Cùng cái mạch chân thật, gần gũi đã được nhắc trong lời bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM, có rất nhiều những câu chuyện đã được kể lại trong buổi lễ trao học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó lần thứ 26 của báo Phụ nữ vào sáng 27/8/2016.
Những cô bé “gầy và buồn"
7g30 sáng, hội trường của Hội LHPN TP.HCM đã đầy kín những gương mặt lam lũ, háo hức. Dắt con lên đến tận cửa, vài phụ huynh vội vã quay ra, nhường lối đi cho những lượt người sau. Hội trường nhanh chóng rôm rả với 298 em học sinh, giữa tiếng nhạc rộn rã trong ngày cuối tuần cuối cùng của mùa hè.
Bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập Báo Phụ nữ phát biểu khai mạc Lễ trao học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó lần thứ 26, năm học 2016 - 2017.
Vừa thả tay ngoại, bước vào bên trong, Vũ Lê Hoàng Bảo Trân (học sinh lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình) vội nói ra, dặn dò ngoại nhớ uống thuốc đúng giờ. Rồi quay sang chúng tôi, Bảo Trân láu lỉnh: “Ngoại con bị tiểu đường giai đoạn 3 nên ngày nào cũng phải uống thuốc. Sáng nay con đi vội lắm, ngoại quên thì… tiêu!”. Trân sà vào nhóm bạn cùng lứa tuổi, bắt chuyện. Những buồn vui, háo hức, lo âu đan xen hiện lên trên từng gương mặt thơ trẻ. Cũng ngồi đó, cô bé lớp 8 gầy guộc Huỳnh Xuân Lộc cứ nơm nớp nhìn ra phía cửa, tìm mẹ. Mồ côi cha từ lúc 15 tháng tuổi, 12 năm nay, Lộc chứng kiến mẹ một tay chèo chống nuôi mình, nuôi một đứa em họ, rồi còn lo cho ông bà nội ngoại. Gánh nặng oằn vai, chị Sơn Thị Xuân Linh (mẹ Lộc) tìm đủ thứ nghề để mưu sinh. Ban ngày, chị phụ bán tranh thêu ở chợ Bến Thành, thu nhập bấp bênh. Những tháng ế hàng, phần lương khiêm tốn lại thêm còm cõi. Quá túng thiếu, chị tranh thủ bán thêm bạc xi ở chợ Hạnh Thông Tây từ 4 giờ chiều đến nửa đêm. Cứ thế, mỗi ngày chị chỉ ngủ được hai tiếng đồng hồ. Thương mẹ vất vả nên Xuân Lộc cố gắng học. Dáng người gầy guộc, ốm yếu, cô bé học sinh giỏi Văn tiểu học cấp thành phố thật thà chia sẻ: “Con chỉ biết học giỏi để bù đắp cho mẹ và học để sau này có điều kiện giúp lại các em nhỏ đứng trước nguy cơ bỏ học như con đã từng”.
26 mùa học bổng đã qua, mỗi gương mặt đến với Báo Phụ nữ là một câu chuyện đầy vui buồn như thế. Cũng mồ côi cha khi vừa một tuổi, đam mê học hành trong Mai Vũ Hoài Thương nhân đôi khi “con phải học bù vào phần anh Hai”. Anh trai Thương vừa thôi học, theo nghề điện để nhường phần học phí lại cho em. Mẹ Thương với công việc tạp vụ ở trạm y tế xã Hưng Long, huyện Bình Chánh không đủ trang trải. Mỗi sáng, chị Vũ Thị Thúy phải phụ bán bún riêu với chị chồng, kiếm thêm thu nhập. Sống với 3 triệu đồng mỗi tháng, có bữa, ba mẹ con phải chia nhau tô hủ tíu 15.000đ, còn bữa cơm thường ngày là… chén bún nước tương. Mẹ bận bịu kiếm sống, những lần hiếm hoi được ngồi cùng nhau, Thương lại nghe mẹ nhắc: “Mẹ và anh có thể nhường phần ăn cho con, nhưng riêng chuyện học thì chỉ có mình con phải cố gắng, không ai học thay con được”. Động lực vượt khó, kết quả học sinh giỏi 3 năm qua của Thương, chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu.
Bà Lê Huyền Ái Mỹ tặng hoa cho các đơn vị tài trợ
Cái nắm tay mùa tựu trường
Đứng giữa hội trường, nhìn khắp nơi hiện lên những tiếng cười nói, hân hoan của các em nhỏ trong đồng phục nữ sinh, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM ngậm ngùi: “Các em gầy và buồn quá!”. Cái “gầy và buồn" ấy cũng được nhắc đến trong lời phát biểu khai mạc của bà Lê Huyền Ái Mỹ, với hình ảnh chiếc gấu áo quăn lại, với bàn tay, đôi chân còn đọng bùn đất của những nữ sinh đến với buổi trao học bổng của Báo Phụ nữ tại huyện Cần Giờ hôm qua, mà rằng: “Trách nhiệm của chúng ta còn nhiều lắm!”.
Đó là lý lẽ của người sẻ chia, của 591 phần học bổng trị giá 1.500.000 đồng với học sinh tiểu học, 2.000.000 đồng với học sinh cấp hai và 2.500.000 đồng với học sinh cấp ba (trong cả 3 đợt năm 2016) - mà “vẫn thấy thiếu”. Còn, những đôi tay gầy guộc, bé nhỏ đang được nắm lấy kia dường như không thấy mình nhỏ bé. Ngồi giao lưu cùng MC Quỳnh Hương trên sân khấu, em Trịnh Phương Uyên (HS lớp 11 trường Hoàng Hoa Thám) quả quyết rằng: “Sự tủi thân không làm ta mạnh mẽ lên được, càng khó khăn, ta càng phải cố gắng". Hay em Đặng Kim Ngọc, từng đột ngột mất ba, từng trải qua khoảnh khắc bỗng chốc khốn cùng khi mẹ phải đi làm tạp vụ, vừa trả nợ, vừa nuôi con - lại khắc ghi mãi lời ba dạy, rằng: “Chỉ có con đường học tập mới mang đến một cuộc sống đàng hoàng". Chị Cao Thị Hạnh Nhung lại mang đến câu chuyện của một nữ sinh nghèo vừa tốt nghiệp cao học, đang công tác tích cực tại Hội PN huyện Cần Giờ sau một thời gian dài được tiếp sức bởi học bổng của Báo Phụ nữ - như trả lời lại nỗi băn khoăn của bà Ái Mỹ.
Một đứa trẻ “gầy và buồn” đi ngang qua chỗ chúng tôi đang ngồi, tiến nhanh về chỗ ngồi của mình, háo hức giở túi quà ra xem. Nhìn các em, bà Phạm Thị Kim Oanh, (Giám đốc Nhà may Kim Oanh) ứa nước mắt: “Lần nào ngồi đây, tôi cũng xúc động”. Đồng hành cùng chương trình học bổng của Báo Phụ nữ từ năm 2008, mỗi lần ngồi giữa hội trường, những tấm áo trắng kia lại một lần nhắc bà về tuổi thơ xa cha mẹ, phải gác lại giấc mơ đại học vì hoàn cảnh túng thiếu, cơ hàn của ông bà ngoại. “Tôi nhớ hoài về cô bé bán rau muống, cô bé chẳng may bị nhiễm HIV và rất nhiều đứa trẻ mồ côi, học giỏi từng xuất hiện trong chương trình này mỗi năm. Đến với báo Phụ nữ rất tình cờ thôi nhưng tôi luôn nỗ lực để được đồng hành với báo qua mỗi năm, chính vì cái cảm giác được nằm tay các em trong mỗi mùa tựu trường” - bà Oanh chia sẻ.
Chuyện buồn có thật, những sẻ chia cũng rất thật. Sự sẻ chia đôi khi lại đến từ những trải nghiệm buồn - rất thật khác, của những người đang “vào vai" người chia sẻ. Được mặc tấm áo học sinh, ngồi trong khán phòng của một buổi lễ trao học bổng như các em hôm nay từng là mơ ước của ông Lương Văn Dũng – Phó trưởng phòng Chuyên đề số 2, Agribank Văn phòng đại diện Khu vực Tây Nam Bộ - khi còn là một cậu bé con nhà nghèo, dăm bảy lần đối diện với nguy cơ bỏ học. Ông chia sẻ: “Quan sát các em đến dự chương trình, tôi mới thấy hết ý nghĩa của sự chia sẻ này. Dù học bổng không thể mang các em ra khỏi cảnh khốn khó nhưng sự tiếp sức này, niềm tin được trao gửi này sẽ giúp các em tự tin hơn, vững vàng hơn trên hành trình gian khó của mình.”
“Mẹ tôi âu yếm dắt tôi đi” là hình ảnh bà Ái Mỹ đã gợi ra khi nhắc đến tâm trạng “hôm nay, tôi đi học” của gần 300 nữ sinh có mặt trong hội trường. Báo Phụ nữ, cùng những người đồng hành cũ mới (Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH SX&TM Mebipha, Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3, Agribank KV Tây Nam Bộ, Agribank chi nhánh Phan Đình Phùng, Công ty CP Cơ điện lạnh REE, Tập đoàn Thái Tuấn, Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM. Công ty TNHH Thòi trang và xe đạp Martin 107, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực TP, Công ty trách nhiệm hữu hạn kim cương Kita, Công ty Hoàng Ân, MC Quỳnh Hương, Công ty TNHH ISIMAN VN, Công ty CP sữa VN Vinamilk, 100 Plus, Dược phẩm Quang Anh, Dược phẩm Phong Phú, Nhà may Kiều Oanh, nhóm CTXHTT Tổng công ty điện lực TP HCM) sẽ còn chia sẻ cùng nhau cái “dắt tay” ấy.
Các em háo hức trước buổi trao học bổng
Các em háo hức trước giờ nhận học bổng
Phần biểu diễn văn nghệ của Nhà thiếu nhi Quận 3
Chị Cao Thị Hạnh Nhung (bìa trái), em Đặng Kim Ngọc và em Trịnh Phương Uyên (bìa phải) giao lưu với MC Quỳnh Hương.
“Chỉ có con đường học tập mới mang đến một cuộc sống đàng hoàng" là lời dạy đi theo Kim Ngọc suốt tuổi thơ khốn khó
Từng được đồng hành bởi quỹ học bổng của Báo Phụ nữ, chị Cao Thị Hạnh Nhung bây giờ đã là thạc sĩ ngành Hành chính, công tác tại Hội PN huyện Cần Giờ.
Ông Nguyễn Thành Tài - Nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM trò chuyện, động viên các nữ sinh hiếu học, vượt khó.
Ông Nguyễn Thành Tài trao học bổng cho các nữ sinh hiếu học, vượt khó.
Được nhận học bổng từng là mơ ước của ông Lương Văn Dũng - đại diện đơn vị tài trợ Agribank Tây Nam Bộ.
Ông Nguyễn Thành Tài, bà Lê Huyền Ái Mỹ cùng các đơn vị tài trợ trao học bổng cho các nữ sinh hiếu học, vượt khó.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, đơn vị vừa bắt giữ vụ vận chuyển trái phép hơn 22 kg ma túy các loại từ Campuchia chuyển về Việt Nam.