“Hôm nay con học với ai?”

13/03/2014 - 08:30

PNO - PN - Mấy ngày gần đây, mỗi buổi sáng thức dậy, cu Ben bốn tuổi nhà tôi đều hỏi ba mẹ như vậy. Không những thế, Ben còn hỏi thêm: Hôm nay cô nào đón con ở lớp vậy ba mẹ? Cách đây vài hôm, cô giáo phụ trách lớp chồi thông báo...

Khoảng một tháng trước, buổi chiều hôm đó bà ngoại đi đón cháu và than thở về thái độ và cách hành xử không đúng của cô giáo: Vừa đến lớp, cô giáo D. liền nói với hai bà cháu: “Bà về nhà bảo ba mẹ dạy cháu cho nó ngoan ngoãn, cả trưa nay tôi phải trực suốt để phục vụ thằng bé. Đấy, quần áo nó bậy ra tôi đã bỏ túi bóng… Không được nghỉ ngơi tí nào, thật mệt mỏi”. Bà ngoại nghe vậy nên cũng thông cảm với cô và nói về nhà sẽ bảo ban cháu đến nơi đến chốn. Khi đưa cháu về nhà, bà ngoại đem câu chuyện này kể với vợ chồng tôi. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì từ bé, Ben đã được dạy giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Vợ chồng tôi nhẹ nhàng hỏi cháu thì cháu bảo: “Không phải con mà bạn Bin đấy ba mẹ ạ”.

“Hom nay con hoc voi ai?”

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi mở túi bóng lấy ra thì thấy một bộ quần áo đã dơ bẩn mà không phải quần áo của cháu, là của một bạn khác cùng lớp. Hôm sau tôi đem câu chuyện này phản ánh trực tiếp với cô thì cô mới chịu thừa nhận có sự nhầm lẫn là bạn Bin chứ không phải là Ben. Vậy mà cô đã quy tội cho cháu. Từ hôm đó thằng bé lúc nào cũng sợ cô, hôm nào ba mẹ bảo cô D. đón vào lớp là cháu nhất định xin mẹ ở nhà, hôm nào muốn cháu ăn xong bữa sáng thật nhanh thì chỉ cần “ba mẹ đưa cơm sang để cô D. xúc cơm cho con nhé” là thằng bé sợ khiếp vía, ăn thật nhanh. Gần đây cháu có biểu hiện lo âu.

Tuổi mầm non là giai đoạn quan trọng nhất trong những năm tháng đầu đời; hơn nữa, hoạt động vui chơi của bé là hoạt động chủ đạo, cách hành xử của giáo viên mầm non phải trên tình yêu thương hết lòng vì trẻ thơ, lấy phương châm “uốn nắn, chỉ bảo, hướng dẫn, ân cần, vị tha” để tiến hành hoạt động với trẻ. Tránh dạy kiểu dọa nạt trẻ vì dễ để lại ở trẻ vết hằn tâm lý.

 Phương Lan (Đồng Nai)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI