Hơn 1.000 ngôi mộ không tên trên các tuyến đường di cư ở EU

09/12/2023 - 22:28

PNO - Ngoài những ngôi mộ vô danh, còn rất nhiều thi thể đang chất đống trong các nhà xác ở khắp châu Âu.

Ngôi mộ của một em bé được cho là đã chết lưu trên một chiếc bè không được đánh dấu cho đến khi người dân địa phương khắc tên anh, Alhassane Bangoura, lên một chiếc bát, tại một nghĩa trang ở Teguise, Lanzarote. Ảnh: Gerson Diaz/The Guardian
Ngôi mộ của một em bé được cho là đã chết trên một chiếc bè không được đánh dấu tại một nghĩa trang ở Teguise, Lanzarote 

Từ những ngôi mộ không tên...

Theo tờ Guardian, người tị nạn và người di cư chết trên đường di cư đang bị chôn cất trong hàng loạt ngôi mộ vô danh trên khắp châu Âu. Ước tính, có ít nhất 1.015 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã chết ở biên giới EU trong thập kỷ qua được chôn cất trước khi được xác định danh tính.

Những người xấu số được chôn sơ sài trong những ngôi mộ dọc biên giới. Ở đó, những ngôi mộ không có gì ngoài những tảng đá trắng thô ráp đầy cỏ dại. Ở nghĩa trang Sidiro (Hy Lạp), những ngôi mộ của người di cư là những mỏm đất nhô cao, không bia đá, không tên tuổi. Tại nghĩa trang ở Lampedusa (Ý) hay ở miền bắc nước Pháp, những ngôi mô được đánh dấu bằng những cây thánh giá gỗ thô sơ. Tại các nghĩa trang ở Ba Lan và Crotia, những ngôi mộ là những tấm đá được đánh dấu đơn giản là “Monsieur X”. Trên đảo Gran Canaria của Tây Ban Nha có những tấm bảng ghi "không biết tên" hoặc "Thuyền di cư số 4. 25/09/2022".

Ngoài ra, còn có ít nhất 2.162 thi thể vẫn chưa được nhận dạng.

Một số thi thể đang được chất đống trong các nhà xác, phòng tang lễ và thậm chí cả các container vận chuyển khắp lục địa. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi mà trong thời gian qua, có hơn 29.000 người đã chết trên các tuyến đường di cư ở châu Âu.

Những cây thánh giá bằng gỗ thô sơ với lớp sơn mờ là dấu hiệu chôn cất duy nhất trên nhiều ngôi mộ ở nghĩa trang này trên đảo Lampedusa của Ý. Ảnh: Tina Xu
Ở nghĩa trang Lampedusa của Ý, nhiều ngôi mộ được đánh dấu bằng cây thánh giá gỗ thô sơ với lớp sơn mờ 

... đến những thi thể không người nhận

Tại một góc bãi đậu xe của bệnh viện ở thành phố Alexandroupolis của Hy Lạp, 2 container đông lạnh cũ nát nằm cạnh một số thùng rác. Bên trong là 40 thi thể.

Tại biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp qua sông Evros gần đó chỉ mất khoảng 20 phút, các xác chết phân hủy nhanh chóng do bị chôn vùi trong bùn dưới đáy sông. Trên những thi thể này không có bất kỳ tài liệu hay đặc điểm nào để nhận dạng.

20 thi thể cháy đen trong container là những người di cư đã chết trong trận cháy rừng Hy Lạp vào đợt nắng nóng mùa hè. Cho đến nay mới xác định danh tính được 4 thi thể.

Các container vận chuyển lạnh ở một góc bãi đậu xe bệnh viện Alexandroupolis đóng vai trò như nhà xác quá tải. Được ICRC cho mượn, những nơi này hiện đang lưu giữ 40 ​​thi thể. Ảnh: Daphne Tolis
Các container đông lạnh ở một góc bãi đậu xe bệnh viện Alexandroupolis (Hy Lạp) được xem như nhà xác di động khi đang chứa 40 ​​thi thể

Giáo sư Pavlos Pavlidis, nhà nghiên cứu bệnh học pháp y của khu vực, cho biết, những ngày qua ông làm việc không ngừng nghỉ để xác định nguyên nhân cái chết, thu thập mẫu DNA và lập danh mục tài sản cá nhân của người xấu số. Chính những mẫu DNA hoặc các hiện vật mà người xấu số mang theo sẽ giúp xác định danh tính của họ.

Các "nhà xác dã chiến" bằng container ở Alexandroupolis được Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho mượn. Cơ quan nhân đạo đã cho đảo Lesbos mượn một container khác với mục đích tương tự.

Ở Lampedusa không được như vậy. Công tố viên người Ý Salvatore Vella, người dẫn đầu các cuộc điều tra về các vụ đắm tàu ​​​​ngoài khơi, cho biết: “Không có nhà xác và không có tủ đông. Các thi thể được đặt trong túi đựng xác và sẽ được chuyển đến Sicily. Việc chôn cất được giao cho các thị trấn. Có trường hợp những người xấu số được chôn trong những ngôi mộ tập thể ở các nghĩa trang".

Những người thân đang đau buồn khi người thân di cư mất tích
Người nhà của những người di cư đau buồn khi không biết người thân của mình bị mất tích đang còn sống hay đã chết 

Filippo Furri, nhà nhân chủng học và cộng tác viên nghiên cứu tại Mecmi (nhóm kiểm tra những cái chết trong quá trình di cư) cho biết, vấn đề nghiêm trọng đến mức không có đủ quan tài để chôn cất trong khi còn nhiều thi thể vẫn đang ở nhà xác bệnh viện.

Bà Dunja Mijatović - ủy viên Nhân quyền của châu Âu - cho biết, sở dĩ vẫn còn những ngôi mộ không tên, những thi thể không người nhận là do các nước thiếu kết nối cũng như người thân không biết họ còn sống hay đã chết, hoặc không có khả năng, tiền bạc để nhờ vả.

ICRC cho biết đã nhận được 16.500 yêu cầu tìm kiếm người thân mất tích trên đường đến châu Âu. Trong đó, nhiều nhất là từ người Afghanistan, người Iraq, người Somalia, người Guinea và Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritrea và Syria. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có 285 thi thể được nhận dạng.

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI