Học tại gia lấy bằng Anh, Mỹ
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về quyết định cho con gái 12 tuổi học theo hình thức homeschool của chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc AnBooks. Ngoài ra, một số người cho rằng, chị táo bạo và mạnh mẽ khi để con rời trường học.
Chị Phương Thảo cho biết: “Có những mâu thuẫn trong phương pháp giáo dục ở trường với các giá trị cũng như kỹ năng tư duy mà tôi dạy con. Chẳng hạn như việc cô giáo bắt học sinh chép bài quá nhiều mâu thuẫn với cách tư duy hệ thống, tư duy logic... và con tôi bắt đầu ý thức được điều này”.
Vì vậy, chị quyết định cho con homeschool sau ba năm chuẩn bị về tài chính, kiến thức, khả năng truyền đạt và con chị đã sẵn sàng cho bước ngoặt lớn của đời mình.
Theo chị Thảo, các trường đại học lớn ở nước ngoài đều có chương trình giáo dục cho học sinh tự do. Con chị cần phải học tốt tiếng Anh, công nghệ thông tin, đồng thời phải có tinh thần tự học để theo đuổi các chương trình này. Ngoài ra, chị sẽ dạy cho con các kỹ năng cần thiết như: tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống, kỹ năng giao tiếp…
Bằng cấp không còn là mục tiêu lớn nhất
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và thế giới phẳng ngày càng mở rộng, bằng cấp không còn là mục tiêu lớn nhất của giới trẻ. tiến sĩ Nguyễn Mỹ Hà, chuyên viên tuyển dụng nhân sự cấp cao, cho biết: “Không ít doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự hiện nay không yêu cầu bằng cấp, đặc biệt ở các tập đoàn đa quốc gia. Họ đặc biệt quan tâm đến tư duy sáng tạo, khả năng giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề được thể hiện trong mấy chục phút phỏng vấn.
Ngoài ra, họ cũng đánh giá cao sự thích nghi để phù hợp với văn hóa công ty hơn là điểm số ở trường đại học. Hầu hết các công việc văn phòng doanh nghiệp đều có thể đào tạo cho nhân viên trong vòng từ 6-12 tháng. Và bàn tay vô hình của thị trường sẽ đặt nhân sự vào đúng giá trị của họ hơn bất cứ loại bằng cấp nào”.
|
Tuy nhiên, chị cũng lưu ý rằng: “Homeschool là một mô hình giáo dục được “đo ni đóng giày” cho con, được thực hiện bởi cha mẹ là người thấu hiểu con nhất, nên sẽ có lợi cho đứa trẻ. Nhưng đây lại là một sự hy sinh lớn. Thay vì chỉ cần dành cho con trên dưới 1,5 giờ mỗi ngày như trước, thì nay tôi phải dành khoảng 4 giờ cùng con. Vì vậy, homeschool không chỉ là bài toán về triết lý giáo dục, phương pháp dạy con mà còn là sự tính toán về hiệu quả của các công việc khác”.
Cho hai con trai Thái Anh (sinh năm 2003) và Nhật Anh (sinh năm 1998) homeschool cũng là quyết định của gia đình chị Lê Thị Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM. Chị Thanh cho biết, lý do của quyết định này là vì có nhiều bất cập trong cách giáo dục của trường công lập khiến anh chị rất bức xúc, chẳng hạn như những hình thức phạt không hiệu quả, chương trình học thừa thãi một cách vô lý khiến học sinh quá tải, bài tập về nhà quá nhiều…
Sau khi quyết định cho con học ở nhà, chỉ có chị Thanh vẫn tiếp tục công việc giảng dạy, còn chồng chị nghỉ ở nhà để học cùng con. Ngoài sách, tài liệu do anh chị chọn lọc, con đều xem các kênh truyền hình bằng tiếng Anh, xem phim hoạt hình, học tiếng Anh bằng các phần mềm trên máy tính, internet... Anh chị cũng định hướng cho hai con luyện thi chứng chỉ trung học quốc tế IGCSE và du học sau khi tốt nghiệp.
Phần lớn các gia đình Việt Nam khi quyết định homeschool đều xác định tương lai là cho con du học. Theo thạc sĩ Lê Đình Hiếu, sáng lập Học viện G.A.P, các thí sinh tự do tại Việt Nam có thể tham gia thi lấy bằng tú tài Anh và Mỹ, riêng bằng tú tài quốc tế còn khá hạn chế. Hiện nay đã có các trung tâm tổ chức thi tú tài Anh, Mỹ ngay tại Việt Nam, rất thuận lợi cho học sinh homeschool.
Cần môi trường cộng đồng cho trẻ
Trong quá trình xây dựng lộ trình homeschool cho một số gia đình có nhu cầu, thạc sĩ Lê Đình Hiếu nhận thấy đây là một xu hướng mới mẻ đang tăng lên tại Việt Nam. Tuy nhiên, anh cũng lưu ý rằng, hình thức này không dành cho số đông và cha mẹ phải cân nhắc kỹ trước khi cho con học tại gia.
Chi phí homeschool rất tốn kém vì phải thuê giáo viên giỏi dạy kèm cho con tại nhà. Hơn nữa, ở Việt Nam không có các sân chơi cộng đồng cho trẻ em như câu lạc bộ hay các hoạt động ngoại khóa hiệu quả, mà trẻ em thì không thể tách rời khỏi môi trường cộng đồng.
Các lý thuyết về phát triển trẻ em, trong đó đi đầu là học thuyết Social Development Learning Theories của nhà giáo dục người Nga Lev Vygotsky, đều khẳng định rằng, trẻ em cần phải được lớn lên trong môi trường cộng đồng, xã hội. Khi quyết định cho con học tại gia, cha mẹ luôn phải lên kế hoạch dài hơi cho vấn đề này.
Theo thạc sĩ Lê Đình Hiếu, các em homeschool cần phải có trên dưới 2 giờ tham gia học ngoại khóa mỗi ngày như: âm nhạc, nghệ thuật, thể thao… để các em có cơ hội tiếp xúc với bạn bè. Ngoài ra, những em không đến trường cũng nên gặp chuyên gia tâm lý định kỳ nhằm phát hiện các biểu hiện khác thường về tâm lý để kịp thời điều chỉnh.
Chính vì vậy, một số cha mẹ quyết định cho con homeschool “một phần”, như trường hợp chị Phạm Thiên Hương, mẹ của ba cô con gái, đồng thời là quản trị viên của nhóm Homeschooling in Vietnam trên Facebook.
Chị chia sẻ: “Chúng tôi lựa chọn lối đi riêng để bù đắp những thứ con không được học ở trường. Hình thức của chúng tôi hơi khác với homeschool riêng rẽ, đó là một số gia đình cùng hợp sức tạo môi trường giáo dục cho con em mình. Quyết định này do chính các con mong muốn vì chúng cảm thấy hạnh phúc, được sống là chính mình, được tự do khám phá và học theo cách của mình”.
Với mô hình này, các con của chị Thiên Hương vẫn có cơ hội học hỏi thông qua các nhóm khác nhau. Các bạn tham gia trong nhóm cũng đa dạng quốc tịch, tính cách, thường xuyên thực hiện các dự án cùng nhau để phát triển kỹ năng và nhân cách.
Chị Nguyễn Thúy Uyên Phương, sáng lập Trường ngoại khóa Tomato Children’s Home cho rằng, chị cũng sẽ không chọn homeschool hoàn toàn cho con vì giáo dục luôn phải gắn với cuộc sống. “Đứa trẻ nào cũng cần phải tương tác với môi trường bên ngoài gia đình, nơi có bạn bè, thầy cô vì ngoài kiến thức học thuật, các em còn cần được học về lòng nhân ái, sự chia sẻ, cách giao tiếp…”.
Cũng theo chị Uyên Phương, ở châu Âu hiện nay khá phổ biến mô hình trường tinh gọn (micro-school). Trường này thường chỉ có hai, ba lớp với 50-70 học sinh, có trường chỉ khoảng 30 học sinh. Do số lượng học sinh ít nên giáo viên có điều kiện tương tác và phát triển từng cá thể chu đáo hơn.
Dù ở hình thức nào thì homeschool ở Việt Nam cũng đang phát triển như nhu cầu tất yếu của xã hội. Trường học tại gia có được hệ thống giáo dục Việt Nam công nhận hay không chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng nhiều người trong ngành cho rằng, một khi hình thức này phát triển sẽ trở thành động lực để đổi mới giáo dục Việt Nam trong tương lai.
3% trẻ em Mỹ theo homeschool
Theo thạc sĩ Lê Đình Hiếu, người có nhiều năm nghiên cứu giáo dục ở Mỹ, mô hình trường học tại gia đã xuất hiện trên thế giới từ 20-30 năm qua. Ở Mỹ, nơi có nền giáo dục tiên tiến, số lượng gia đình quyết định cho con homeschool đã tăng đến 30 lần trong 10 năm qua. Số lượng trẻ học homeschool tại Mỹ hiện nay là 2 triệu em, chiếm khoảng 3% tổng số trẻ trong độ tuổi đi học.
Học sinh bậc THPT học đúng tuyến như ở Việt Nam sẽ trả học phí thấp vì chi phí cho giáo dục được trích từ thuế nhà đất (property tax). Hiện có khoảng 15 bang ở Mỹ có chính sách “school vouchers”, tức là: khi một số gia đình có con học không đúng tuyến và quyết định chọn học tại hệ thống giáo dục ngoài công lập sẽ được nhận lại một phần thuế và số tiền này lại được phụ huynh sử dụng cho con homeschool.
Không như việc thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam đòi hỏi phải xét học bạ cấp III, tất cả các thí sinh tự do ở Mỹ đều có quyền thi tú tài và việc xét tuyển đại học cũng chỉ dựa trên một số môn học và một số bài kiểm tra chuẩn hóa (như bài thi SAT/ACT, AP...) nhất định. Với sự phát triển mạnh mẽ của nguồn tài liệu mở, môi trường học trực tuyến với giá phải chăng, homeschool không còn là đặc quyền của những gia đình nhiều tiền tại Mỹ hay các nước trên thế giới nữa.
|
Xuân Lộc