Hôm nay, lãi suất nhiều khoản vay giảm về 13%/năm

13/05/2013 - 14:39

PNO - Ngay sau khi NHNN công bố hạ lãi suất, chính thức có hiệu lực từ hôm nay (13/5), một số NH lớn đã chính thức điều chỉnh giảm các khoản vay cũ về mức 13%/năm.

Hiện tại, tỷ trọng cho vay với lãi suất trên 15%/năm với các khoản vay cũ còn 14% tổng dư nợ. Trước thực tế này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đề nghị các tổ chức tín dụng rút lãi suất các khoản vay cũ bằng VND về tối đa 13%/năm trong thời gian tới.

Hom nay, lai suat nhieu khoan vay giam ve 13%/nam

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho rằng: “Lợi nhuận có thể giảm nhưng đây là sự chia sẻ cần thiết của ngân hàng đối với người vay vốn và với nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi, xem xét các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai để có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp”.

Một số ngân hàng thương mại nhà nước chiếm thị phần lớn trên thị trường như Vietcomban, Vietinbank, BIDV… đã đồng thuận đưa lãi suất các khoản vay cũ về mức 13%/năm.

Theo tính toán của các NHTM, nếu hạ lãi suất cho vay nhưng kích thích tăng dư nợ thì lợi nhuận của ngân hàng có thể không bị sụt giảm. Tuy nhiên, đó mới chỉ là tiếng nói của các NH lớn, còn với các NH nhỏ thì đợt giảm lãi suất này sẽ ít nhiều tác động đến việc huy động vốn. Bởi lẽ, thanh khoản của các ngân hàng trong thời điểm hiện nay tuy đã có nhiều cải thiện, song thiếu bền vững. Hiện tượng "lách" trần lãi suất tuy có giảm, song vẫn tái diễn trên thị trường

Theo nhận định của các chuyên gia, việc các ngân hàng chủ động giảm lãi suất huy động kết hợp triển khai các chương trình nhằm kích thích tín dụng là một bước đi đúng hướng, phù hợp xu hướng của thị trường.

Theo NHNN, đến ngày 25/4/2013, tín dụng tăng 1,73% so với cuối năm 2012. Trong khi đó, tính đến 23/4/2013, huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp hơn 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011.

Nhận định về tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm, đại diện NHNN khẳng định mức tăng này là tương đối thấp, nhưng đây là xu hướng thường thấy ở các năm, do tính quy luật. Bởi các tháng đầu năm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, nên nhu cầu tín dụng hạn chế và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

Trên thực tế, nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng khó tăng trưởng cao không phải là vấn đề lãi suất, mà phải kể đến các nhân tố về khả năng tiêu thụ sản phẩm, vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh, tài sản bảo đảm...

Hiện sức mua trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức thấp, nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn; hàng hóa tồn kho vẫn ở mức cao (tính đến ngày 01/4/2013, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, không có nhiều phương án kinh doanh mới hiệu quả, nên mặc dù lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm, nhất là lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu nhưng nhu cầu vay vốn vẫn giảm.

Đó là chưa kể một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kém hiệu quả phải giải thể hoặc không đủ điều kiện để vay vốn. Một số khách hàng (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng các điều kiện vay vốn, như tình hình tài chính yếu, không chứng minh được hiệu quả của dự án, báo cáo tài chính của doanh nghiệp không rõ ràng, minh bạch, hầu hết tài sản đã được thế chấp để bảo đảm cho các nghĩa vụ của các khoản vay cũ và đến nay chưa trả được nợ, nên không còn tài sản để bảo đảm cho các khoản vay mới...

Thực tế, phần lớn doanh nghiệp cho rằng mối lo lớn nhất hiện nay là tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là khi năng lực tiếp cận thị trường vẫn còn ở mức thấp. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 18/4/2013, có tới 73% doanh nghiệp phản hồi cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại.

Ngoài ra, TCTD đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo do quy định của pháp luật điều chỉnh có nhiều điểm chưa cụ thể, chưa có sự phối đồng bộ giữa các cơ quan thi hành án và các cơ quan liên quan tại địa phương (công an, tòa án...) khiến cho các TCTD khó xử lý nợ xấu, hạn chế cho vay do lo ngại nợ xấu gia tăng.

Ngay sau khi NHNN công bố thông tin về việc cắt giảm 1% các lãi suất chủ chốt, khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC đã có bản phân tích về động thái này của cơ quan điều hành. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước không công bố cụ thể về lãi suất thị trường mở, nhưng theo suy đón của HSBC, lãi suất trên thị trường mở cũng sẽ giảm từ 6,5% xuống 6% vào ngày thứ 2 tới.

Tuy nhiên, theo HSBC, nếu cơ quan điều hành không có các cải cách quan trọng để giải quyết vấn đề nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, những động thái tiền tệ hôm nay sẽ không thể kích thích cầu tín dụng trong nước./.

Theo Vũ Hạnh-Kim Chi/VOV 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI