Hơn 1.100 tỷ đồng để triển khai đề án sữa học đường ở TP.HCM

08/10/2018 - 14:36

PNO - Để triển khai đề án sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020, UBND TP.HCM dự kiến tổng kinh phí khoảng 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ, doanh nghiệp 240 tỷ, phụ huynh học sinh đóng góp 548 tỷ đồng

Tại kỳ họp thứ mười (kỳ họp bất thường) HĐND TP.HCM ngày 8/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã trình HĐND TP tờ trình về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP.HCM.

Hon 1.100 ty dong de trien khai de an sua hoc duong o TP.HCM
Quang cảnh kỳ họp thứ mười HĐND TP.HCM ngày 8/10

Theo tờ trình này, giai đoạn của trẻ từ 6-10 tuổi thì bữa ăn của trẻ ngoài việc cung cấp năng lượng cho trẻ hoạt động thì sữa là nguồn dinh dưỡng cung cấp các vitamin khoáng chất và nguồn đạm có giá trị sinh học cao chứa đủ các acid amin thiết yếu có vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ.

Khi được thông qua, đề án sữa học đường sẽ được triển khai ngay trong năm học 2018-2019, đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm học sinh tiểu học lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Trong năm học 2019-2020 sẽ tiếp tục triển khai đối với trẻ em mẫu giáo, sơ kết rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học lớp 1.

Theo tính toán, tổng kinh phí thực hiện đề án chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng, còn lại phụ huynh học sinh sẽ đóng góp khoảng 548 tỷ đồng (50% kinh phí).

Hon 1.100 ty dong de trien khai de an sua hoc duong o TP.HCM
 

Học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP, học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường thực hiện đề án, ngân sách TP.HCM sẽ hỗ trợ 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Tại kỳ họp, đa số đại biểu cho biết đồng tình với đề án sữa học đường nhưng cũng có không ít băn khoăn lo lắng về phương thức triển khai đề án. Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm lo ngại nếu đề án không công khai minh bạch trong việc đấu thầu nguôn cung cấp, không có giám sát chặt chẽ trong tất cả các khâu triển khai sẽ gây tai tiếng đối với TP.HCM và xã hội. Do vậy, cần phải có sự giám sát chặt chẽ của tất cả các cấp, báo chí và cả phụ huynh học sinh.

"Sữa là quan trọng nhưng không phải là giải pháp toàn năng mà cần đi kèm với chương trình thể dục thể thao, đảm bảo sức khỏe cho trẻ từ giảm tải chương trình", đại biểu Tố Trâm khẳng định.

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân đề nghị phải công khai tỷ lệ chiết khấu “20%” của doanh nghiệp cung cấp sữa cũng như đảm bảo việc tham gia đề án là hoàn toàn tự nguyện về phía phụ huynh học sinh.

Hon 1.100 ty dong de trien khai de an sua hoc duong o TP.HCM
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM Lê Hồng Sơn

Trong khi đó, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung nhận định tại TP.HCM, ngoài các trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi còn có những trẻ béo phì, không dung nạp một số chất có trong sữa. Do vậy, Sở Y tế và Trung tâm dinh dưỡng cần có nguồn sữa đa dạng, phù hợp với cơ địa khác nhau của học sinh được áp dụng trong đề án.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, khi được giao triển khai tham mưu đề án, Sở phát ra 260.695 phiếu cho cả học sinh mầm non cả trong lẫn ngoài trường công lập, thu về gần 232.000 phiếu, nhận được 84,4% đồng thuận của phụ huynh cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần/tuần. Học sinh diện nghèo và cận nghèo được uống sữa miễn phí (TP hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%) thì nhận được 84,36% đồng ý.

Theo ông Sơn, các loại sữa sử dụng trong đề án đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và được đấu thầu công khai rộng rãi, đúng luật nên bất cứ công ty sữa nào cũng có thể tham gia và dưới sự điều hành của UBND TP và các sở ngành tham gia.

Trả lời về lo lắng trong việc tham gia đề án sữa học đường thì đối với trẻ béo phì, trẻ không thích ứng với loại sữa được cung cấp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế cho biết, thật ra việc di ứng với một số loại sữa thì nó thuộc về bẩm sinh và bệnh lý, khi đi khám thì bác sĩ một chế độ dùng sữa riêng chứ không phổ biến. Sữa tươi tiệt trùng hiện nay có thể dùng đại trà, không có khác biệt. Với trẻ béo phì, qua chứng minh của Trung tâm dinh dưỡng thì việc dùng sữa trong đề án thì cũng không ảnh hưởng.

Trường Nguyên - Minh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI