Hôm trước vợ chồng, hôm sau đã thành “tình chị em”

25/10/2024 - 18:56

PNO - Trong hành trình hôn nhân, có những tình huống khó nói mà người vợ không thể lường trước được. Một khi rơi vào hoàn cảnh ấy, họ lại phải trải qua vô vàn cảm xúc thăng trầm.

Những cuộc hôn nhân trên danh nghĩa

Người ngoài nhìn vào cuộc sống gia đình của chị Thanh Nga - 43 tuổi, Tiền Giang - đều nhận xét đây là gia đình hạnh phúc kiểu mẫu: vợ mở tiệm uốn tóc kiêm dạy nghề, chồng làm tài xế xe tải đường dài; có 2 con ngoan, học giỏi; kinh tế gia đình khá.

Nhưng trong tiếng thở dài, chị Nga nói: “7 năm nay, chúng tôi chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa. Thực sự, tôi không biết nên gọi mối quan hệ này là gì: có 2 con chung, nhưng không ăn chung, không ngủ chung; có đăng ký kết hôn, nhưng để gọi là vợ chồng thì rất ngượng miệng”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Năm chị 28 tuổi mà vẫn còn ế, cha mẹ rất sốt ruột. Một người bà con làm mai cho chị anh chàng ở huyện bên, đã ngoài 30 tuổi mà chưa có vợ. Chỉ sau vài tháng, chị lên xe hoa. Quen qua mai mối, lại cưới vội nên chị không có nhiều cơ hội tìm hiểu tính cách, sở thích của chồng. “Lúc đó, tôi nghĩ cả hai đều đã trưởng thành, đâu cần mất thời gian hẹn hò, chỉ cần anh tử tế, chí thú làm ăn, lo cho gia đình là được” - chị chia sẻ.

Vì công việc của một tài xế xe tải đường dài, chồng chị 1 tháng mới về nhà 1 lần, vợ chồng gặp nhau ít, thời gian tiếp xúc không nhiều. Nhiều lần chị khuyên chồng nên đổi nghề để gần vợ con nhưng anh một mực từ chối. Điều đặc biệt, mỗi lần chồng về nhà đều chở theo một thanh niên trẻ tuổi, giới thiệu là lơ xe.

Mỗi lần như vậy, anh đều chủ động ngủ với đồng nghiệp ở nhà trên, còn 3 mẹ con chị ngủ trong phòng. Cho đến một ngày, chị phát hiện chồng mình có quan hệ tình cảm đặc biệt với anh chàng lơ xe. Khi chồng chủ động về kể hết sự tình, chị hoàn toàn suy sụp.

Chồng chị kể đã nhận ra bản thân có cảm xúc đặc biệt với người cùng giới từ khi mới dậy thì. Chính anh cũng hoang mang, đau khổ. Do sức ép của gia đình, anh lấy vợ theo kiểu “cố đấm ăn xôi”. Anh tưởng sau khi lập gia đình, có con, anh sẽ trở lại như bình thường, sẽ cố gắng làm người chồng, người cha tốt.

Nhưng thực tế anh không thể làm được. Chị nói thêm: “Tôi rất kính trọng gia đình chồng, cũng không muốn gây tổn thương cho con khi công khai sự thật. Người đàn bà U50 chấp nhận chịu đựng, xem chồng như người bạn”.

Tương tự, chị Thảo Nguyên - 26 tuổi, TP Biên Hòa, Đồng Nai - cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi phát hiện bí mật của chồng. Chồng chị vốn là bạn thời đại học. “Anh ấy chơi thể thao giỏi, đẹp trai và cư xử rất đàn ông. Yêu anh, nhiều lúc tôi còn sợ anh bị các cô gái khác quyến rũ” - chị kể.

Bình thường, vợ chồng chị có thể thoải mái xài điện thoại của nhau vì hoàn toàn tin tưởng nhau. Chị rất an tâm vì hầu như trên mạng xã hội, chồng không đăng gì, lịch sử tìm kiếm chỉ là phim hoạt hình, các game online, hình chụp chim thú, cây cỏ.

Đến một hôm, chị phát hiện chồng có một điện thoại thứ hai khi anh bỏ quên ở nhà. Không biết may mắn hay bất hạnh khi chị mò được mật khẩu và biết được sự thật động trời: chồng đang hẹn hò với một người đàn ông khác.

Khi có đủ bằng chứng trong tay, chị chờ chồng đi làm về để có một lời giải thích. Lúc này, chồng chị mới nói anh có tình cảm với cả nam lẫn nữ. “Gần 1 năm rồi, vợ chồng tôi vẫn sống chung, nhưng giữa chúng tôi đã có khoảng cách vô hình. Chính tôi và anh cũng không biết nên làm thế nào cho đúng” - chị Thảo Nguyên nói.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cần hành xử văn minh nhất có thể

Về những tình huống khó xử này, thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu - chuyên viên tâm lý, Trường đại học Văn Lang - cho rằng: không ai mong muốn rơi vào hoàn cảnh hôm trước là vợ chồng hôm sau thành “tình chị em”. Chắc chắn ai trong trường hợp này cũng sẽ cảm thấy bất ngờ, sốc, thậm chí hoảng loạn. Người trong cuộc cũng rất khó để lấy lại bình tĩnh ngay lập tức. Tuy nhiên, có khó mấy thì cũng cần phải đối diện, vì không thể cứ mãi trốn tránh.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu, người trong cuộc có thể tạm tách ra để cho nhau không gian bình tĩnh suy nghĩ; có thể tìm kiếm sự động viên từ những người đủ uy tín, tin cậy hoặc có thể đến gặp chuyên gia tâm lý để được lắng nghe, chia sẻ, nâng đỡ về mặt tinh thần.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mọi gợi ý đều hướng tới mục tiêu giúp người trong cuộc có thể giảm thiểu cảm xúc tiêu cực và tìm kiếm sự bình tĩnh nhanh hơn. Trong trường hợp có con, cả vợ và chồng cần ngồi lại và thống nhất về cách thức, thời điểm để chia sẻ với con về sự thật để giảm ảnh hưởng đến con. Cha mẹ cũng nên dự đoán trước phản ứng tiêu cực nhất của con để có những phương án hỗ trợ con, nhằm tránh rơi vào tình thế bị động.

Trường hợp vợ chồng đã có con với nhau, thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu gợi mở: “Quyết định đi hay ở tùy thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn và thống nhất của cả 2 vợ chồng. Trong trường hợp cả hai có quá nhiều mối bận tâm, ràng buộc như con cái, trách nhiệm - nghĩa vụ với gia đình đôi bên hoặc công việc, những mối quan hệ xung quanh của vợ và chồng bị xáo trộn và ảnh hưởng quá lớn thì nên cân nhắc kỹ về thời điểm thích hợp để cho nhau lối đi riêng.

Trong trường hợp người vợ đủ khả năng đối diện với những khó khăn, thách thức thậm chí những ý kiến, gièm pha thiếu cảm thông từ những người xung quanh thì việc chấm dứt mối quan hệ có vẻ dễ dàng hơn. Cố gắng duy trì mối quan hệ trong hoàn cảnh gượng ép không phải là cách giải quyết tốt về lâu dài, vì sẽ gây cảm giác mệt mỏi cho nhau”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu nhắn nhủ: dù đi hay ở, cả hai cũng cần hành xử một cách văn minh nhất có thể và cùng tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho đôi bên, bởi đây là tình huống không mong muốn, không nên có tâm lý thù hận, đổ lỗi.

Thành Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI