Hơn 1 triệu bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ bị mất khứu giác hơn 6 tháng

21/11/2021 - 06:48

PNO - Một nghiên cứu của các tác giả đến từ Trường Y khoa Đại học Washington ở St. Louis, được công bố trên tạp chí JAMA Otolaryngary-Head & Neck Surgery hôm 18/11 cho biết, ước tính có từ 700.000 đến 1,6 triệu bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ đã bị mất hoặc thay đổi khứu giác hơn 6 tháng.

 

Sau khi nhiễm COVID-19 nhiều người bị di chứng khác nhau và mất khứu giác là trong một trong những tác dụng
Sau khi nhiễm COVID-19, nhiều người bị các di chứng khác nhau, một trong số đó là mất khứu giác 

Các nghiên cứu cho thấy hầu hết các bệnh nhân đều phục hồi khứu giác sau khi nhiễm bệnh, nhưng một số người không bao giờ có thể lấy lại được mùi. Các tác giả coi đây là một mối lo ngại và họ gọi tình trạng này là rối loạn chức năng khứu giác (OD) hoặc rối loạn chức năng khứu giác mãn tính (COD).

“Những dữ liệu này cho thấy mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng đang nổi lên vấn đề của OD và nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu tập trung vào việc xử lý hậu COVID-19 là COD”, nghiên cứu cho biết.

Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy, 72% bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi khứu giác sau một tháng, nhưng quá trình phục hồi diễn ra chậm hơn nhiều ở một số người.

Theo John Hayes, Giám đốc Trung tâm Đánh giá cảm quan tại Trường cao đẳng Khoa học Nông nghiệp Penn State thì: “Đó là gánh nặng bệnh tật lâu dài và theo nghĩa đen, chúng ta sẽ phải đối phó với điều này trong thời gian dài sắp tới".

"Mặc dù việc mất khứu giác trong thời gian dài nghe có vẻ bình thường so với các triệu chứng khác của COVID-19 kéo dài, chẳng hạn như mệt mỏi mãn tính hoặc các vấn đề về tim, nhưng việc không ngửi được mùi có thể rất nguy hiểm. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy những người mất khứu giác có nguy cơ ăn phải thức ăn ôi thiu cao hơn gấp đôi so với những người có khứu giác. Trong các nghiên cứu trước đó, mất khứu giác cũng có liên quan đến chứng trầm cảm", ông nói thêm.

“Mất khứu giác còn dẫn đến thèm ăn và ảnh hưởng các mối quan hệ xã hội, giống như việc mọi người bị mất khứu giác không thể phát hiện ra họ có mùi cơ thể hay không, và cũng có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống”, ông Hayes cho biết thêm.

 

Mất khứu giác sẽ khiến nhiều người bị rối loạn sinh hoạt cũng như ăn uống
Tình trạng mất khứu giác khiến nhiều người bị rối loạn sinh hoạt cũng như ăn uống

Kết quả nghiên cứu của ông Hayes trên bệnh nhân COVID-19 cho thấy họ đã trải qua ba loại rối loạn khứu giác dài hạn khác nhau.

Một số mất hoặc giảm khứu giác. Một số bị "nhầm mùi", chẳng hạn như thay vì hoa, họ lại ngửi thấy mùi hôi chân. Những người khác có thể bị "hội chứng chân tay ảo" về khứu giác, vì họ ngửi thấy những thứ không có thực như mùi hóa chất dai dẳng hoặc mùi khét.

Tiến sĩ Sandeep Robert Datta, một nhà sinh học thần kinh tại Trường Y Harvard, người đang nghiên cứu lý do tại sao những người bị COVID-19 mất khứu giác, cho biết đây là một hướng nghiên cứu quan trọng.

“Chúng tôi chưa bao giờ thực sự có một ước tính chính thức về số người phải đối mặt với điều này. Đây là một sự kiện vô cùng bất thường về rối loạn chức năng khứu giác và là hậu quả chưa từng được quan sát thấy trước đây", Datta nói.

Trừ khi bị gãy mũi do tai nạn hoặc bị chấn thương đầu, việc mất khứu giác ở những người trẻ tuổi là điều bất thường, đặc biệt là do virus vì một số người chỉ bị mất khứu giác khi lớn tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy 60 đến 70% người từ 80 tuổi trở lên bị rối loạn chức năng khứu giác ở một mức độ nào đó. 

Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra lý do tại sao những người bị COVID-19 mất khứu giác. Tiến sĩ Datta cho biết dường như có sự gián đoạn ở các tế bào hỗ trợ trong mũi. 

"Vẫn còn rất nhiều bí ẩn về những gì đang xảy ra và trong phòng thí nghiệm, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu vấn đề này", Datta nói.

Hiểu được cách COVID-19 đã thay đổi khứu giác sẽ rất quan trọng nên một số phòng khám COVID-19 từ lâu đã thực hiện một loại vật lý trị liệu cho mũi nhằm hướng dẫn lấy lại khứu giác của mọi người bằng cách cho họ tiếp xúc với một số mùi nhất định để họ có thể thử và cố gắng ngửi lại mùi. Các nghiên cứu cho thấy điều này có thể hiệu quả với một số người, nhưng không phải tất cả.

Thảo Nguyễn (theo CNN) 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI