Hơn 1.000 người chết vì sốt xuất huyết, Bangladesh và nhiều nước đối mặt với dịch bệnh tồi tệ

02/10/2023 - 16:57

PNO - Hôm 2/10, chính phủ Bangladesh cho biết đã có hơn 1.000 người chết vì sốt xuất huyết kể từ đầu năm. Đây được xem là đợt bùng phát dịch bệnh do muỗi truyền tồi tệ nhất được ghi nhận ở nước này.

 

Một bệnh nhân trẻ tuổi sốt xuất huyết tại Bệnh viện và Cao đẳng Y tế Mugda ở Dhaka vào ngày 5/9. ẢNH: REUTERS
Sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới do khí hậu ấm lên 

Theo số liệu từ Tổng cục Dịch vụ Y tế Bangladesh, nước này ghi nhận 1.006 người đã chết, trong số hơn 200.000 trường hợp bị bệnh tính từ đầu năm đến nay.  Ông Be-Nazir Ahmed - cựu Giám đốc Tổng cục Dịch vụ Y tế Bangladesh cho biết số người chết từ đầu năm đến nay cao hơn mọi năm trước cộng lại kể từ năm 2000.

Theo số liệu chính thức, trong số những người thiệt mạng có 112 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, bao gồm cả trẻ sơ sinh. “Đây là một sự thảm họa y tế lớn, cả ở Bangladesh và trên thế giới"- ông nói thêm.

Sốt xuất huyết là một căn bệnh đặc hữu ở các vùng nhiệt đới gây sốt cao, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ và trong những trường hợp nghiêm trọng nhất là chảy máu có thể dẫn đến tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng bệnh sốt xuất huyết - và các bệnh khác do vi rút truyền qua muỗi gây ra như chikungunya, sốt vàng da và sốt zika - đang lây lan nhanh hơn và xa hơn do biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học cho rằng đợt bùng phát năm nay là do lượng mưa không đều và nhiệt độ nóng hơn trong mùa gió mùa hàng năm đã tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho các loài muỗi.

Bangladesh đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết từ những năm 1960 nhưng ghi nhận đợt bùng phát sốt xuất huyết đầu tiên của căn bệnh này vào năm 2000.

Loại virus gây bệnh này hiện đang lưu hành ở Bangladesh, nơi có xu hướng bùng phát ngày càng trầm trọng kể từ đầu thế kỷ này. Đối mặt với đợt bùng phát này, các khu vực điều trị sốt xuất huyết tại các bệnh viện lớn ở Dhaka hiện đang chật kín bệnh nhân.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO cho biết đợt bùng phát này đang gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế ở Bangladesh.

Theo ông, sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino ấm lên trong năm nay, đã góp phần gây ra các đợt bùng phát sốt xuất huyết nghiêm trọng ở một số khu vực, bao gồm Bangladesh và Nam Mỹ. Ngoài ra, tại các quốc gia ở châu Phi cận Sahara như Chad gần đây cũng đã báo cáo các đợt bùng phát dịch bệnh ngày càng trầm . 

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI