Hơn 1.600 tỉ để thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An

02/03/2024 - 16:59

PNO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi Bộ VH-TT-DL tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Trong đó, đối với các nhiệm vụ đã được phê duyệt, nguồn kinh phí đã và sẽ được phân bổ trong các kế hoạch, chương trình phát triển của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và của Trung ương. Đối với các nhiệm vụ chưa được phê duyệt thực hiện dự án thành phần giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035, dự toán tổng kinh phí thực hiện là 1.670 tỉ đồng.

Du khách tham quan phố cổ Hội An
Du khách tham quan phố cổ Hội An

Theo đề án, đối tượng thực hiện bao gồm các bộ phận cấu thành của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An như: Di sản văn hóa vật thể, hiện vật; Di sản văn hóa phi vật thể; Di sản tư liệu; các thiết chế văn hóa; các cơ sở vật chất, kết cầu hạ tầng; cộng đồng di sản.

Phạm vi thực hiện đề án trên địa bàn TP Hội An (trọng tâm là khu phố cổ Hội An; một số khu vực của các địa phương lân cận địa bàn TP Hội An có quan hệ đến hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội; góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh. Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị đương đại của di sản.

Đồng thời, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và phát huy tầm quan trọng, các giá trị nổi bật toàn cầu của khu phố cổ Hội An.

Gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng di sản, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của một “di sản sống”. Đảm bảo về cơ cấu luật pháp, hành chính và tài chính phù hợp; hình thành các cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho di sản để đạt được các mục tiêu đề ra.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Hội An ngoài khu phố cổ thì còn gắn với con người và không gian xung quanh
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hội An ngoài khu phố cổ thì còn gắn với con người và không gian xung quanh

Với đề án này, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ của Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. 100% di sản văn hóa vật thể, hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được bảo tồn và phát huy tốt giá trị. Nguồn lực về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ đảm bảo đáp ứng yêu cầu để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.

TP Hội An có 9 phường (gồm 55 khối phố) và 4 xã (gồm 22 thôn). Theo thống kê năm 2022, dân số toàn thành phố là 100.503 người (75.030 người ở thành thị, 25.533 người ở nông thôn). Bên cạnh người Kinh chiếm đa số, có cộng đồng người Hoa định cư làm ăn sinh sống từ bao đời nay.

Mật độ di tích ở Hội An dày đặc với 1.439 di tích, riêng ở khu vực I của khu phố cổ được xem là “vùng lõi” chỉ có diện tích 30 ha nhưng có đến 1.175 di tích kiến trúc nghệ thuật, thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và công trình đặc thù (mộ).

Ngày 4/12/1999, Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ngày 26/5/2009, Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với vùng lõi (8 hòn đảo và vùng biển quanh đảo), vùng đệm (vùng biển tiếp giáp vùng lõi, vùng dừa nước và ngập mặn), vùng chuyển tiếp (khu phố cổ Hội An).

Hội An còn được biết đến là nơi du nhập Thiên Chúa giáo đầu tiên ở Đàng Trong, là cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ, là nơi khai sinh dòng tu Lâm Tế Chúc Thánh của Phật giáo ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVII. Đồng thời là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo mà tiêu biểu là nghệ thuật hô hát Bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các nghề thủ công truyền thống: khai thác yến sào Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, nghề trồng rau Trà Quế cùng với tết Nguyên Tiêu ở Hội An, tết Trung thu ở Hội An đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI