĩnh mạch nuôi máu ở một phần lách mong muốn. Phương pháp này nhằm giữ lại một phần lách cho bệnh nhân.

Trước đó, nếu bệnh nhân bị suy giảm tiểu cầu, nguy cơ chảy máu cao thì bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ cả lá lách để xử lý. Tuy nhiên, lá lách có chức năng đào thải máu “già cõi” nhằm tránh nhiễm trùng cho cơ thể. Một người nếu bị cắt đi tất cả lách thì nguy cơ nhiễm trùng sau này sẽ rất cao. Can thiệp mạch máu sẽ bảo tồn được lách nhiều hơn.

Chị B. là bệnh nhân thứ hai được bệnh viện thực hiện thành công. Hiện tại, sức khỏe chị đang dần ổn định và đã đủ điều kiện để thực hiện điều trị tán sỏi bên trong gan thời gian tới.

Ngoài Bệnh viện Trưng Vương, thì phía Bắc có Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cũng đã thực hiện thành công phương pháp này


Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI